Bác sĩ của những bệnh nhân quanh năm đến viện

Ở nước ngoài, mỗi bệnh viện thường chỉ trang bị khoảng 30 - 40 máy lọc thận và chỉ chạy 2 ca/ngày; nhưng 95 chiếc máy tại khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai, luôn làm việc hết công suất để điều trị cho khoảng 600 bệnh nhân, chia làm 4 - 5 ca/ngày.

BS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN.

Sau nhiều lần hẹn gặp, cuối cùng, chúng tôi cũng gặp được BS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận Nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai. Tuy vậy, cũng phải đợi khá lâu vì bác sĩ còn bận khám, tư vấn cho bệnh nhân.


- Bệnh nhân đã suy thận mạn giai đoạn cuối, phải chạy thận nhân tạo (3 lần/tuần). Gia đình cần giúp bệnh nhân hiểu, chuẩn bị tâm lý và phải lên cả kế hoạch về tài chính vì việc chạy thận giờ là cả đời, sẽ rất tốn kém, BS Nguyễn Hữu Dũng tận tình hướng dẫn cho cả thân nhân người bệnh.


Xong việc, BS Dũng mới dành chừng nửa tiếng để trao đổi và dẫn chúng tôi thăm khu vực bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo. Khác với các khoa, phòng khác, dù có từ 550 - 640 bệnh nhân (chia thành 4 - 5 ca chạy thận/ngày), nhưng khoa Thận nhân tạo khá yên tĩnh. Đa phần bệnh nhân đều khẽ nhắm mắt, nằm nghỉ trên giường bệnh trong lúc chờ lọc máu; chỉ số ít là vừa nằm chờ vừa xem tivi. Tiếng ti vi cũng được các điều dưỡng chú ý điều chỉnh để đủ vừa nghe, không làm ồn đến những bệnh nhân muốn yên tĩnh.


Có lẽ, khu vực trên tầng 4 có chút ồn ào hơn, nhưng đó là do tiếng động cơ máy bơm nước kết nối với 4 hệ thống lọc nước tinh khiết R.O để cung cấp cho công tác điều trị. Đây là một trong những khâu rất quan trọng trong quá trình chạy thận thân tạo, trung bình mỗi bệnh nhân cần tới 22.000 lít nước siêu tinh khiết mỗi năm.


“Chúng tôi có tới 28 máy bơm nước đang hoạt động, đội ngũ kỹ sư cũng phải túc trực 24/24 giờ để đề phòng khắc phục sự cố, chỉ một máy bơm hỏng thôi là sẽ ảnh hưởng ngay đến công tác điều trị. Chạy thận mang tính chất chu kì, đến ngày đến giờ là bệnh nhân phải lọc máu, nếu chậm sẽ nguy hiểm cho người bệnh...”, BS Nguyễn Hữu Dũng chia sẻ.

Hệ thống xử lý nước 2 lần RO đảm bảo chất lượng nước trong lọc máu. Ảnh: TNT

Theo thống kê, đến nay, số lượng bệnh nhân tại Khoa Thận nhân tạo vẫn thuộc loại lớn nhất cả nước. Và dù đã được Bệnh viện Bạch Mai quan tâm đầu tư, song với 95 máy chạy thận mà Khoa hiện có vẫn chưa thể đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.


Nhiều khi, các bác sĩ buộc phải dừng lọc máu cho bệnh nhân đang chạy chu kỳ, để “nhường” máy cho trường hợp suy thận vừa nhập viện trong tình trạng cấp cứu. Chuyện bệnh nhân bức xúc, “cự nự” y, bác sĩ do thiếu máy, do bệnh nhân không hiểu vì vậy đôi khi cũng xảy ra.


Kể về các y, bác sĩ trong Khoa, bệnh nhân Lê Văn Thành, huyện Đan Phượng, Hà Nội, người có thâm niên chạy thận 11 năm, cho biết: Nằm điều trị ở đây lâu mới thấy, các y bác sĩ cũng rất vất vả. Bác sĩ nữ cũng như bác sĩ nam đều trực luôn phiên 2 ca, từ 6 giờ 30 sáng đến 4 giờ chiều và từ 4 giờ chiều đến sáng hôm sau. Ngày lễ, Tết, các anh các chị cũng phải túc trực 24/24 giờ.


“Tôi rất cảm phục và hài lòng với cách ứng xử của nhân viên, bác sĩ khoa Thận nhân tạo. Các anh, các chị thường hướng dẫn cho bệnh nhân một cách tận tình. Đôi khi, muốn biếu bác sỹ phong bì 100.000 - 200.000 đồng nhưng đều nhận được lời từ chối: Bệnh nhân thận rất khó khăn, bác để dành vì còn nhiều chi phí khác. Nói vậy để thấy, các y, bác sĩ đã nghĩ và lo cho người bệnh, cho chúng tôi cảm giác yên tâm và gần gũi như người nhà”, ông Thành chia sẻ.


Nhắc đến vấn đề phong bì, BS Nguyễn Hữu Dũng mỉm cười, cho biết: “Chúng tôi thường nhắc nhở anh em: Nếu các bạn muốn làm giàu thì nên chọn nghề khác, không nên làm giàu bằng nghề y. Hơn nữa, bệnh nhân thận nhân tạo đều rất nghèo, càng điều trị càng nghèo nên cầm phong bì của bệnh nhân, chúng tôi thấy mình có lỗi”.


Theo BS Nguyễn Hữu Dũng, để người bệnh có được cảm giác như người nhà với nhân viên y tế, việc giáo dục nhân viên trong khoa về cách ứng xử hàng ngày rất quan trọng. Do đó, trong các buổi giao ban, lãnh đạo khoa luôn nhấn mạnh về hoàn cảnh khó khăn của người bệnh, về trách nhiệm bác sỹ, điều dưỡng… Bên cạnh đó, cũng có những thiết chế để các thành viên cùng nghiêm túc thực hiện quy định chung.


“Hiện nay, Bệnh viện Bạch Mai đưa rất nhiều chế tài về quy trình; quy định. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chú trọng việc đào tạo lại cho cán bộ, nhân viên. Chắc chắn, cộng với việc làm đúng quy trình, sẽ hạn chế tối đa những sai sót, nâng cao sự hài lòng nơi người bệnh”, BS Dũng khẳng định.


Ngoài những trăn trở về việc nâng cao y đức, nâng cao hiệu quả hoạt động chuyên môn, các bác sĩ trong khoa Thận nhân đạo còn đau đáu việc nâng cao ý thức tuân thủ điều trị của người bệnh.

Điều trị cho bệnh nhân tại phòng cấp cứu, khoa Thận nhân tạo. Ảnh: PL

“Nếu bệnh nhân hiểu, hợp tác điều trị thì hiệu quả sẽ rất tốt, nhiều người đã chạy thận hơn 20 năm nhưng vẫn sống bình thường. Tuy nhiên, rất tiếc, nhiều khi chúng tôi vẫn phải cấp cứu những bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch vì không tuân thủ điều trị, ví dụ ăn thức ăn chứa nhiều kali (cam, chuối…), uống nhiều nước…”, BS Dũng chia sẻ.


Đó là lý do vì sao cứ 3 tháng/lần, khoa Thận tạo thường tổ chức họp bệnh nhân và người nhà, để giảng giải các vấn đề thiết yếu cho người bệnh. Đồng thời, cùng lắng nghe phản ánh của bệnh nhân và thân nhân họ để có hướng giải quyết khúc mắc kịp thời.


Theo BS Nguyễn Hữu Dũng, năm nay, dự kiến Khoa sẽ có thêm 10 giường nội trú để điều trị các biến chứng của bệnh nhân thận nhân tạo. Khi đó, công tác điều trị, chăm sóc bệnh nhân thận nhân tạo có lẽ sẽ phần nào bớt “nóng. Và như vậy, người bệnh cũng sẽ thấy thuận tiện và hài lòng hơn.


Đề nghị được viết về công việc của các bác sĩ Khoa Thận nhân tạo nhân dịp Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhưng các anh, các chị đều tránh nói về những vất vả của bản thân, ai cũng nhẹ nhàng nói: “Điều tôi và các đồng nghiệp đang làm là bình thường; tại các bệnh viện khác hoặc ngay trong Bệnh viện Bạch Mai còn nhiều tập thể, cá nhân có tâm, có tài”. Vậy nên, trong câu chuyện, chúng tôi chỉ thấy bóng dáng người bệnh cùng những trăn trở để nâng cao hiệu quả điều trị và chất lượng sống cho họ. Thật trân trọng và đáng quý thay tấm lòng người thầy thuốc.


Phương Liên
Những bác sĩ áo xanh tình nguyện
Những bác sĩ áo xanh tình nguyện

Ngoài chiếc áo blouse trắng quen thuộc, các y, bác sĩ trẻ của Bệnh viện Y học cổ truyền Yên Bái còn thường xuyên khoác trên mình những chiếc áo xanh tình nguyện với nhiều hoạt động xã hội ý nghĩa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN