Bác Hồ trong ký ức một nhà báo

Lần đầu tiên nhìn thấy Bác, được nghe Bác nói tôi có cảm giác rất gần gũi; Bác như người cha nói chuyện với các con, giáo dục chúng tôi những điều hay lẽ phải...”. Đó là tâm sự của nhà báo Ngô Văn Quán (ảnh) về lần đầu tiên ông được gặp Bác Hồ cách đây hơn 50 năm.

 

Ngược dòng thời gian, nhà báo Ngô Văn Quán đưa chúng tôi về những năm đầu thập niên 60. Năm 1961, ông công tác tại Nhà máy cơ khí Trần Đăng Ninh, Hà Nội. Cuối năm đó, Đài Tiếng nói Việt Nam tìm 1 công nhân về làm phóng viên cho chương trình phát thanh “Từ nhà máy đến công trường”; ông may mắn được chọn và bắt đầu công việc của một phóng viên. Về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam ít ngày, ông Quán cùng đoàn phóng viên xuống Nhà máy dệt Nam Định viết về phong trào thi đua tại đây. Ông đã thu thập tư liệu và viết bài về hai công nhân có năng suất cao nhất nhà máy lúc đó là Nguyễn Thị Hiếu và Nguyễn Thị Thạc.


Sau khi nghe buổi chương trình phát thanh đó, Bác Hồ đã gọi nhà báo Trần Lâm (lúc đó là Tổng Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam) mang bài viết lên gặp Bác. Nhà báo Trần Lâm gọi riêng ông Quán ra và hỏi: “Liệu có sai sót gì không?”. Nhà báo Ngô Văn Quán bình tĩnh trả lời: “Không, bài viết đảm bảo chính xác ạ”. Tuy nhiên, trong lòng vẫn có chút lo lắng. Thật bất ngờ là khi nhà báo Trần Lâm mang bài viết lên gặp Bác, Người đã ký tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho 2 cô Nguyễn Thị Thạc và Nguyễn Thị Hiếu ngay trên bài viết của nhà báo Ngô Văn Quán.


Nhà báo Ngô Văn Quán chia sẻ: “Đó là bài viết đầu tiên của tôi nên rất “chân thành, mộc mạc”, có lẽ cũng vì thế mà bài viết đã “đi vào lòng người”. Từ đó tôi luôn ghi nhớ, báo chí phải luôn phản ánh khách quan, trung thực nhưng không được khô cứng mà phải chạm đến trái tim người đọc".


Ông kể lại, cuối năm 1963 là lần đầu tiên ông được gặp Bác Hồ. Khi đó, ông là một trong những phóng viên ghi âm hội nghị giữa Bác Hồ với giai cấp công nhân vùng mỏ, tại hội trường Tổng Công đoàn Việt Nam, Hà Nội.


“Bác mặc bộ quần áo kaki, chân đi dép cao su, tay cầm chiếc mũ. Bác gặp gỡ và nói cười với mọi người như với những con em ruột thịt trong gia đình. Lúc ấy, tôi rất hồi hộp, lắng nghe từng lời Bác nói. Đặc biệt, tôi có cảm giác rất gần gũi, Bác như người cha nói chuyện với các con, giáo dục chúng tôi những điều hay lẽ phải”, nhà báo Ngô Văn Quán nhớ lại.


Tại hội nghị, Bác Hồ đã biểu dương công nhân vùng mỏ đã vừa sản xuất vừa chiến đấu chống Mỹ rất tốt. Nhưng Bác cũng phê bình những cán bộ lãnh đạo còn thiếu sót trong chỉ đạo sản xuất. Bác Hồ căn dặn: “Công việc của các chú, các cô là để góp phần cho công cuộc chống Mỹ cứu nước mau chóng thắng lợi”. Buổi nói chuyện ấy diễn ra hết sức thân mật trong hơn 1 giờ đồng hồ.


“Năm 1969, khi nghe tin Bác Hồ mất, tôi lặng đi, cổ họng nghẹn đắng, nước mắt cứ thế trào ra”, nhà báo Ngô Văn Quán chia sẻ. Ngày diễn ra lễ tang Bác Hồ, ông cũng là một trong những phóng viên được trực tiếp đến bên linh cữu Bác, đưa tin về lễ tang. Đứng bên Bác, nhìn đồng bào ai cũng khóc thương Bác, ông thấy đau xót và thương tiếc vô cùng.


Nhà báo Ngô Văn Quán cho biết, những kỷ niệm về Bác Hồ đối với ông không chỉ là niềm vinh dự, may mắn mà còn là những bài học mà ông luôn ghi nhớ và thực hiện trong suốt cuộc đời làm báo của mình.


Sau này, khi chuyển sang làm việc tại Đài Truyền hình Việt Nam, với cương vị là Trưởng phòng Hộp thư truyền hình, nhà báo Ngô Văn Quán đã tham gia xây dựng rất nhiều các quỹ từ thiện để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn như: Đền ơn đáp nghĩa, học sinh nghèo học giỏi, bảo trợ trật tự an toàn xã hội...


Hiện tại, khi đã ở tuổi 76 nhưng ông vẫn luôn cố gắng phấn đấu thực hiện theo lời Bác dạy trong từng suy nghĩ, việc làm. Tuy đã nghỉ hưu từ năm 1999, nhưng ông vẫn tham gia hoạt động báo chí với cương vị Phó Tổng Biên tập tạp chí Ngày nay. Ông luôn cổ động mọi người tham gia học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh qua các bài viết đăng tải trên tạp chí; đồng thời tổ chức để Chi bộ tạp chí thực hiện Chỉ thị 03 - CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Ngoài ra, những buổi nói chuyện về tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thường xuyên được triển khai.


Nhà báo Ngô Văn Quán chia sẻ: “Trong tôi, Bác Hồ luôn là tấm gương sáng về đạo đức, tác phong, tư tưởng, lối sống và cách làm việc. Với lòng thành kính và biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi luôn cố gắng lao động, cống hiến và làm được những điều tốt đẹp nhất có thể”.

 

Ánh Tuyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN