An toàn lao động trong khai thác khoáng sản: Vi phạm vẫn phổ biến

xNgành khai thác khoáng sản đang góp phần cải tạo từng bước cơ sở hạ tầng của các địa phương nơi có mỏ khoáng sản, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra do bất cẩn trong quá trình khai thác. Do vậy, công tác quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên khoáng sản và điều quan trọng nhất là bảo vệ tính mạng, sức khỏe người lao động và quyền lợi chính đáng của người lao động luôn là những ưu tiên hàng đầu hiện nay.

Thực trạng tai nạn lao động

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ và sự quan tâm đầu tư cải thiện điều kiện lao động trong các doanh nghiệp (DN) khai thác khoáng sản, nên tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp đối với lao động ở nước ta có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, trong lĩnh vực khai thác mỏ vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm. Nhất là tai nạn do khai thác hầm lò và khai thác mỏ lộ thiên như sập lò, sạt lở đất đá; bục nước, bùn; cháy nổ khí mỏ, khí mê tan, bụi than, đổ máy móc thiết bị... Các nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe như bụi than, đá, kim loại, tư thế lao động gò bó, thiếu dưỡng khí, ánh sáng, say nóng... thường xuyên đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của người lao động.

Lực lượng cứu hộ tại hiện trường vụ lở núi xảy ra tại xã Nam Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) ngày 1/4/2011.
Ảnh: Nguyễn Văn Nhật - TTXVN


Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong giai đoạn 2004-2007, số vụ tai nạn lao động trong cả nước tăng trung bình hàng năm 7,5%. Riêng năm 2011, thống kê tại các DN lớn cũng đã xảy ra 5.896 vụ tai nạn lao động, làm 6.154 người bị nạn, trong đó có 574 người chết; tổng số người bị mắc bệnh nghề nghiệp lên tới 29.000 trường hợp.

Trong khai thác than, giai đoạn từ năm 1996 - 2005 xảy ra tổng số 114 vụ tai nạn lao động, làm chết 182 người khi đang khai thác mỏ hầm lò. Như vậy, bình quân trong giai đoạn này cứ khai thác được 1 triệu tấn than thì có khoảng 3 người thiệt mạng. Giai đoạn 2000 - 2008 có 276 trường hợp bị chết, riêng chết trong hầm lò 219 người.

Còn trong khai thác đá mỗi năm cũng có hàng chục người chết. Những địa bàn khai thác đá để xảy ra tai nạn lao động làm nhiều người chết và bị thương đó là Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Nam , Phú Yên. Gần đây nhất là vụ tai nạn làm 18 người chết và 6 người bị thương tại mỏ Lèn Cờ, huyện Yên Thành - Nghệ An ngày 1/4/2011.

Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng: Hiện nay trừ các mỏ khai thác than và một số mỏ khai thác đá làm nguyên liệu sản xuất xi măng được đầu tư quy mô, tổ chức khai thác mỏ tuân thủ đầy đủ các quy định, quy chuẩn kỹ thuật an toàn từ khâu khai thác, vận chuyển đến chế biến. Còn lại phần lớn các mỏ đá ở các địa phương, quy mô nhỏ, không quá 100.000m3/năm với thời gian khai thác không quá 5 năm, nhiều mỏ chỉ có thời hạn khai thác từ 1-2 năm.

Tại những mỏ này, tình trạng phổ biến là không tiến hành thăm dò khoáng sản, không có thiết kế mỏ và có thì cũng không được cơ quan có thẩm quyền thẩm định theo quy định. Biện pháp khai thác tại các mỏ này không đáp ứng các quy định về an toàn trong khai thác. Các mỏ thường không có giám đốc điều hành đảm bảo đủ điều kiện năng lực chuyên môn, như năng lực quản lý, điều hành mỏ theo quy định hiện hành.

Một số loại khoáng sản khai thác bằng phương pháp hầm lò gồm vàng sa khoáng, quặng chì, măng gan, thiếc... chủ yếu thủ công. Đặc biệt, các đơn vị khai thác tư nhân và nạn khai thác trái phép đều thiếu đầu tư thiết bị, không có kỹ thuật khai thác do đó tai nạn lao động nghiêm trọng thường xuyên xảy ra. Song do việc quản lý các loại quặng này còn lỏng lẻo, nên khi xảy ra những vụ tai nạn lao động chết người với số lượng lớn, khi ấy các cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương mới có thông tin.

Vi phạm vẫn phổ biến

Theo nhận xét của Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Bùi Hồng Lĩnh: Tình hình vi phạm những quy định pháp luật về lao động, bảo hiểm, xã hội vẫn đang phổ biến trong các DN, cơ sở khai thác khoáng sản. Đặc biệt là tai nạn lao động trong khai thác mỏ, nhất là trong khai thác than, khai thác đá và một số loại khoáng sản khác đã và đang xảy ra rất nghiêm trọng.

Nguyên nhân là do sạt lở tầng khai thác, trượt lở bãi thải... ở mỏ lộ thiên; nổ khí, bục hầm lò, sập lò... ở mỏ hầm lò làm chết và bị thương nhiều người. Môi trường lao động trong hoạt động khai thác khoáng sản cũng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, làm nhiều người bị mắc bệnh nghề nghiệp, nhất là bệnh bụi phổi nghề nghiệp. Môi trường đó không chỉ ảnh hưởng trong phạm vi mỏ mà còn đang tác động không nhỏ đến một bộ phận rất lớn người dân sinh sống trong khu vực.

Một vụ tai nạn hầm lò do khai thác khoáng sản tại Xí nghiệp than Thành Công, Công ty Than Hòn Gai . Ảnh: Nguyễn Đán TTXVN


Theo Cục An toàn lao động, các DN khai thác vật liệu xây dựng (bao gồm sản xuất xi măng, đá ốp lát, đá, cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường) có thể chia thành 2 loại. Thứ nhất là trong các DN sản xuất xi măng, người lao động trong các mỏ đá, silic, cao lanh, đất sét có chế độ, quyền lợi tương đối bảo đảm. Nhưng việc khám phát hiện bệnh cho lao động vẫn còn hạn chế.

Thứ hai là trong các DN khai thác đá ốp lát, đá làm vật liệu xây dựng thông thường, quyền lợi của người lao động chưa đảm bảo, phần lớn họ chỉ được ký hợp đồng thời vụ. Nên người lao động không được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế mà chỉ được tham gia bảo hiểm thân thể. Mặt khác người lao động trong các DN này cũng không được áp dụng chế độ tiền lương theo nghề nghiệp, trình độ đào tạo mà chỉ theo khoán sản phẩm hoặc theo ngày công.

Khi xảy ra tai nạn lao động, nếu phải vào điều trị tại bệnh viện, thì chi phí y tế được chi trả cho họ theo sự hảo tâm của chủ sử dụng lao động, hay tùy thuộc vào sự hiểu biết về chế độ, chính sách của cá nhân họ hoặc người nhà. Còn nếu là tai nạn lao động chết người, việc bồi thường hầu hết được thực hiện theo thỏa thuận giữa chủ sử dụng lao động và thân nhân người bị nạn, song không có các chế độ trợ cấp cho các đối tượng thân nhân là con chưa đến tuổi trưởng thành, bố mẹ, vợ hay chồng không còn trong độ tuổi lao động.

Đặc biệt, trong các DN, cơ sở khai thác khoáng sản trái phép hầu như không hề triển khai các biện pháp kỹ thuật, cũng như an toàn trong khai thác mỏ. Việc thuê lao động thường giao khoán cho các nhóm lao động thông qua cai thầu, nên người lao động không hề được hưởng quyền lợi và an toàn lao động, vệ sinh lao động. Ngoại trừ họ được hưởng tiền công theo khoán sản phẩm hoặc công nhật. Khi xảy ra tai nạn, đa số người lao động phải tự trả chi phí y tế và không được bồi thường khi suy giảm khả năng lao động. Nếu bị chết, người thân của họ cũng không được đền bù hay hỗ trợ.

Chính vì những lý do đó, việc đảm bảo các quyền lợi chính đáng của người lao động về tiền lương, bảo hiểm xã hội, điều kiện lao động, an toàn, vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường trong khai thác mỏ đang rất cần sự quan tâm đầu tư và ý thức trách nhiệm của các DN, người lao động và các cơ quan, tổ chức liên quan.

Một số giải pháp

Tại Hội thảo “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường”, do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức đầu tháng 3 vừa qua, đại biểu các bộ, ngành chức năng Trung ương và các nhà quản lý, các nhà khoa học tham dự đều cho rằng: Thực trạng về tai nạn lao động và những tồn tại trong công tác an toàn - vệ sinh lao động trong khai thác khoáng sản trong thời gian qua rất đáng báo động.

Mặt khác, những thách thức do điều kiện khai thác các mỏ hầm lò ngày càng khó khăn do phải xuống sâu; điều kiện địa chất phức tạp hơn; nguy cơ bục nước, khí mỏ gia tăng vì phải chuyển từ khai thác lộ thiên sang khai thác hầm lò; yêu cầu về sản lượng khai thác tăng nhanh để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế, chắc chắn sẽ làm gia tăng nguy cơ gây mất an toàn lao động và bệnh nghề nghiệp. Do đó, cần sớm có những giải pháp đồng bộ để giảm thiểu tai nạn lao động trên lĩnh vực này.

Thứ trưởng Bộ tài nguyên và Môi trường, Nguyễn Linh Ngọc cho biết: Để đạt được mục tiêu đến năm 2015 đưa ngành công nghiệp khai thác khoáng sản của Việt Nam trở thành ngành có trình độ công nghệ đạt trình độ khu vực, có đội ngũ cán bộ quản lý giỏi, đội ngũ công nhân lành nghề; bảo đảm an toàn lao động, đạt tiêu chuẩn môi trường, bảo đảm quyền lợi người lao động; chấm dứt khai thác không tuân thủ thiết kế, không đảm bảo các điều kiện an toàn lao động, vệ sinh lao động, lãng phí tài nguyên và hủy hoại môi trường. Đặc biệt là giảm 5% tần suất tai nạn lao động trong khai thác mỏ, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia An toàn lao động, vệ sinh lao động giai đoạn 2011-2015.

Theo đó, giải pháp mà các Bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty cần phải thực hiện ngay, đó là tăng cường kiểm tra và chỉ đạo các đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện đầy đủ các quy định của nhà nước về an toàn lao động và vệ sinh lao động, kể cả các chế độ bảo hiểm lao động. Tăng cường, đổi mới phương thức huấn luyện về an toàn lao động cho người sử dụng lao động và người lao động.

Các địa phương cần tăng cường công tác thanh tra việc thực hiện các quy định của nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động ở các DN khai thác khoáng sản. Kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời đối với các hành vi vi phạm luật pháp lao động, đặc biệt là công khai hóa các DN không chấp hành nghiêm quy định pháp luật về lĩnh vực này.

Nhằm phòng ngừa các vụ tai nạn xảy ra, hoạt động khai thác các loại khoáng sản phải được khảo sát, thăm dò và thiết kế khai thác đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định và phải được cơ quan tổ chức có thẩm quyền phê duyệt. Các thiết kế thi công phải áp dụng các biện pháp an toàn cụ thể, chi tiết cho từng khai trường, khu vực cần thiết. Đồng thời chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ giám sát an toàn, quản đốc, phó quản đốc, trực ca về kiến thức an toàn, vệ sinh lao động; đánh giá phân tích rủi ro trong đào, chống lò và các biện pháp an toàn lao động theo mẫu cụ thể chi tiết...

Văn Hào
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN