1.750 tỷ đồng đẩy mạnh đào tạo nghề nông nghiệp

Ngày 29/11, tại Hà Nội, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Tổ chức Oxfam tổ chức hội thảo công bố báo cáo nghiên cứu và tham vấn kế hoạch, khung hướng dẫn đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Theo đó, tổng kinh phí thực hiện kế hoạch này là 1.750 tỷ đồng.

Ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, dự thảo Kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2017 - 2020 với mục tiêu là đào tạo nghề nông nghiệp cho trên 900.000 lao động nông thôn. Đồng thời, 80% tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm ngay sau khi đào tạo. Các ngành nghề được đào tạo là sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nghề rừng, nghề nuôi trồng đánh bắt, khai thác thủy sản, chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối cho người dân vùng nghèo, vùng đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó là ngành nghề đào tạo để thực hiện các chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng phó với biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường biển. Đặc biệt, ưu tiên các đơn vị sản xuất và doanh nghiệp đang xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa tập trung, có liên kết tiêu thụ sản phẩm, sản xuất công nghệ cao, đào tạo nghề cho các thành viên tổ, nhóm sản xuất, hợp tác xã.

Theo ông Ma Quang Trung, giải pháp để thực hiện Kế hoạch trên là rà soát lại các chương trình, giáo trình nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng đã xây dựng từ những năm trước để hoàn thiện; cập nhật, bổ sung các chương trình, giáo trình nghề nông nghiệp cho phù hợp với điều kiện thực tiễn và thời gian học. Bên cạnh đó, đào tạo nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng nghề cho đội ngũ giáo viên ở các trung tâm giáo dục nghề nghiệp chưa đủ giáo viên cơ hữu. Hàng năm, tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý cho đội ngũ cán bộ quản lý ở các cơ sở giáo dục tham gia dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn…

Bà Nguyễn Thị Lê Hoa, Phó giám đốc Tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho biết, trong 3 năm (2014-2016) Oxfam đã tổ chức nghiên cứu về “Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn hướng đến giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”. Kết quả cho thấy, cơ chế lập kế hoạch và phân bổ ngân sách đào tạo nghề vẫn còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, tình trạng đầu tư lớn cho các trung tâm dạy nghề ở tất cả các huyện là không cần thiết và gây lãng phí nguồn lực. Các chính sách hỗ trợ học nghề chưa được tích hợp, vẫn đang tồn tại ở nhiều văn bản khác nhau, với cơ quan chủ trì riêng và dòng ngân sách riêng.

Ngoài ra, việc lựa chọn những hộ tham gia học nghề còn dàn trải, chưa gắn với các nông dân nòng cốt nhằm thúc đẩy cơ chế tiên phong – lan tỏa trong cộng đồng. Tỷ lệ nữ giới tham gia học nghề tương đương hoặc cao hơn so với nam giới.

Dựa trên các phân tích trong báo cáo này, bà Nguyễn Thị Lê Hoa cũng đưa ra một số khuyến nghị như cần gộp các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng khác nhau (người khuyết tật, phụ nữ, thanh niên, người nghèo/người dân tộc thiểu số ở địa bàn đặc biệt khó khăn thiếu đất sản xuất…) vào chung một văn bản, áp dụng chung cơ chế và quy trình thực hiện. Bên cạnh đó, bổ sung hỗ trợ đào tạo nghề cho cả đối tượng người lao động di cư, “hộ mới thoát nghèo” và “người quá tuổi lao động nếu có đủ sức khỏe, có khả năng lao động và có nhu cầu học nghề”. Đồng thời, chú trọng đào tạo nghề bổ sung, chuyên sâu cho nhóm nông dân nòng cốt để tạo hiệu ứng tiên phong - lan tỏa trong cộng đồng, gắn với vùng sản xuất hàng hóa, tận dụng tiềm năng thế mạnh của từng địa phương.

Thành Trung (TTXVN)
Đổi mới đào tạo nghề để “hút” người học
Đổi mới đào tạo nghề để “hút” người học

Nhiều chính sách hỗ trợ, hướng tới học sinh, sinh viên đăng ký theo học tại các cơ sở đào tạo nghề đã giúp việc tuyển sinh của các trường nghề khả quan hơn so với các năm trước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN