1.001 chiêu “rút ruột” Quỹ Bảo hiểm Y tế: Bài 2: “Ép” người bệnh... dùng thêm thuốc, thủ thuật

Không chỉ lạm dụng các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh đắt tiền..., tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh còn xảy ra tình trạng lạm dụng thuốc, kê đơn thuốc một cách rộng rãi, bất hợp lý, gây tốn kém cho người bệnh.

Lạm dụng thuốc kháng sinh, thuốc hỗ trợ

Việc kê thuốc kháng sinh cho người bệnh rất cần sự cẩn trọng của người thầy thuốc. Bởi nếu lạm dụng dễ dẫn đến hiện tượng kháng thuốc, rất nguy hại cho người bệnh. Thế nhưng, qua thanh kiểm tra, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH VN) thấy rằng, việc chỉ định thuốc kháng sinh đắt tiền để điều trị dự phòng tại nhiều cơ sở y tế rất bất hợp lý, không qua hội chẩn (theo quy định của Bộ Y tế) hoặc hội chẩn không đúng quy định. Tình trạng này đã xảy ra phổ biến ở các tỉnh: Vĩnh Long, Thái Bình, Long An...

“Tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Vĩnh Long, một bệnh viện bị bội chi quỹ BHYT, nhưng số lượng thuốc kháng sinh đắt tiền chiếm tới hơn 70% số thuốc kháng sinh được kê cho người bệnh. Rõ ràng đây là một hình thức sử dụng thuốc vô tội vạ. Bởi bình thường, thông thường tỷ lệ thuốc kháng sinh thông thường được kê sử dụng phải nhiều hơn so với thuốc kháng sinh đắt tiền, được Bộ Y tế xếp vào hàng dự trữ, hạn chế sử dụng”, ông Nguyễn Tá Tỉnh, Phó Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT, BHXH VN cho biết.

Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tích cực thực hiện việc nâng cao quy tắc ứng xử, phục vụ người bệnh, khám chữa bệnh và thanh toán viện phí đối với người bệnh BHYT. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN


Qua kiểm tra tại khoa Sản, BVĐK tỉnh Vĩnh Long, BHXH phát hiện có 45 ca đẻ thường nhưng lại được chỉ định sử dụng kháng sinh dự phòng Klamentin, dùng liên tục trong 16 ngày. Riêng trong quý 1/2009, khoa Sản đã cấp tới 3.975 viên Klamentin với tổng số tiền trên 37,6 triệu đồng cho người bệnh sau khi ra viện.

Ông Nguyễn Tá Tỉnh tâm sự: “Tôi đã phản ánh và yêu cầu lãnh đạo BV cần phải chấn chỉnh lại tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh như đã nêu. Bởi, xét về khía cạnh kinh tế đã là không chấp nhận được, mà xét về khía cạnh đạo đức thì càng tệ hại hơn. Với kiểu kê thuốc kháng sinh quá mức như vậy thì chính người thầy thuốc đang đưa người bệnh vào tình trạng nhờn thuốc, không còn sử dụng được bất kỳ loại thuốc kháng sinh nào để trị bệnh sau này”.

Ngoài ra, việc chỉ định sử dụng thuốc điều trị hỗ trợ tùy tiện cũng là một vấn đề nổi cộm, ảnh hưởng đến quỹ BHYT. Riêng chi phí sử dụng thuốc Glutathion (thuốc thuộc nhóm giải độc cấp cứu) tại BVĐK tỉnh Thái Bình trong năm 2009 - 2010 đã lên tới gần 10 tỷ đồng.Tại BVĐK tỉnh Thanh Hóa, nhiều trường hợp không có chẩn đoán bệnh về gan nhưng vẫn chỉ định sử dụng thuốc Arginin (có tác dụng phòng và hỗ trợ điều trị các bệnh về gan) rộng rãi. Tại BVĐK Hợp Lực, tỉnh Thanh Hóa, năm 2010 có tới 90,48% bệnh nhân điều trị nội trú được chỉ định truyền đạm...

“Sính” kê thêm các thủ thuật

BHXH VN khi thanh tra 13 tỉnh, thành phố bị bội chi hoặc có nguy cơ bội chi quỹ khám chữa bệnh BHYT cũng thấy, nhiều cơ sở y tế cố tình lạm dụng các thủ thuật, nhất là các dịch vụ kỹ thuật y học cổ truyền - phục hồi chức năng (YHCT - PHCN)...

Tại BVĐK tỉnh Thái Bình, thống kê số tiền thanh toán BHYT các thủ thuật phục hồi chức năng trong ngày nghỉ lễ quý IV năm 2009 là hơn 63,4 triệu đồng (314 lần); 6 tháng đầu năm 2010 là 71,6 triệu đồng (467 lần). Khoa Phục hồi chức năng có 1 máy thực hiện kéo dãn cột sống cổ, cột sống thắt lưng bị hỏng từ 3/2 - 5/3/2010 nhưng vẫn thống kê là khám chữa bệnh cho 31 trường hợp và yêu cầu quỹ BHYT thanh toán 1,8 triệu đồng.

“Bất bình thường ở chỗ, chi phí khám chữa bệnh của một khoa YHCT và phục hồi chức năng BVĐK huyện Đoan Hùng, Phú Thọ, chiếm tới 50% chi phí khám chữa bệnh của toàn BV. Với số lượng cán bộ, máy móc có hạn mà thực hiện một số lượng thủ thuật phục hồi chức năng nhiều đến thế là rất bất hợp lý”, một cán bộ BHXH tỉnh Phú Thọ cho hay.

Để xác định mức độ vi phạm, các cán bộ BHXH đã phải tính toán, thống kê nhân lực thực hiện dịch vụ kĩ thuật, nhân số lượng dịch vụ kĩ thuật với thời gian tối thiểu để thực hiện một dịch vụ kĩ thuật. Kết quả cuối cùng cho thấy tổng số lượt thủ thuật phục hồi chức năng mà BV kê khai đã vượt quá quỹ thời gian, và khả năng làm việc thực tế của cán bộ y tế.

“Nếu đối với bệnh nhân cấp cứu, mà cán bộ y tế phải làm ngoài giờ để điều trị cho bệnh nhân là điều hợp lý. Tuy nhiên, những bệnh nhân cần phục hồi chức năng là phần lớn là bệnh nhân không điều trị nội trú. Hơn nữa, việc mô tả bệnh trên hồ sơ bệnh án đã thể hiện rõ, nhiều bệnh nhân chưa tới mức phải phục hồi chức năng nhưng cũng được chỉ định thực hiện dịch vụ. Rõ ràng, đây là một sự lãng phí, lạm dụng quỹ BHYT, đồng thời gây tốn kém cho người bệnh”, ông Nguyễn Tá Tỉnh khẳng định.

Phương Liên

Bài 3: Bệnh viện tư cũng “a dua” rút quỹ

1.001 chiêu “rút ruột” Quỹ Bảo hiểm Y tế: Bài 1: Nửa đêm... đi chụp cộng hưởng từ
1.001 chiêu “rút ruột” Quỹ Bảo hiểm Y tế: Bài 1: Nửa đêm... đi chụp cộng hưởng từ

Mỗi năm, 1.900 cán bộ giám định của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phải xử lý một khối lượng công việc khổng lồ với hơn 100 triệu hồ sơ bệnh án. Trong đó, khó khăn nhất với họ là phải “gồng mình” đối phó với 1.001 chiêu “rút ruột” quỹ bảo hiểm y tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN