07:09 07/07/2011

Vượt qua khó khăn, xuất khẩu vẫn tăng trưởng cao

Theo Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), dù 6 tháng đầu năm, tình hình thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, song kim ngạch xuất khẩu (XK) 6 tháng vẫn đạt 42,3 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm 2010.

Theo Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), dù 6 tháng đầu năm, tình hình thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, song kim ngạch xuất khẩu (XK) 6 tháng vẫn đạt 42,3 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó, tăng trưởng ấn tượng nhất trong XK là nhóm hàng nông sản, thủy sản.

Lượng và giá trị đều tăng

Ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, tình hình XK đang diễn biến theo chiều hướng tích cực, bình quân mỗi tháng đạt kim ngạch 7,06 tỷ USD, cao hơn mức bình quân kế hoạch (6,62 tỷ USD). Nhiều mặt hàng đã có mức tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước và giá cả nhiều mặt hàng khoáng sản, nông sản tăng đã góp phần đáng kể vào tăng xuất khẩu. Cụ thể, nhóm hàng nông, lâm, thủy sản là điểm sáng trong bức tranh XK khi 6 tháng đầu năm 2011 ước đạt 9,6 tỷ USD, tăng 44,7% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 23% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. XK của nhóm hàng này tăng mạnh nhờ tăng cả về lượng và giá. Trong đó, về lượng thì XK cà phê tăng 29,1%, gạo tăng 15,9%, sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 40,4%. Giá XK nhóm hàng nông, lâm, thủy sản vẫn ở mức cao so với cùng kỳ năm trước như: Giá XK bình quân nhân điều tăng 39,8%, giá cà phê tăng 51%, giá hạt tiêu tăng 64%, giá gạo tăng 13,8%, giá cao su tăng 57,7%... Nhóm hàng khoáng sản (chiếm tỷ trọng 13% kim ngạch XK) mặc dù lượng XK giảm nhưng giá trị XK vẫn đạt mức 5,2 tỷ USD, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm trước do giá dầu thô tăng 47,8% và giá than đá tăng 19,4%.

Đóng bao gạo xuất khẩu tại Xí nghiệp Chế biến Lương thực số 2 Công ty Lương thực Long An (Tổng công ty Lương thực miền Nam). Ảnh: Đình Huệ - TTXVN


Bên cạnh đó, XK vào các thị trường mà Việt Nam có ký hiệp định thương mại tự do với các khối, nước có sự tăng trưởng cao, tỷ lệ các doanh nghiệp xin cấp chứng nhận ưu đãi là 15 - 16% (thông thường là 9 - 10%, 6 tháng đầu năm 2010 là 13,7%), tương đương giá trị tuyệt đối là 6,5 tỷ USD. Điểm nhấn này cho thấy doanh nghiệp đã tận dụng những ưu đãi của các hiệp định đã ký kết và là giải pháp quan trọng để đẩy mạnh XK thời gian tới.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương nhận định, tăng trưởng XK của các mặt hàng thuộc nhóm hàng công nghiệp chế biến chưa đồng đều. Nhiều mặt hàng XK chủ lực của nhóm có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với mức tăng trưởng chung, song vẫn có một số mặt hàng tăng trưởng không như kỳ vọng như: Linh kiện máy tính và sản phẩm, phương tiện vận tải và phụ tùng; thậm chí có một số mặt hàng tăng trưởng âm (như dây điện, cáp điện, hóa chất...).

Về nhập siêu, theo đánh giá của Bộ Công Thương, tín hiệu đáng mừng nhất là tốc độ nhập khẩu tăng trưởng thấp hơn XK, các mặt hàng cần nhập khẩu có tăng trưởng tương đương với mức tăng trưởng chung (25%). Nhóm hàng từ lâu các bộ, ngành xã hội quan tâm nhất là hàng tiêu dùng chỉ tăng 0,7% và nếu trừ yếu tố tăng giá thì nhóm này thậm chí còn giảm 15%. Dự kiến, cả năm 2011, nhập siêu sẽ vào khoảng 14 - 14,5 tỷ USD.

Dệt may, gạo đạt kỷ lục

Theo Bộ Công Thương, khả năng năm 2011 XK có thể đạt 84,5 - 85,5 tỷ USD, tăng 17 - 18% so với năm 2010 (chỉ tiêu của Quốc hội là 79,4 tỷ USD). Cơ cấu XK vẫn theo hướng tích cực. Trong đó, nhóm hàng nông sản, thủy sản vẫn có thể XK với giá cao, dự kiến đạt 9,2 tỷ USD trong 6 tháng cuối năm, nâng tổng kim ngạch cả năm lên 19 tỷ USD; nhóm nhiên liệu và khoáng sản lần lượt đạt 5,3 tỷ USD và cả năm 10,6 tỷ USD, nhóm hàng công nghiệp chế biến tương ứng đạt 25 tỷ USD và 45 tỷ USD (tỷ trọng 53,3%).

Đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết XK 6 tháng đạt trên 6,16 tỷ USD, tăng 29% - năm đầu tiên trong 5 năm gần đây có mức tăng trưởng XK cao nhất. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm giá tất cả các nguyên liệu tăng cao dẫn đến kim ngạch nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu dệt may lên đến 5,7 tỷ USD.

Điểm khó hiện nay là doanh nghiệp sau một thời gian chịu đựng lãi suất cao nên lực nội tại khó khăn hơn rất nhiều và khó hơn giai đoạn đầu năm. Do đó, để đảm bảo thị phần xuất khẩu, tăng trưởng đạt kim ngạch đề ra sẽ rất khó khăn. Bởi nhiều dự án đang gặp khó về vốn không triển khai được khiến tỷ lệ nội địa hóa 60% vào năm 2015 khó hoàn thành.

Đại diện Hiệp hội lương thực Việt Nam cho biết, 6 tháng đầu năm đã XK được trên 3,9 triệu tấn, tương đương 1,8 tỷ USD – cũng là năm có số lượng XK lớn nhất từ trước đến nay (tăng lần lượt 15% về số lượng và 25% về trị giá). Thông thường cuối năm nhu cầu thị trường yếu nhưng năm nay có yếu tố tích cực từ bầu cử ở Thái Lan nên giá gạo tăng và khiến nhu cầu chuyển sang gạo Việt Nam. Do đó, dự kiến 6 tháng cuối năm, lượng gạo XK hoàn toàn có thể đạt trên 3 triệu tấn, nâng lượng XK cả năm hơn 7 triệu tấn gạo.

Thu Hường