11:12 18/11/2011

Vượt lên bệnh tật vì sự nghiệp "trồng người"

Với dáng người nhỏ, luôn mang bên mình chiếc nạng gỗ nhưng gương mặt toát lên nghị lực phi thường, đôi mắt sáng đầy tự tin, cô Nguyệt từ lâu đã trở thành "điểm tựa" cho nhiều thế hệ học trò vùng lũ Hương Khê, Hà Tĩnh.

Chúng tôi gặp cô giáo Lê Thị Nguyệt (SN 1964), giáo viên trường Tiểu học Thị Trấn Hương Khê (Hà Tĩnh) khi cô vừa đi khám bệnh định kỳ ở Hà Nội trở về. Với dáng người nhỏ, luôn mang bên mình chiếc nạng gỗ nhưng gương mặt toát lên nghị lực phi thường, đôi mắt sáng đầy tự tin, cô Nguyệt từ lâu đã trở thành "điểm tựa" cho nhiều thế hệ học trò vùng lũ nơi đây.


Hình ảnh quen thuộc của cô Lê Thị Nguyệt. Ảnh: Dân trí



Nhắc đến cô Nguyệt, không những các thế hệ giáo viên của ngành giáo dục huyện Hương Khê biết đến bởi sự vượt khó vượt lên số phận mà ngay cả những người công tác tại Sở Khoa học và Công nghệ cũng phải nể phục cô bởi lòng say mê, sự sáng tạo trong giảng dạy. Thật vui khi thấy hình ảnh học trò chăm chú lắng nghe cô Lê Thị Nguyệt giảng cho học sinh về chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta ở chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa làm chấn động năm Châu.


Chúng tôi cũng cuốn theo câu chuyện của cô bằng hình ảnh, bằng mô hình mà chính cô sáng tạo ra để giảng dạy cho học sinh. Và chính “Lược đồ chiến thắng Điện Biên Phủ” mà cô sáng tạo nên để giúp học sinh học tư duy về trận đánh năm xưa đã được Hội thi sáng tạo do Sở khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh tổ chức trao tặng giải ba.


Lớn lên trên mảnh đất hàng năm phải gánh chịu biết bao trận lũ lụt và điều kiện thiên tai khắc nghiệt, cô giáo Nguyệt cảm nhận được sự vất vả của người dân nhất là học trò của mình phải vượt qua những hoàn cảnh khó khăn để đến lớp. Bởi vậy, trong giảng dạy cũng như trong cuộc sống, cô Nguyệt luôn dành tình cảm thân yêu nhất của mình cho học trò. Mỗi lần đến lớp trên nạng gỗ dù vất vả, khó nhọc nhưng cô cảm thấy sự yên vui vì đám học trò luôn là niềm hy vọng, niềm khát khao của mình.


Cô Lê Thị Nguyệt tâm sự: "Làm nghề đưa khách qua sông như chúng tôi nói thật là vất vả nhưng chính các em học sinh đã đem đến cho chúng tôi những niềm vui, niềm tự hào. Có nhiều em học sinh khi trưởng thành đã về thăm, động viên tôi và đó là điều tôi hạnh phúc nhất".


Như bao người khác, cô giáo Lê Thị Nguyệt lớn lên cắp sách đến trường và có ước mơ trở thành cô giáo và với sự cố gắng học tập của mình cô Nguyệt vào ngành sư phạm. Năm đầu tiên ra trường, cô về công tác tại trường THCS Hương Trạch tại phân hiệu La Khê - nơi xa nhất của huyện Hương Khê. Hai năm gắn bó với con em vùng xa đến năm 1991, cô Nguyệt chia tay các em và phụ huynh với những giọt nước mắt lăn dài trên gò má của trẻ thơ để về quê Hương Đô công tác và xây dựng gia đình.


Cô Nguyệt tay chống nạng gỗ lên bục giảng bài cho các em học sinh Trường tiểu học Thị trấn Hương Khê, Hà Tĩnh. Ảnh: Dân trí



Cũng trong thời gian này, bệnh viêm đa khớp đã hành hạ, dày vò cô. Căn bệnh quái ác này đã lấy đi của cô gần như tất cả sức lực, tiền của nhưng trong cô vẫn còn lại nghị lực, là các thế hệ học trò, là 2 đứa con chăm ngoan học giỏi. Di chứng của bệnh đa khớp khiến cô khó khăn trong vận động, các ngón tay và cánh tay, các khớp xương luôn sưng tấy nhưng vẫn không ngăn được niềm đam mê nghề nghiệp và sự sáng tạo dạy học của cô.


Thầy Lê Ánh Dương, Hiệu trưởng trường THCS thị trấn Hương Khê nói: "Chị Lê Thị Nguyệt là tấm gương để cán bộ, giáo viên trong trường noi theo, hàng ngày trên chiếc nạng gỗ của mình dù khó khăn, vất vả nhưng chị đều hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn và luôn được các em học sinh yêu thương, đồng nghiệp kính trọng". Cô giáo Nguyệt nhiều năm liền đạt danh hiệu giáo viên giỏi của Hà Tĩnh, danh hiệu “Viên phấn hồng”, danh hiệu giáo viên “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” và nhiều danh hiệu khác.


Hàng ngày đến trường trên chiếc nạng gỗ, bệnh tật, vất vả không ngăn được niềm say mê sáng tạo cũng như tình yêu thương học trò, cô giáo Lê Thị Nguyệt xứng đáng là tấm gương sáng để mọi người noi theo.


Công Tường