12:09 29/12/2011

Vượt khó, tiếp tục tăng cường xuất khẩu sang EU

Năm 2011, xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam sang các thị trường trọng điểm, trong đó có thị trường Liên minh châu Âu (EU), vẫn đạt tốc độ tăng trưởng cao.

Năm 2011, xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam sang các thị trường trọng điểm, trong đó có thị trường Liên minh châu Âu (EU), vẫn đạt tốc độ tăng trưởng cao. Tuy nhiên, theo dự báo của các chuyên gia, xuất khẩu trong năm 2012 của Việt Nam sang khu vực thị trường châu Âu nói chung và EU nói riêng sẽ khó khăn. Để có thể duy trì hoạt động xuất khẩu, doanh nghiệp cần chú ý yếu tố nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đây sẽ vẫn có nhiều cơ hội cho hàng hóa Việt Nam.

May hàng xuất khẩu tại Công ty cổ phần SXKD và XNK Bình Thạnh (Gilimex) xuất khẩu sang thị trường truyền thống như: Mỹ, EU, Nhật Bản. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN


Trong năm 2011, kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng chủ lực của các doanh nghiệp Việt Nam sang châu Âu như điện thoại, dệt may, giày dép, cà phê, thủy sản, hạt tiêu, điều, đồ gỗ... tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao, khoảng hơn 25% so với năm 2010. Riêng đối với thị trường EU gồm 27 nước thành viên, chỉ tính hết 10 tháng năm 2011, xuất khẩu đạt 13,2 tỷ USD, tăng tới gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân chủ yếu tăng mạnh xuất khẩu sang EU năm 2011, ngoài sự cố gắng của các ngành các cấp, các doanh nghiệp thì có nguyên nhân giảm giá của đồng đô la Mỹ so với đồng euro, và do sự tăng giá mạnh trên thị trường thế giới của một số mặt hàng, đặc biệt là nông sản.

Bên cạnh đó, trong điều kiện khủng hoảng kinh tế tài chính, người tiêu dùng các nước có xu hướng quay lại dùng các sản phẩm hàng hóa có giá cả hợp lý, trong đó phải kể đến hàng hóa Việt Nam, bởi có giá cả phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng ở mức thu nhập trung bình khá trở lên, đồng thời chất lượng đã được nâng cao. Vì vậy, nếu tiếp tục duy trì lợi thế này, doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục có nhiều cơ hội xuất khẩu trong năm 2012.

Tuy nhiên, trên thực tế tình hình kinh tế tài chính của các nước châu Âu hiện còn ảm đạm, vì vậy theo dự báo, trong một thời gian dài nữa, trước mắt là trong năm 2012 nhiều nước khu vực châu Âu nói chung, EU nói riêng sẽ còn thắt chặt chi tiêu, đầu tư, đồng thời có những biện pháp bảo hộ thương mại nội khối.

Trước tình hình này, để giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thêm cơ hội xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu, tạo điều kiện cho hàng Việt khẳng định được vị thế trên thị trường EU bằng thương hiệu chất lượng sản phẩm, ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - Bộ Công Thương, cho biết: Vụ đang bàn biện pháp đưa trực tiếp hàng Việt vào các chuỗi siêu thị lớn ở châu Âu, bởi khi xuất khẩu trực tiếp tới các chuỗi siêu thị, hàng hóa của chúng ta có thể đưa sang các nước khác thuộc chuỗi siêu thị đó.

Đại diện cho ngành hàng xuất khẩu lớn vào EU nói riêng và nhiều thị trường khác, bà Nguyễn Thị Tòng, Hiệp hội Da giày Việt Nam, lưu ý: Mỗi doanh nghiệp cần dựa trên lợi thế của mình để hoạch định những bước đi cho phù hợp, đặc biệt là quan tâm đến chất lượng hàng hóa và phát triển, giữ quan hệ với đối tác, có như vậy doanh nghiệp mới phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán thương mại tại Pháp khuyến cáo, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU như giày dép, nông sản, thủy sản, cà phê, đồ gỗ được đánh giá là các mặt hàng có độ co giãn theo giá không lớn, nhờ vậy, trong thời gian tới hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn có cơ hội xuất khẩu sang thị trường này.

Hằng Trần