09:10 15/09/2011

Vương miện hoa hậu: Vàng thau lẫn lộn - Bài 1: Bùng phát các cuộc thi hoa hậu

Từ chỗ chỉ có duy nhất một danh hiệu Hoa hậu trong nước là "Hoa hậu Việt Nam" của báo Tiền Phong, và cũng từ chỗ vài năm mới có một gương mặt "đủ tầm" tham dự các cuộc thi Hoa hậu Quốc tế, giờ đây danh hiệu Hoa hậu trong nước đã có vẻ “lạm phát”...

Từ chỗ chỉ có duy nhất một danh hiệu Hoa hậu trong nước là "Hoa hậu Việt Nam" của báo Tiền Phong, và cũng từ chỗ  vài năm mới có một gương mặt "đủ tầm" tham dự các cuộc thi Hoa hậu Quốc tế, giờ đây danh hiệu Hoa hậu trong nước đã có vẻ “lạm phát”, và số lượng người đẹp lên đường mỗi năm, thậm chí mỗi tháng để dự các cuộc thi Hoa hậu thế giới cũng trở nên đông đảo. Nhưng đáng buồn, đây lại không phải là minh chứng cho việc Việt Nam đã trở thành một "vương quốc" mới của nhan sắc như kiểu Vênêxuêla, mà chỉ là vàng- thau đang lẫn lộn.

Cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt, một trong những cuộc thi có đẳng cấp và chuyên nghiệp.


Cùng với sự bùng nổ của truyền thông, sự "nhiễu" của khá nhiều thông tin mang tính chất PR, lăng xê phủ sóng trên khắp các trang internet, thì chiếc vương miện của các người đẹp dường như cũng đang dần bị mất giá. Thậm chí, thật đáng buồn khi những người đẹp càng có nhiều scandal lại càng được tung hô mạnh mẽ, người đăng quang trong cuộc thi nhan sắc với quy mô nhỏ cũng có chỗ đứng gần ngang hàng với những sắc đẹp có quy mô và có lịch sử lâu năm...

Không thể không thấy là công chúng Việt Nam đang quay cuồng, thậm chí "chóng mặt, ù tai" với thông tin về các cuộc thi Hoa hậu, người đẹp trong nước và quốc tế. Đã có quá nhiều cuộc thi sắc đẹp quốc tế với tên gọi na ná nhau. Thậm chí gần đây, nhiều cuộc thi sắc đẹp Việt Nam ở nước ngoài rầm rộ tổ chức, khiến cho số lượng người đẹp đăng quang quá nhiều...

Không thể phủ nhận, sắc đẹp luôn được công chúng ưu ái quan tâm trong số vô vàn các sự kiện giải trí khác. Cũng vì điều này mà nhiều cuộc thi nhan sắc tổ chức, không chỉ ở nước ngoài mà ngay cả những cuộc thi dành cho nhan sắc Việt cũng rầm rộ chẳng kém. Tuy nhiên, chất lượng và quy mô của những cuộc thi này dường như đang bị đánh đồng “cùng một giỏ”.

Trên thế giới, quy mô và xếp hạng của các cuộc thi nhan sắc cũng được phân rõ cấp bậc. Hiện nay, chỉ có 4 cuộc thi sắc đẹp thế giới được đánh giá có tầm cỡ, đó là: Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Trái đất, Hoa hậu Quốc tế. Đây là những cuộc thi sắc đẹp có lịch sử lâu đời và được tổ chức thường niên, có tiêu chí và mục đích rất rõ ràng, ngoài việc tìm kiếm một nhan sắc lộng lẫy còn mang hiều ý nghĩa cộng đồng. Còn rất nhiều cuộc thi khác được tổ chức nhưng mang tính thương mại rõ và chỉ được xếp ở “chiếu dưới” mà thôi.

Còn ở trong nước, những cuộc thi sắc đẹp lớn mang tầm quốc gia là Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam (tuy nhiên cuộc thi này mới chỉ được tổ chức 1 lần vào năm 2008 rồi thôi, người đăng quang là hoa hậu Thùy Lâm), Hoa hậu Dân tộc Việt Nam (chuẩn bị tổ chức lần 2), Hoa hậu Quý bà đẹp và thành đạt Việt Nam, Hoa hậu Du lịch Việt Nam.

Ngoài những cuộc thi sắc đẹp trong nước thì những cuộc thi của người Việt trên toàn thế giới cũng đang được tổ chức ngày một nhiều hơn. Tuy nhiên, cuộc thi có uy tín nhất vẫn là "Hoa hậu Thế giới người Việt". Sở dĩ gọi đây là cuộc thi uy tín không chỉ bởi nó được tổ chức có quy mô, tiêu chí nghiêm ngặt với những chuẩn mực đặt ra, có chuyên gia đo đạc hình thể, có nhiều họat động ngoại khóa, những cuộc thi phụ… mà vì người giành vương miện có thể đại diện cho phụ nữ Việt Nam tham gia mọi cuộc thi sắc đẹp trên thế giới.

Nhưng ngoài những cuộc thi nói trên, hiện nay, một số cuộc thi nhan sắc dành cho người Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức nhiều hơn, với nhiều tên gọi na ná nhau nhưng quy mô và tính chất lại nhỏ hơn nhiều như cuộc thi Hoa hậu người Việt hoàn cầu, Hoa hậu người Việt tại châu Âu, Hoa hậu người Việt khu vực SNG, Hoa hậu Việt Nam tại Mỹ… Gần đây lại xuất hiện thêm cuộc thi Hoa hậu Quốc tế Việt Nam. Nếu tìm hiểu kỹ sẽ biết, những cuộc thi như thế này phần lớn là do một cá nhân hoặc một tổ chức thương mại ở hải ngoại đứng ra tổ chức, nhưng lại không thể đảm bảo được tính thường niên và định kỳ. Có nhiều cuộc thi đột ngột xuất hiện, tổ chức được một, hai lần rồi “mất hút” mà không một lời cáo lỗi hay cho biết lý do như cuộc thi Hoa hậu Việt Nam toàn cầu bị phá sản và không được tổ chức lại nữa. Có thể thấy rõ, các cuộc thi hoa hậu dành cho người Việt ở nước ngoài mang tính thương mại rất lớn và thiên nhiều về tính giải trí, vui vẻ hơn là mang lợi ích cộng đồng (mục đích từ thiện hoặc kêu gọi những vấn đề về môi trường). Vì thế, các cuộc thi tổ chức cũng đậm tính “hội chợ”, tức là thấy lợi thì tổ chức, còn nếu không thì thôi, cũng chẳng cần phải thông báo lý do.

Huy Hoàng

Bài cuối: Đi tìm chân giá trị