04:10 15/04/2011

Vướng mắc triển khai đề án luân chuyển cán bộ y tế - Bài 2

Sau hơn 2 năm thực hiện, 3 mục tiêu của Đề án 1816 cơ bản đã đạt được. Đó là giảm được 30% số bệnh nhân phải chuyển tuyến, giảm tải cho tuyến trên, góp phần nâng cao trình độ cho cán bộ y tế tuyến dưới. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc nảy sinh…

Sau hơn 2 năm thực hiện, 3 mục tiêu của Đề án 1816 cơ bản đã đạt được. Đó là giảm được 30% số bệnh nhân phải chuyển tuyến, giảm tải cho tuyến trên, góp phần nâng cao trình độ cho cán bộ y tế tuyến dưới. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc nảy sinh…


Bài 2: Ngổn ngang trăm mối



“Kẻ ăn không hết, người lần không ra”


PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Phụ sản TƯ tâm sự: “Để Đề án 1816 đạt được hiệu quả bền vững, thì tuyến dưới cần đảm bảo về trang thiết bị, cơ sở vật chất và nhất là phải có đủ nhân lực. Song thực tế, nguồn nhân lực tuyến cơ sở đang thiếu trầm trọng, nhất là vùng sâu, vùng xa”.

“Trong quá trình thực hiện Đề án, thấy một cán bộ tuyến dưới có đủ khả năng tiếp nhận kỹ thuật mới, cán bộ BV tuyến trên đã đề nghị với đại diện BV tuyến dưới là cần bồi dưỡng cho người cán bộ này. Tuy nhiên, đại diện BV tuyến dưới trả lời là không được, “sợ sau khi đào tạo, khi chuyên môn vững rồi thì người cán bộ đó sẽ bỏ BV đi mất”, PGS.TS Lê Anh Tuấn dẫn chứng.

Bên cạnh đó, thực tế triển khai Đề án 1816 vẫn còn tình trạng “kẻ ăn không hết, người lần không ra”. Trong khi các BV tuyến trên thiếu hụt nhân lực vì lúc nào cũng ở trong tình trạng quá tải nhưng vẫn phải cử cán bộ đi theo chương trình đề án 1816 thì khi về tuyến dưới, một số cán bộ lại rất rảnh rỗi do có rất ít bệnh nhân. “Quả thực là có hiện tượng BS giỏi về nhưng ở tuyến dưới có rất ít bệnh nhân nên không tận dụng hết được năng suất làm việc của họ. Ví dụ, ở tuyến TƯ, BS đó có thể mổ 2- 3 ca/ngày nhưng về tuyến dưới họ chỉ có thể mổ 2-3 ca/tuần vì không có bệnh nhân”, PGS. TS Lê Anh Tuấn cho hay.

Cần linh hoạt thay đổi thời gian công tác

“Quy định thời gian đi công tác 3 tháng cần được cho phép thay đổi linh hoạt. Bởi lẽ, có những kỹ thuật không nhất thiết phải kéo dài đúng 3 tháng, nếu thời gian không hợp lý, không những không tận dụng được năng suất làm việc của BS tuyến trên mà còn có thể khiến họ rơi vào tình trạng trì trệ”, TS Đặng Tự, Trưởng phòng chỉ đạo tuyến, BV Nhi TƯ cho biết.

Thạc sỹ, bác sỹ Phạm Thu Minh - Bệnh viện Mắt Trung ương chuyển giao kỹ thuật khám, phát hiện, phẫu thuật mắt bằng phương pháp pha - cô cho các thầy thuốc của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Hữu Oai - TTXVN


Việc luân chuyển cán bộ trong thời gian 3 tháng đối với đơn vị phần đông cán bộ nữ như BV Nhi TƯ là khá khó khăn, bởi ngoài công việc, các cán bộ này còn phải có trách nhiệm với gia đình. Vậy nên, Ban giám đốc BV Nhi TƯ đã chủ động đề xuất với Bộ Y tế, thay vì cử 1 cán bộ đi 3 tháng, thì chúng tôi cử 3 BS, mỗi người đi 1 tháng, đảm nhận thực hiện Đề án 1816. “Chúng tôi thỏa thuận với BV tuyến dưới về thời gian, phương thức luân chuyển cán bộ, đảm bảo không ảnh hưởng đến hiệu quả hỗ trợ khám chữa bệnh hay chất lượng chuyển giao kỹ thuật…”, TS Đặng Tự chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Trần Quyết Tiến, Phó Giám đốc BV Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Cần linh hoạt thời gian cán bộ đi luân phiên. Như tại BV Chợ Rẫy, thời gian mỗi cán bộ đi luân phiên đủ 3 tháng nhưng được chia thành 3 đợt, 1 tháng/đợt”.

Tăng cường chế độ đãi ngộ

Ông Phạm Văn Thanh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An thẳng thắn nhìn nhận: “Khi đời sống của cán bộ y tế ổn định thì đội ngũ cán bộ ở các tuyến mới ổn định. Để có BS ở các tuyến lâu dài, điều đầu tiên là phải thay đổi chính sách đãi ngộ đối với cán bộ. Nếu chế độ lương, phụ cấp của cán bộ tuyến dưới, nhất là vùng khó khăn mà giống vùng đồng bằng như hiện nay thì rất khó thu hút nhân lực về tuyến dưới”.

Tình trạng “khát” BS đã tồn tại nhiều năm nay ở Nghệ An và ở rất nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước. Riêng Nghệ An, đang thiếu BS cả 3 tuyến, trong đó tuyến tỉnh thiếu 147 cán bộ, tuyến huyện thiếu 244 cán bộ và tuyến xã là 179 cán bộ. Dự kiến đến năm 2015, tỉnh còn thiếu 797 bác sỹ.

Để “đối phó” với tình trạng thiếu trầm trọng nguồn nhân lực tại tuyến huyện, và cũng nhằm thực hiện Đề án 1816 được hiệu quả hơn, ông Phạm Văn Thanh đã xin ý kiến Bộ Y tế và lãnh đạo tỉnh Nghệ an về việc “rút” toàn bộ BS ở trạm y tế xã về các BV huyện, thành thị và các trung tâm y tế.

“Nếu cứ để BS ở tuyến xã mãi thì họ sẽ dần “đi” hết, vì làm việc ở tuyến xã BS sẽ bị mai một về chuyên môn, thu nhập thấp, lại không có cơ hội đi đào tạo nâng cao trình độ…”, ông Thanh chia sẻ.

Vì vậy, ý tưởng mới được đưa ra là sẽ điều chuyển một số BS ở trạm y tế xã về công tác tại trung tâm y tế và bệnh viện đa khoa tuyến huyện. Những cán bộ nào tình nguyện ở lại tuyến xã thì giữ nguyên vị trí công tác, những cán bộ chuyển lên tuyến trên phải nghiêm túc thực hiện việc luân phiên tăng cường làm việc tại trạm y tế xã (luân phiên 2 buổi/tuần nếu trạm y tế xã cách trung tâm huyện dưới 10 km; luân phiên tăng cường 3 tháng/đợt nếu trạm y tế xã cách trung tâm huyện trên 10 km).

“Chúng tôi đã báo cáo vấn đề này với Bộ trưởng Bộ Y tế và lãnh đạo tỉnh Nghệ An. Hiện nay, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đồng tình, giao cho Nghệ An thí điểm mô hình rút bác sĩ từ tuyến xã về tuyến huyện. Và nếu được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, chúng tôi sẽ triển khai việc rút cán bộ xã về huyện”, ông Thanh hồ hởi.

Hiện nay, chưa thể khẳng định gì về hiệu quả thí điểm mô hình luân chuyển “rút” BS tuyến xã về huyện ở Nghệ An, nhưng dù sao điều này cũng thể hiện sự quyết tâm, quan tâm của cán bộ lãnh đạo đến đời sống của cán bộ y tế.

Thiết nghĩ, ngay chính ngành y tế cũng cần khẩn trương hơn trong việc đề xuất nhằm sớm có những thay đổi mạnh về chính sách đãi ngộ cho các cán bộ y tế công tác ở vùng sâu, vùng xa. Bởi lẽ, tuy đã đạt được những kết quả đáng khích lệ sau 2 năm triển khai nhưng thực ra Đề án 1816 cũng chỉ là biện pháp tình thế, “lấy ngắn nuôi dài”. Vấn đề cơ bản, lâu dài để ngành y thực hiện tốt nhiệm vụ khám chữa bệnh là phải tăng cường đào tạo và sớm có giải pháp để “giữ” thầy thuốc ở những vùng sâu, vùng xa.

Phương Liên

Bài 3: Tăng giám sát, giảm vướng mắc