05:09 22/05/2012

Vùng vải Lục Ngạn sẵn sàng cho mùa thu hoạch

Đến Lục Ngạn (Bắc Giang) những ngày tháng 5 này, bên những gốc vải thiều quả vẫn xanh là hình ảnh bà con nông dân vẫn chăm chút từng gốc vải, chuẩn bị cho một mùa thu hoạch mới.

Đến Lục Ngạn (Bắc Giang) những ngày tháng 5 này, bên những gốc vải thiều quả vẫn xanh là hình ảnh bà con nông dân vẫn chăm chút từng gốc vải, chuẩn bị cho một mùa thu hoạch mới.

 

Sản lượng giảm


Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn Nguyễn Văn Tuyến cho biết, năm nay vào đúng đầu mùa vải gặp phải thời tiết khắc nghiệt (nắng nóng kéo dài, rồi mưa đá làm ảnh hưởng 1.300 ha vải tại 3 xã Tân Lập, Nam Dương, Quý Sơn) nên sản lượng vải thiều Lục Ngạn dự kiến giảm còn 60 - 70% so với năm 2011, chỉ khoảng 70.000 - 80.000 tấn (năm 2011 là 120.000 tấn).


Nhằm phát huy thế mạnh sản phẩm vải thiều địa phương, từ đầu năm 2011 đến nay, Lục Ngạn đã thành lập và đưa vào hoạt động 2 Hợp tác xã (HTX) sản xuất và chế biến sản phẩm vải thiều sạch theo tiêu chuẩn VietGAP (sản xuất và chế biến sản phẩm vải thiều sạch theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm Việt Nam). Đó là HTX ở thôn Trại Mới (xã Giáp Sơn) và HTX ở thôn Kim Thạch (xã Thanh Hải). Mỗi HTX quy tụ được gần 50 thành viên là những người có nhu cầu, chung lợi ích, tự nguyện góp vốn. Các HTX đều được cấp giấy phép kinh doanh, có vốn điều lệ từ 19 - 20 tỷ đồng (tính tổng trị giá của các trang trại vải thiều) và vốn lưu động trên dưới 200 triệu đồng. Các HTX được thành lập nhằm mở rộng quy mô, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất vải thiều, khắc phục phương thức sản xuất lạc hậu và từng bước đưa sản phẩm vải thiều thâm nhập vào thị trường khó tính. Ngay khi bước vào hoạt động, các HTX đã được thụ hưởng Dự án thực hành sản xuất nông nghiệp tốt với sự hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc, chế biến vải thiều do Canađa tài trợ. "Nhờ áp dụng VietGAP, hy vọng vải thiều Lục Ngạn năm nay không bị rớt giá, còn xu hướng chung của huyện là dần dần sẽ giảm diện tích trồng vải ở những vùng trên cao, sản lượng đạt thấp và thay vào đó là trồng cây ăn quả như: Cam Canh, bưởi Diễn...", Chủ tịch Nguyễn Văn Tuyến chia sẻ.


 

Chị Nguyễn Thị Gái, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn, đang chăm sóc vườn vải thiều.

 

Chúng tôi đến xã Quý Sơn, một trong những xã đóng góp đến 1/10 sản lượng vải thiều của huyện Lục Ngạn (trong tổng số 30 xã) bị ảnh hưởng sản lượng vải do thời tiết thất thường. Ông Trần Văn Sáng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, cả xã có 1.700 ha cây ăn quả thì riêng trồng vải thiều đã chiếm 1.690 ha. Năm nay, hơn 4.000 hộ dân trong toàn xã đều triển khai áp dụng VietGAP. Tuy sản lượng vải thu hoạch năm nay dự kiến giảm khoảng 20% so với năm ngoái, nhưng nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên chi phí trồng vải ước giảm 50-60%. Các hộ dân sử dụng thuốc sinh học là nhiều chứ không dùng thuốc hóa học nên quả vải bảo đảm chất lượng, sạch, an toàn. Khách vào vườn vải mùa thu hoạch sẽ không có mùi thuốc trừ sâu, mùi phân tươi như trước đây.


Theo Phó Chủ tịch xã Trần Văn Sáng, vải thiều Lục Ngạn thường được bán dưới dạng sản phẩm tươi cho các vùng lân cận hoặc sản phẩm vải khô cho những nơi xa và xuất khẩu. Tuy nhiên, do tốc độ chín của quả vải nhanh, công tác sau bảo quản khó nên sản phẩm vải thiều Lục Ngạn gặp không ít khó khăn trong khâu tiêu thụ. Để khắc phục điều này, xã Quý Sơn chủ trương phấn đấu mỗi năm giảm 20% sản lượng vải ra hoa vào chính vụ, để số vải này ra quả sớm hơn. “Năm nay, vải sớm của xã có khoảng 100 ha. Vải ra sớm vừa dễ tiêu thụ, giá thành lại cao nhưng lại gặp khó khăn vì sâu bệnh nhiều hơn”, ông Sáng nói.

 

Hỗ trợ người dân trong khâu tiêu thụ


Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và các thành phần kinh tế, huyện Lục Ngạn đã xây dựng kế hoạch thực hiện các biện pháp hỗ trợ nhân dân trong việc thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều.


Lục Ngạn đã thành lập Ban chỉ đạo hỗ trợ nhân dân sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ vải thiều và phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng thành viên, đồng thời phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương Bắc Giang) tham mưu cho UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị Xúc tiến thương mại vải thiều (dự kiến tổ chức trung tuần tháng 6/2012). Huyện cũng phối hợp với Trung tâm xúc tiến thương mại tổ chức đoàn khảo sát, nghiên cứu thị trường tại một số tỉnh, thành phố và cửa khẩu quốc tế như: Hà Khẩu (Lào Cai), Tân Thanh, Đồng Đăng (Lạng Sơn), Móng Cái (Quảng Ninh), một số siêu thị tại Hà Nội... để đề nghị các cấp, ngành có thẩm quyền tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân đăng ký và làm thủ tục hành chính trong quá trình kinh doanh, tiêu thụ vải thiều.


Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu hình ảnh sản phẩm vải thiều Lục Ngạn được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời hướng dẫn nhân dân ứng dụng các tiến bộ khoa học, chuẩn bị nhân lực, vật tư, thiết bị cho vụ thu hoạch và chế biến vải thiều.


Huyện cũng chỉ đạo lực lượng chức năng đảm bảo tốt công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông; kiên quyết xử lý các trường hợp thu mua vải thiều, xếp hàng hóa, đỗ xe ngoài phạm vi cho phép nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông...


Với công tác chuẩn bị chu đáo, hy vọng năm nay Lục Ngạn sẽ có một mùa thu hoạch vải an toàn và hiệu quả cao.


Bài và ảnh: Xuân Tùng