02:06 18/02/2015

Vùng đất Chín rồng - một niềm tin sáng ngời năm mới

Những ngày cuối năm, người dân vùng đất “Chín rồng” càng tất tả, khẩn trương sản xuất hơn để có thể kết thúc sớm một năm thắng lợi, chuẩn bị đón Tết.

Những ngày cuối năm, người dân vùng đất “Chín rồng” càng tất tả, khẩn trương sản xuất hơn để có thể kết thúc sớm một năm thắng lợi, chuẩn bị đón Tết.

Thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn tại vùng ĐBSCL.


Ngày cuối năm ở xã vùng biên

Đứng trên chiếc ghế, ông Sáu Chiêu, một lão nông ở ấp Vĩnh Hiệp, xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) đang lau chùi từng chút một trên bàn thờ gia tiên - cũng là nơi mà tấm ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được trang trọng treo chính giữa, vào những ngày cuối năm Giáp Ngọ. Đôi bàn tay đen sạm, chai sần của người làm nông tỉ mẩn giăng sợi dây đèn màu chạy xung quanh bàn thờ để chuẩn bị đón Tết.

Rót cho chúng tôi ly trà nóng, giọng ông rôm rả: “Mấy chú thấy bà con tụi tui đón Tết có “xôm” hông? Mấy năm nay tụi tui có điện để giăng đèn màu, có tivi để xem đêm giao thừa đốt pháo bông trên thành phố, nghe lời chúc Tết của Chủ tịch nước... Năm nay có thêm đường sá ngon lành để diện “bộ cánh” thiệt đẹp đi chúc Tết bà con chòm xóm. Nói thiệt, nhờ sự chăm lo của Đảng, Nhà nước thực hiện chương trình nông thôn mới (NTM) nên đời sống bà con tụi tui ở đây ngày càng tốt hơn”.

Nói rồi, lão nông Sáu Chiêu bồi hồi nhớ lại những năm tháng trước đây khi ông là thanh niên ở độ tuổi đôi mươi, từng chứng kiến cuộc sống nhiều gian khổ của nhân dân ở vùng đất giáp biên giới Campuchia này. Rồi cũng nhờ sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước và đức tính cần cù, chịu khó của con người Nam Bộ mà vùng đất này được “ém phèn, trữ ngọt” mang đến cuộc sống ngày càng ấm no.

“Kể từ khi tỉnh An Giang được chọn là tỉnh điểm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, không chỉ có xã tui mà nhiều xã khác đã có sự thay đổi rõ nét về diện mạo nông thôn, nhất là giao thông nông thôn, giao thông liên ấp, các tuyến đường ra đồng cũng được đổ đá, bê tông. Tụi tui giờ có thể vận chuyển lúa, phân bón, máy gặt đập liên hợp… ra đến tận đồng ruộng của mình. Mấy ông thương lái bây giờ khỏi “ép” giá lúa tụi tui được nữa rồi”, ông Sáu Chiêu cười sảng khoái.

Con đường giao thông liên ấp của xã Vĩnh Gia được đổ đá, mở rộng, giúp người dân cải thiện đời sống của chương trình xây dựng NTM.


Dù đã có dịp đặt chân đến xã Vĩnh Gia đôi lần, nhưng mỗi chuyến đi chúng tôi đều cảm nhận những nét mới, sự đổi thay của một xã vùng sâu thuần nông. Còn nhớ vào năm 2013, chúng tôi chứng kiến niềm vui biết dường nào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Vĩnh Gia khi cây cầu sắt mang tên “Vĩnh Gia” được hình thành, thì đến tháng 7/2014, chúng tôi lại được anh Lộ Vinh Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Gia “khoe” con đường nông thôn vừa mới được mở rộng.

Cây cầu bê tông dù không “hoành tráng” hay con đường được cấp phối đá đổ bê tông không lớn nhưng nó đã góp phần cải thiện đời sống nhân dân, là những minh chứng cho sự đổi thay trên vùng đất biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

“Con đường này trước đây bề ngang chỉ hơn 1 m đường đất nên vào mùa mưa trơn trượt dữ lắm. Cũng từ nguồn ngân sách và sự đóng góp của nhân dân mà ngày hôm nay bộ mặt xã ngày càng khang trang hơn. Hệ thống chăm sóc sức khỏe

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, những năm qua, từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người của người dân ĐBSCL đã nâng từ khoảng 26 triệu đồng/người/năm lên gần 35 triệu đồng/người/năm; giảm 155.693 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 11,76% xuống hiện còn 7,24%; giảm tỷ lệ hộ cận nghèo từ 7,04 xuống còn 6,5%. Tỷ lệ hộ có điện sinh hoạt đạt 98%. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh tăng 14% so với năm 2011.

xã cũng đã được đầu tư đảm bảo, Trạm trưởng Trạm y tế là bác sỹ. Tình hình an ninh trật tự ổn định. Sắp tới các điểm trường của xã sẽ được nâng cấp để tiến tới đạt chuẩn quốc gia. Hiện nay xã đạt 10/19 tiêu chí nhưng tôi tin từ sự đồng thuận của chính quyền và nhân dân, xã biên giới Vĩnh Gia sẽ sớm trở thành một xã nông thôn mới trong thời gian tới”, anh Lộ Vinh Huy chia sẻ.

Chính sách đã đi vào cuộc sống


Có thể nói, sau gần 4 năm triển khai, không chỉ tỉnh An Giang mà nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã và đang nỗ lực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Chương trình đã giúp nhiều địa phương không chỉ có sự chuyển biến rõ nét về diện mạo nông thôn, mà còn thực sự thúc đẩy đời sống của người dân ngày càng phát triển.

Xã NTM Tân Thành (thị xã Ngã Bảy, Hậu Giang) là một minh chứng cho sự đổi thay của đời sống nhân dân. Ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch UBND xã cho biết, kể từ khi vận động người dân chuyển từ vườn tạp hoặc vườn cây có kinh tế thấp sang trồng cam sành. Qua một thời gian trồng, cây cam sành dần khẳng định được vị trí của mình và đang trở thành cây trồng chủ lực của bà con. Từ 30 hộ với 27 ha trồng thử nghiệm ban đầu, đến nay toàn xã có 922 ha đất canh tác chuyên canh cam sành, chiếm hơn 90% diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã.

Cây cam sành đã thật sự mang đến cho nông dân Tân Thành luồng gió mới, cơ hội cho hộ dân thoát nghèo, vươn lên khá giàu và câu chuyện về hộ trồng cam sành thu nhập tiền tỉ không còn xa lạ ở xã NTM này. Bởi với 1 ha cam sành, thu nhập bình quân đạt trên 500 triệu đồng/năm, cao gấp 7 - 10 lần so với trồng lúa. Hiện mức thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đã tăng từ 14 triệu đồng/người/năm vào năm 2011 lên gần 25,8 triệu đồng/người/năm hiện nay.

Cây cầu sắt Vĩnh Gia, xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang là một trong những công trình của chương trình xây dựng NTM.


Đầu tháng 1/2015, UBND tỉnh Tiền Giang đã trao quyết định công nhận xã Tam Bình (huyện Cai Lậy) đạt chuẩn NTM. Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, qua gần 4 năm triển khai thực hiện, công tác xây dựng NTM đạt được nhiều thành tựu rõ rệt bằng các chương trình giảm nghèo nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, hoàn thiện giao thông nông thôn, giải quyết ô nhiễm môi trường, phát triển kinh tế hộ gắn giảm nghèo nông thôn...

Nhờ đó, thu nhập bình quân tăng gấp 3 lần so với năm 2011, đạt 27,3 triệu đồng/người năm 2014; hộ nghèo giảm xuống còn 3,69% năm 2014. Có thể nói rằng đây là những minh chứng cho thấy hiệu quả tích cực từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM mang lại.

Kỳ vọng ở “con rồng” châu thổ trong năm 2015

Đảng, Nhà nước đã, đang và sẽ tiếp tục tập trung trí tuệ, mọi nguồn lực cho vùng châu thổ Cửu Long ngày càng phát triển. Bởi trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 2015, Chính phủ đã xác định những chỉ tiêu tăng trưởng cụ thể cho vùng ĐBSCL như: GDP tăng khoảng 9,46% so với năm 2014, trong đó vùng kinh tế trọng điểm tăng 9,49%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt trên 19,7 triệu USD; tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,39% và tạo việc làm cho 687.000 lao động...

Cán bộ xã, lực lượng bộ đội biên phòng giúp dân phòng chống bệnh sốt xuất huyết.


Để thực hiện được điều đó, các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW bằng những chính sách đầu tư đặc biệt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang tồn tại cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đồng thời từng bước thực hiện thành công quy chế liên kết vùng ĐBSCL mà Thủ tướng Chính phủ mới ban hành.

Bên cạnh đó, một giải pháp trọng tâm khác là tiếp tập trung nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi cho toàn vùng, trong đó triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng cho vùng kinh tế trọng điểm theo Quyết định số 245/QĐ-TTg ngày 2/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch kinh tế xã hội vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL.


Bài và ảnh: Anh Đức