06:23 21/06/2012

“Vua dầu lửa” Rockefeller-Kỳ 5: “Con cú già” lõi đời

Ngay từ khi bắt đầu kinh doanh, Rockefeller đã quyết tâm “ít phô trương nhất ở mức có thể”. Năm 1865, khi giành chiến thắng trong cuộc đấu giá tại Cleveland để giành quyền sở hữu công ty tiền thân của Standard Oil, Rockefeller đã tạo một ấn tượng mạnh mẽ.

Ngay từ khi bắt đầu kinh doanh, Rockefeller đã quyết tâm “ít phô trương nhất ở mức có thể”. Năm 1865, khi giành chiến thắng trong cuộc đấu giá tại Cleveland để giành quyền sở hữu công ty tiền thân của Standard Oil, Rockefeller đã tạo một ấn tượng mạnh mẽ. Vẻ lặng lẽ, đôi mắt xanh sắc lạnh trên khuôn mặt đầy góc cạnh với chiếc cằm nhọn của ông làm người khác có cảm giác Rockefeller là một người cô độc, lầm lì, lãnh đạm và khổ hạnh. Cái nhìn chằm chằm, lạnh lùng của Rockefeller khiến người đối diện tưởng như ông có thể nhìn xuyên thấu họ.


 

“Vua dầu lửa” luôn giữ phong cách giản dị, không khoa trương.

 

Có người từng làm việc cho Rockefeller đã gọi ông là “người vô cảm nhất mà tôi từng biết”. Về sau này, ông có đọc lại một bài thơ: “Con cú già khôn ngoan sống trong cây sồi già. Càng chứng kiến nhiều, nó càng nói ít. Càng nói ít, nó càng nghe nhiều. Tại sao chúng ta không giống như con cú già kia?”


Một lần, “Vua dầu lửa” gặp gỡ một nhóm các ông chủ công ty lọc dầu tại Pittsburgh. Sau cuộc gặp, một số nhân vật trong nhóm này cùng đi ăn tối. Câu chuyện của họ tập trung vào người đàn ông lầm lì, không thân thiện và khiến họ thấy e dè. Một người nói: “Tôi không biết ông ta bao nhiêu tuổi nữa”. Những người khác đưa ra dự đoán của họ. Cuối cùng một người nói: “Ông ta để cho mọi người nói trong khi bản thân ngồi yên. Nhưng dường như ông ta nhớ hết mọi thứ và khi thật sự bắt đầu, ông ta nói đâu vào đấy. Tôi đoán ông ta đã 140 tuổi rồi, vì khi mới ra đời, hẳn là ông ta đã 100 tuổi!”.


 

Biệt thự nhà Rockefeller ở Forest Hill, Cleveland, bang Ohio.

 

Standard Oil có một đội ngũ gián điệp riêng. Rockefeller thấy rằng, một chút hiểu biết cũng có thể là quyết định trong thế giới kinh doanh, vì vậy, ông đã kết hợp bộ phận gián điệp chuyên cung cấp thông tin về các đối thủ cạnh tranh này với một bức tường im lặng hoàn toàn mà ông phô bày với thế giới bên ngoài. “Miễn bình luận” là tất cả những gì mà cánh phóng viên có thể thu được từ các văn phòng của Standard Oil.


Kỹ thuật quản lý và tài dùng người của Rockefeller đã thu hút những bộ óc lớn cho Standard Oil. “Vua dầu lửa” đặc biệt đề cao người tài, những người có thể đề xuất và thực hiện những ý tưởng mới. Ông trả lương cao hơn để thu hút nhân viên giỏi và thưởng cổ phần trong công ty cho họ. Rockefeller cũng giành được sự kính trọng từ các nhân viên của mình. Có lần, một nhân viên kế toán mới chuyển đến căn phòng nơi Rockefeller để một chiếc máy tập thể dục. Không biết mặt mũi ông chủ ra sao, khi nhìn thấy Rockefeller, người kế toán yêu cầu ông chuyển chiếc máy. “Được thôi”, Rockefeller trả lời và bê chiếc máy đi với vẻ mặt thoải mái. Người kế toán sau khi biết mình đã sai cả ông chủ, chỉ còn chờ quyết định sa thải, nhưng Rockefeller không bao giờ nhắc đến chuyện đó nữa.


“Vua dầu lửa” đối đãi với các giám đốc của mình như những người anh hùng, ông động viên họ, cho họ được nghỉ ngơi và cảm thấy thoải mái. Ông luôn hiểu rằng những ý tưởng tốt gần như là vô giá và họ là nền tảng cho tương lai của Standard Oil.


Nguyên tắc tiết kiệm để làm giàu của Rockefeller thể hiện rất rõ trong việc kinh doanh của ông. “Vua dầu lửa” đã sáng tạo ra phương pháp kinh doanh “khép kín toàn bộ” bằng cách khống chế tất cả các công đoạn và các bộ phận có liên quan đến kinh doanh, tuyệt đối tự cung tự cấp nếu điều kiện cho phép, để giảm bớt chi phí cho công ty.


Đối với việc hạch toán sổ sách, Rockefeller rất nghiêm khắc, ông quy định giá cả phải tính tới 3 con số sau dấu phẩy. Ông yêu cầu mỗi buổi sáng khi đến văn phòng, thì trên mặt bàn của ông đã phải có một biểu đồ báo cáo về lãi ròng trong ngày hôm trước. Ông thường đến những đơn vị trong công ty và lẳng lặng quan sát. “Vua dầu lửa” cũng thường xuyên móc từ trong túi áo ra một quyển sổ và ghi chép nhanh một số chi tiết nào đó.


Dù thường bận rộn thâu đêm suốt sáng để lo đối phó với các thách thức trên thương trường khắc nghiệt, Rockefeller vẫn luôn dành thời gian ghi chép vào sổ ghi nhớ để thông báo cho những người quản lý biết cách bớt đi một số chi tiêu, cũng như những ý kiến phê bình của ông. Trong những quyển sổ như vậy có trang viết: “Trong hóa đơn thanh toán tháng 3 của anh còn lại 10.750 cái nút, trong báo cáo tháng 4 thì nhập vào 20.000 cái, sử dụng hết 24.000 cái và báo cáo là còn 6.000, vậy thì 750 cái kia đi đâu?”.


Có một lần Rockefeller đứng quan sát một người công nhân đóng thùng dầu hỏa tại công xưởng. Ông quan sát thật kỹ quá trình đóng thùng dầu loại 5 gallon. Khi thấy người công nhân cứ mỗi khi hàn nắp đậy thì dùng 40 giọt nguyên liệu hàn. Ông bèn yêu cầu anh ta: “Anh có bao giờ thử dùng 38 giọt không? Chắc là không chứ gì? Vậy bây giờ anh dùng 38 giọt để hàn cho tôi xem thử?”. Người công nhân làm đúng theo ý của Rockefeller, chỉ dùng 38 giọt nguyên liệu để hàn, kết quả là thùng bị rò rỉ. Sau đó, người công nhân thử dùng 39 giọt nguyên liệu để hàn, kết quả thùng dầu được hàn tốt, không bị rò rỉ. Kể từ đó, “39 giọt” trở thành mức quy định trong thao tác hàn nắp thùng của công ty.


Được ngưỡng mộ như một bậc kỳ tài về quản lý và tổ chức, nhưng Rockefeller đồng thời cũng là doanh nhân Mỹ bị căm ghét và nguyền rủa nhiều nhất, một phần do ông quá tàn nhẫn trong các cuộc chiếm lĩnh thị trường và một phần vì ông quá thành công.


Bạch Đàn

 

Kỳ cuối: Sống căn cơ, từ thiện hào phóng