03:10 15/03/2012

Vụ san lấp mộ ở Tứ Kỳ: Dân "tố" bị dọa bắn

Chỉ sau một đêm, hàng trăm ngôi mộ ở Tứ Kỳ, Hoàng Liệt, Hà Nội đã bị san bằng. Những người dân ở đây không dám vào khu công trường tìm mộ người thân vì sợ bị bắn.

Chỉ sau một đêm, hàng trăm ngôi mộ ở Tứ Kỳ, Hoàng Liệt, Hà Nội đã bị san bằng. Những người dân ở đây không dám vào khu công trường tìm mộ người thân vì sợ bị bắn.
 
Chiều 13/3, Phóng viên Tin tức đã có mặt tại hiện trường để tìm hiểu sự việc.

Lời kể của nhân chứng.

Theo lời kể của người dân làng Tứ Kỳ, trong đêm 11/3, làng có một đám cưới. Trong khi dân làng còn đang tập trung sự chú ý vào đám cưới thì phía chủ đầu tư,
Công ty cổ phần Quốc tế CT Việt Nam, đã lẳng lặng cho máy ủi san phẳng hàng trăm ngôi mộ chưa kịp di dời.

"Khoảng 4 giờ 30 phút chiều 12/3, khi đi ra ruộng rau muống, tôi mới phát hiện xe ủi đã san bằng khu mộ"- ông Nguyễn Văn Viễn, người dân đầu tiên phát hiện sự việc nói. "Khi đó chiếc xe ủi đang được anh Phương (một người dân trong làng - PV) ra dấu cho tiến vào bãi mộ. Tôi bảo là các anh không được làm thế. Không có dự án nào được làm thế. Họ mới dừng lại".

Theo những người dân làng Tứ Kỳ, đây là khu mộ cũ của làng. Những bậc tổ tiên của người dân trong làng đều được chôn cất ở đây.

Những ngôi mộ may mắn chưa bị san lấp.


Chúng tôi không biết con số chính xác nhưng nguyên đám ruộng kia đã có mười mấy ngôi mộ rồi” - ông Nguyễn Văn Rùa, ủy viên Ban chấp hành Hội Nông dân phường Hoàng Liệt chỉ tay vào giữa khu san lấp nói.

Dân làng cho rằng, họ đã bị lừa. Trước chủ đầu tư đã hứa chỉ tiến hành san lấp sau khi đã bố trí khu nghĩa trang mới và di dời xong khu mộ cũ.

"Họ không nói một câu nào. Họ lừa lúc chúng tôi đang ăn cưới mà san ủi hết mồ mả của tổ tiên chúng tôi”. Ông Bùi Văn Tuất, một người dân trong làng nói.

Dân làng bị dọa... bắn

Theo những người dân có phần mộ bị lấp, họ đã tràn vào công trường sau khi vụ việc vỡ lở. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã đuổi mọi người ra. Đường vào khu mộ đã san lấp bị rào kín, kể cả phóng viên cũng phải đứng ngoài.

Nhiều người dân cho biết, một người tên Cường thuộc bên chủ đầu tư đã dọa nổ súng nếu dân cố tình tiến vào.

“Anh Cường dọa ai vào sẽ bị bắn nên chúng tôi không dám vào”- ông Vũ Hồng Mạnh, dân phòng tổ 14 nói.

Cũng theo lời ông Viễn, nhân chứng đầu tiên, sau khi phát hiện sự việc, ông đã vào bên trong khu vực san lấp và phát hiện 4 chiếc tiểu để ở khu nhà ban quản lý.

Người ở đấy nói là xương đã chở lên Bất Bạt mai táng rồi”- ông Viễn nói.

Chủ tịch phường nói khác

Chiều 14/3, trả lời báo giới, ông Phùng Trung Hải, Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, chỉ có duy nhất một ngôi mộ của dòng họ Phùng bị san lấp.

Ông Phùng Trung Hải – Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội).


Ngày 14/3, đại diện quận Hoàng Mai, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư dự án, công an khu vực và đại diện các hộ dân có phần mộ nằm trong khu vực quy hoạch đã có cuộc họp bàn về vấn đề này.

Biên bản cuộc họp lại cho thấy, có ít nhất bốn ngôi mộ của người dân đang bị thất lạc.

Cuộc họp không có sự tham gia của nhiều người dân có phần mộ bị san lấp.

Trước đó, chủ đầu tư dự án đã ba lần bị lập biên bản do không thực hiện đúng quy trình chỉ đạo của UBND TP Hà Nội.

Cũng theo ông Hải, Tổ công tác của phường đã từng một lần đề nghị phía đơn vị thực hiện dự án, Công ty cổ phần Quốc tế CT Việt Nam dừng ngay việc san ủi để tránh trường hợp làm mất phần mộ của những người dân trong làng.

Tổ công tác cũng yêu cầu công ty và các hộ dân họp để thống nhất phương án di chuyển khu mộ này một cách hợp lý, đúng quy định.

Tuy nhiên, đến ngày 12/3, đơn vị thi công vẫn thực hiện việc san lấp khu mộ của người dân trong làng.


Khu vực bị san lấp thuộc dự án xây dựng Khu nhà ở cán bộ chiến sỹ Vụ tổ chức cán bộ - Tổng cục III – Bộ Công an.

Ngày 2/2/2010, UBND TP Hà Nội ra quyết định thu hồi 28.841m2 đất tại khu Tứ Kỳ, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, giao cho Công ty cổ phần Quốc tế CT Việt Nam thực hiện dự án.

Đây là diện tích đất nông nghiệp của các hộ gia đình được giao theo Nghị định 64/CP của Chính phủ, hiện trạng là mặt nước nuôi trồng thủy sản, ruộng rau muống, một phần là mương nội đồng, trên khu đất có nhiều mộ.

Việc đền bù giải tỏa mặt bằng đã xong phần lớn, nhưng các bên chưa thống nhất được việc di dời mồ mả.



Bài, ảnh: Phong Anh