11:23 14/11/2012

Vụ không kích cơ sở hạt nhân Osirak - Kỳ 2: Nhăm nhe “miếng mồi” Osirak

Thủ tướng theo đường lối cứng rắn của Ixraen, Menachem Begin cho rằng lò phản ứng hạt nhân Osirak phải bị phá hủy, nhưng lại không tìm được sự đồng thuận trong chính nội các của mình.

Thủ tướng theo đường lối cứng rắn của Ixraen, Menachem Begin cho rằng lò phản ứng hạt nhân Osirak phải bị phá hủy, nhưng lại không tìm được sự đồng thuận trong chính nội các của mình.

 

Bom Mk 84 trang bị cho máy bay F-16 trong trận không kích Osirak.

 

Trong số những người phản đối biện pháp tấn công quân sự có Bộ trưởng Quốc phòng Ezer Weizman và lãnh tụ Công Đảng Shimon Peres - nguyên Bộ trưởng Quốc phòng và đồng thời là đối thủ của Begin trong cuộc bầu cử sau đó (diễn ra tháng 6/1981). Những người phản đối lo sợ rằng kể cả khi trận không kích thành công cũng chỉ làm trì hoãn vấn đề và Ixraen sẽ bị cộng đồng quốc tế kịch liệt phản đối.


Những người ủng hộ chính của Begin là Ariel Sharon, một tướng lĩnh đã nghỉ hưu và là anh hùng quân đội, Bộ trưởng Nông nghiệp thuộc nội các của Begin, Bộ trưởng Ngoại giaoYitzhak Shamir, Trung tướng Rafael Eitan, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Ixraen, và Thiếu tướng David Ivry, Tư lệnh Không quân Ixraen.


Khi Weizman từ chức, Begin nắm luôn chiếc ghế Bộ trưởng Quốc phòng.


Tháng 7/1980, Ixraen đưa vấn đề lò phản ứng hạt nhân của Irắc ra công luận và cảnh báo rằng nước này sẽ hành động để đối phó với mối đe dọa này. Quyết định tấn công được Begin và nội các bí mật thông qua vào tháng 10/1980.


 

Căn cứ không quân Hill, bang Utah - nơi phi công Ixraen được huấn luyện lái máy bay F-16 không kích Osirak.

Kế hoạch phá hủy lò phản ứng hạt nhân đã được hoạch định trước đó từ năm 1978. Có ý kiến trong chính phủ Ixraen cho rằng, nước này nên áp dụng chiến dịch oanh kích tầm xa Entebbe (Ixraen đã từng thực hiện để giải cứu những người bị giam giữ ở Uganda năm 1976) trong vụ không kích Osirak. Nhưng phương án này đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa lực lượng trên mặt đất với số lượng lớn binh sĩ và những máy bay vận tải hạng nặng. Bởi vậy, nếu áp dụng lối đánh phức tạp này đối với Osirak thì xem chừng Ixraen quá mạo hiểm. Thảm họa của Mỹ, chiến dịch Sa mạc 1 diễn ra vào tháng 4/1980 nhằm giải cứu con tin ở Têhêran, cũng được Ixraen đem ra cân nhắc khi xác định Osirak là mục tiêu cần tiêu diệt.


Chính quyền Ixraen khẳng định, trận đánh vào Osirak nhất định phải là chiến dịch đường không. Cơ sở hạt nhân ở al Tawaitha cách Ixraen khoảng 1.080 km, lại phải bay qua Arập Xêút và Gioócđani. Không quân Ixraen chưa từng thực hiện một sứ mệnh nào ở khoảng cách xa đến như thế. Hầu hết các loại máy bay của nước này không đủ khả năng bay một quãng đường xa như thế mà không tiếp nhiên liệu. Việc tiếp nhiên liệu sẽ làm gia tăng nguy cơ bị phát hiện hay bị chặn đánh.


Để phục vụ cho chiến dịch này, Ixraen phải chuẩn bị loại máy bay phù hợp. Nước này đã đặt mua máy bay F-16 của Mỹ và thời hạn chuyển giao là năm 1982. Tuy nhiên, họ có cơ hội nhận máy bay F-16 sớm hơn dự kiến do một thương vụ bán máy bay cho Iran bị hoãn lại sau khi quốc vương nước này bị lật đổ. Những chiếc máy bay đầu tiên về đến Ixraen vào tháng 7/1980 và nước này sở hữu tổng cộng 53 chiếc loại này tại thời điểm tiến hành chiến dịch Osirak.


Tốc độ và kích thước nhỏ giúp máy bay F-16 giảm thiểu nguy cơ bị tiêu diệt bởi hỏa lực của đối phương. Với thùng nhiên liệu chính cộng với các thùng nhiên liệu ở cánh và khoang giữa máy bay, F-16 có thể bay được một quãng đường dài mà không cần tiếp nhiên liệu.


Ixraen có các loại đạn chính xác có điều khiển nhưng các vũ khí “thông minh” cũng rất dễ bị ảnh hưởng bởi những yếu tố như điều kiện thời tiết và đòi hỏi máy bay phải bay theo một kiểu ổn định. Các nhà hoạch định quyết định tiến hành chiến dịch theo cách đơn giản. Họ tính toán rằng, 8 quả bom ném trực tiếp xuống mục tiêu sẽ đủ khả năng phá hủy lò phản ứng, và 16 quả bom trọng trường được ném ở tầm thấp sẽ có cơ hội thành công lên đến 99%.


Hệ thống kính ngắm dùng khi ném bom được điều khiển bằng máy tính của máy bay F-16 giúp hiện thực hóa quyết định tấn công bằng bom trọng trường thông thường. Lực lượng tiến hành chiến dịch sẽ gồm 8 máy bay F-16, mỗi chiếc mang theo hai quả bom Mk 84 nặng 908 kg, dưới sự yểm trợ của các máy bay F-15.
Lò phản ứng hạt nhân Osirak được bao phủ bởi một mái vòm bê tông có độ dày gần 10 cm. Theo như tính toán, một quả bom nặng 908 kg có thể dễ dàng xuyên thủng mái vòm đó.


Các chiến đấu cơ F-16 được biên chế thành một phi đội mới đóng ở căn cứ không quân Ramat David, phía bắc Tel Aviv trong thung lũng Jezreel. Chỉ huy phi đội kiêm chỉ huy trưởng căn cứ là Đại tá Iftach Spector, một người nổi tiếng trong không lực Ixraen vì đã từng bắn rơi 15 máy bay MiG trong cuộc chiến tranh Yom Kippur diễn ra năm 1973. (Trong mắt của mọi người, Spector không phải là anh hùng. Năm 1967, do nhầm lẫn, ông chỉ huy một phi đội oanh kích tàu USS Liberty trong vùng biển quốc tế, giết chết 34 lính Mỹ trong cuộc Chiến tranh sáu ngày).


Mười hai phi công người Ixraen được huấn luyện lái máy bay F-16 ở căn cứ không quân Hill, bang Utah, trước thời hạn chuyển giao chiếc máy bay đầu tiên. Trở về nước, họ luyện tập bay những quãng đường xa ở tầm thấp. Họ không được thông báo về trận đánh sắp tới nhưng ai cũng dễ dàng đoán được mục đích của việc luyện tập này là gì.


Đình Vũ (tổng hợp)

 

Đón đọc kỳ 3: Phi đội đặc biệt