Trung Quốc trang bị tên lửa siêu thanh hiện đại cho máy bay ném bom H-6K

Trung Quốc là một trong số ít quốc gia sở hữu chương trình vũ khí siêu thanh có thiết kế "bịt mắt radar" và đánh trúng mục tiêu với tốc độ nhanh gấp nhiều lần tên lửa đạn đạo thông thường.

Chú thích ảnh
Máy bay ném bom hạng nặng Xian H-6K. Ảnh: National Interest

Theo Thời báo Hoàn cầu (Global Times), máy bay ném bom hạng nặng Xian H-6K của Trung Quốc – một phiên bản được hiện đại hóa từ mẫu Tupolev Tu-16 thời Xô viết – dự kiến được trang bị vũ khí siêu thanh do nước này sản xuất.

Báo trên cho hay mẫu máy bay ném bom mới, đã được tích hợp năng lực tấn công hạt nhân cũng như mang theo tên lửa đối hạm, tên lửa hành trình tấn công mặt đất, rất có khả năng sở hữu thêm tên lửa siêu thanh.

Tên lửa siêu thanh Trung Quốc có khả năng tiêu diệt cơ sở hạ tầng của kẻ địch ở khoảng cách lên tới 3.000 km chỉ trong vài phút. Điều này xét về mặt lý thuyết có nghĩa là máy bay ném bom H-6K đang bay tại Biển Hoa Đông có thể dễ dàng tấn công đảo Guam của Mỹ.

Video Trung Quốc phóng thử tên lửa siêu thanh XingKong-2 (nguồn: Sputnik):

Wang Ya’nan – Tổng biên tập tạp chí hàng không Aerospace Knowledge của Trung Quốc – giải thích: “H-6K vẫn bay trong vùng an toàn và phóng tên lửa trúng mục tiêu ở khoảng cách 2.000 km. Với sự phát triển vũ khí siêu thanh của Trung Quốc trong những năm gần đây, tầm bắn và tốc độ tấn công sẽ lớn hơn tên lửa hành trình thông thường, tên lửa siêu thanh có khả năng hạ gục các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ đối phương cách đó 3.000 km chỉ trong vài phút”.

Chuyên gia hàng không này tính toán mỗi máy bay ném bom H-6K có khả năng mang theo 6 tên lửa siêu thanh. Như vậy, một phi đội gồm 10 máy bay ném bom có thể tấn công tới 60 mục tiêu chiến lược của đối phương. H-6K có tầm bay khoảng 6.000 km và khả năng tiếp nhiên liệu trên không. Hiện Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc và Không quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc được cho là sở hữu ít nhất 180 phiên bản máy bay ném bom H-6 các loại.

Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết sau khi Washington chính thức rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký kết với Nga, Mỹ muốn triển khai tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất tại Ấn Độ-Thái Bình Dương. Tuần này, Australia và Philippines lên tiếng loại trừ khả năng cho Mỹ triển khai vũ khí như vậy tại hai quốc gia này. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cam kết sẽ “không bao giờ” cho Mỹ triển khai tên lửa vì động thái này dễ làm gia tăng nguy cơ bùng phát chiến tranh thế giới thứ III.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Mỹ tính xây cơ sở quân sự gần 1 cảng của Trung Quốc ở Australia
Mỹ tính xây cơ sở quân sự gần 1 cảng của Trung Quốc ở Australia

Mỹ đang lên kế hoạch xây dựng thêm cơ sở hạ tầng quân sự tại Australia, ngay khi Quốc hội chấp thuận một khoản dự toán ngân sách 211,5 triệu USD cho Hải quân Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN