Sức mạnh của tên lửa siêu thanh gần như không thể bắn hạ mà Triều Tiên vừa thử

Các chuyên gia cho rằng tên lửa siêu thanh mà Triều Tiên vừa thử ngày 28/9 có khả năng là một trong những vũ khí chính xác và nhanh nhất thế giới, có thể mang đầu đạn hạt nhân.

Chú thích ảnh
Vụ phóng thử tên lửa siêu thanh mới Hwasong-8 tại Toyang-ri, thuộc huyện Ryongrim, tỉnh Jagang, Triều Tiên, ngày 28/9/2021. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 29/9 xác nhận Triều Tiên đã thử nghiệm thành công một tên lửa siêu thanh mới phát triển và có "ý nghĩa chiến lược" trong thúc đẩy năng lực phòng thủ của nước này.

Triều Tiên cho biết vụ thử nghiệm đã xác nhận "tính ổn định của động cơ cũng như ống tên lửa trong lần đầu tiên được sử dụng", cho thấy tất cả thông số kĩ thuật đều đáp ứng yêu cầu thiết kế.

KCNA cho biết phát triển vũ khí chiến lược là một trong 5 nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch quốc phòng 5 năm. Các chuyên gia cho rằng từ “chiến lược” mà Triều Tiên sử dụng chính là từ để mô tả vũ khí có thể mang đầu đạn hạt nhân.

Theo kênh CNN, mặc dù chưa rõ các thông số kỹ thuật của tên lửa siêu thanh Hwasong-8, nhưng về mặt lý thuyết, các tên lửa lượn siêu thanh có thể bay nhanh gấp 20 lần tốc độ âm thanh và có thể rất linh hoạt trong khi bay, khiến gần như không thể bắn hạ.

Chú thích ảnh
Người dân theo dõi qua truyền hình vụ phóng thử tên lửa siêu thanh mới Hwasong-8 của Triều Tiên, tại nhà ga ở Seoul (Hàn Quốc), ngày 28/9/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Nếu Triều Tiên có thể sản xuất và triển khai thành công vũ khí siêu thanh, các nhà phân tích cho rằng nước này thậm chí có thể thay đổi cân bằng quân sự trong khu vực. Ông Lionel Fatton tại Đại học Webster ở Thụy Sĩ nhận định: “Nếu đúng vậy, có nghĩa là các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại của Hàn Quốc và Nhật Bản gần như bất lực”.

Các hệ thống này có thiết kế để phòng thủ tên lửa đạn đạo – loại tên lửa bay tới mục tiêu ở độ cao lớn hơn nhiều so với tên lửa siêu thanh. Ông Drew Thompson, cựu quan chức quốc phòng Mỹ, nhận định: “Tên lửa siêu thanh có thể đánh bại các hệ thống phòng thủ tên lửa tân tiến là một nhân tố thay đổi cuộc chơi nếu gắn thêm đầu đạn hạt nhân”.

Triều Tiên đã phóng 6 thiết bị hạt nhân và còn sở hữu nhiều đầu đạn hạt nhân nữa. Tuy nhiên, khả năng Triều Tiên gắn thành công đầu đạn hạt nhân lên tên lửa và đánh trúng mục tiêu còn chưa chắc chắn.

Ông Thompson nói: “Nếu họ có thể phát triển đầu đạn hạt nhân đáng tin cậy, đủ nhỏ để tên lửa phóng được, thì họ có thể thử các tên lửa và đầu đạn, họ có thể chứng minh năng lực đáng tin cậy”. Tuy nhiên, hiện giờ ông Thompson hoài nghi về khả năng này của Triều Tiên.

Còn ông Leif-Eric Easley, Giáo sư tại Đại học Ewha ở Seoul, cho rằng tên lửa siêu thanh của Triều Tiên có thể không cần phải chính xác như các tên lửa mà các nước khác đã triển khai. Ông nói: “Nếu Triều Tiên có thể gắn đầu đạn hạt nhân lên một tên lửa siêu thanh thô sơ thì đó sẽ là một vũ khí nguy hiểm vì không cần phải cực kỳ chính xác mới có thể đe dọa khu vực đô thị Seoul ngay gần đó”.

Vũ khí lượn siêu thanh hoạt động thế nào

Các nhà phân tích đã xem bức ảnh Triều Tiên công bố về vụ thử tên lửa siêu thanh và cho rằng vũ khí này có đặc điểm của vũ khí có quỹ đạo dạng lượn siêu thanh. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân (JCS) Hàn Quốc nhận định tên lửa siêu thanh của Triều Tiên dường như đang ở giai đoạn đầu phát triển và sẽ mất một thời gian mới có thể triển khai loại tên lửa này.

Giống tên lửa đạn đạo, vũ khí lượn siêu thanh được rocket phóng lên cao. Trong khi đầu đạn tên lửa đạn đạo phần lớn hướng xuống mục tiêu từ độ cao 1.000km nhờ trọng lực, thì tên lửa siêu thanh hướng xuống nhanh hơn rồi thiết lập đường bay ngang ổn định, bay cách mặt đất chỉ 10km.

Sau đó, vũ khí này sử dụng thiết bị định hướng để điều chỉnh hướng bay và nhắm tới mục tiêu khi di chuyển nhanh gấp 12 lần vận tốc âm thanh. Tầm bay thấp khiến tên lửa siêu thanh khó bị radar phát hiện trong một thời gian dài, khiến hệ thống phòng thủ của đối phương gặp khó khăn. Mới có Trung Quốc và Nga sở hữu tên lửa siêu thanh công nghệ này để triển khai.

Quan chức quân đội Mỹ cho rằng vụ phóng tên lửa của Triều Tiên ngày 28/9 không phải là mối đe dọa tức thì với lãnh thổ Mỹ, người Mỹ, đồng minh của Mỹ, nhưng cũng nhấn mạnh rằng chương trình vũ khí của Triều Tiên có thể gây bất ổn. Triều Tiên bị cấm thử tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân. Các vụ phóng trước đó đã bị quốc tế phản đối và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trừng phạt.

Triều Tiên tăng cường thử vũ khí

Chú thích ảnh
Triều Tiên phóng tên lửa từ tàu hỏa. Ảnh: Getty Images

Vụ thử tên lửa siêu thanh là vụ thử thứ ba của Triều Tiên trong tháng này.

Trong vụ thử đầu tiên, Triều Tiên đã phóng tên lửa hành trình tầm xa trong hai ngày 11 và 12/9. Sau đó, ngày 16/9, cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều thử tên lửa đạn đạo, gây căng thẳng cho khu vực.

Ngày 28/9, vụ thử tên lửa siêu thanh diễn ra ngay trước khi đại diện của Triều Tiên tại Liên hợp quốc Kim Song phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhóm họp về tình hình Triều Tiên
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhóm họp về tình hình Triều Tiên

Trong ngày 30/9, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) tiến hành phiên họp thảo luận tình hình trên Bán đảo Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng thông báo thử nghiệm một loại tên lửa siêu thanh mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN