Nga tăng mạnh sản xuất vũ khí bất chấp trừng phạt

Dù đối mặt với hàng loạt lệnh trừng phạt quốc tế, Nga vẫn có thể tăng cường đáng kể hoạt động sản xuất quân sự vào năm 2023, cung cấp hơn 1.500 xe tăng và 22.000 máy bay không người lái cho lực lượng vũ trang.

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Vladimir Putin thử ngắm bắn qua súng trường Chukavin. Ảnh: Sputnik

Bản báo cáo cuối năm của Bộ Quốc phòng Nga mà hãng thông tấn TASS nắm được đã cho thấy sức gia tăng đáng kể về thiết bị quân sự, bao gồm hơn 2.200 xe bọc thép chiến đấu, 1.400 xe tên lửa và pháo binh cùng hơn 12.000 phương tiện quân sự, trong đó có 1.400 xe bọc thép. Theo báo cáo, quân đội Nga hiện đạt khả năng tự chủ hơn 84%. 

Trong khi đó, theo hãng tin Reuters, việc tăng cường sản xuất quân sự của Nga là một phần trong mục tiêu rộng lớn hơn nhằm cung cấp vũ khí cho quân đội Nga, đặc biệt là cho các chiến dịch quân sự của nước này ở Ukraine.

Ông Bekhan Ozdoev, giám đốc tại Rostec, tập đoàn nhà nước hàng đầu của Nga về sản xuất vũ khí, cho biết khối lượng sản xuất các loại vũ khí đã tăng từ 2 – 10 lần. 

Nỗ lực này được thực hiện theo chỉ thị của Tổng thống Vladimir Putin nhằm chống lại làn sóng vũ khí mà phương Tây cấp cho Ukraine,  cũng như để giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt kinh tế sâu rộng đối với Nga. Mặc dù khối lượng sản xuất cụ thể không được tiết lộ, nhưng mức tăng trưởng được ông Ozdoev hé lộ cùng với các tài liệu mà TAS có được đã thể hiện quyết tâm của Nga trong việc tăng cường năng lực quân sự trong bối cảnh xung đột đang diễn ra.

Các lệnh trừng phạt của các quốc gia phương Tây áp đặt, do Mỹ và các đồng minh dẫn đầu, nhắm vào nhiều lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Nga, trong đó có cả tổ hợp công nghiệp - quân sự của nước này. Mỹ cùng với 37 quốc gia khác đã ban hành các biện pháp kiểm soát xuất khẩu toàn diện đối với Nga từ tháng 2/2022.

Các biện pháp trừng phạt trên nhằm mục đích làm tê liệt khả năng mua sắm công nghệ quân sự của Moskva, cũng như gây ra tổn thất đáng kể cho ngành công nghiệp - quân sự của nước này. Tuy nhiên, Nga đã phá vỡ hiệu quả nhiều lệnh cấm.  

Theo tạp chí Foreign Policy, khả năng phục hồi hoạt động sản xuất quân sự của Nga một phần là nhờ nguồn linh kiện nước ngoài, đặc biệt là từ các quốc gia không tham gia lệnh trừng phạt, bao gồm Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Nhiều nhà quan sát cho rằng Nga cũng đã tìm đến các quốc gia như Iran và Triều Tiên để cung cấp vật tư.

Báo cáo của Foreign Policy cho biết, khi cuộc chiến ở Ukraine sắp bước sang mốc năm thứ hai, liên minh quốc tế đang tìm kiếm các chiến lược hiệu quả hơn nhằm ngăn chặn Nga sản xuất thêm đạn dược.

Năm 2023 cũng đánh dấu là năm mà nhiều loại vũ khí của Nga đã được triển khai trong cuộc đối đầu với vũ khí của phương Tây tại Ukraine.

Theo Đài Sputnik, các hệ thống vũ khí của phương Tây đã đối mặt với những đối thủ ngang hàng thực sự ở Ukraine. Các loại xe tăng Leopard, Challenger, xe chiến đấu bộ binh Bradley và các thiết bị bọc thép khác của phương Tây đều dễ dàng hứng chịu tổn thất.

Khả năng triển khai nhanh chóng máy bay không người lái (drone) tiên tiến – như Hortensia, Upir và Boomerang trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine – cũng góp phần làm thay đổi chiến lược tác chiến hiện đại của quân đội Nga.

Trong đó, nhân tố mới là drone góc nhìn thứ nhất (FPV) đã trở thành công cụ đáng gờm trong các hoạt động chiến đấu trên không, nghiên cứu, chụp ảnh, quay phim, lập bản đồ tác chiến.

Đức Trí/Báo Tin tức (Theo Newsweek, Sputnik)
Drone FPV của Nga đã giúp thay đổi cục diện chiến trường như thế nào?
Drone FPV của Nga đã giúp thay đổi cục diện chiến trường như thế nào?

Việc triển khai nhanh chóng máy bay không người lái (drone) tự sát tiên tiến – như Hortensia, Upir và Boomerang trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine – đã báo trước sự thay đổi chiến lược tác chiến hiện đại của quân đội Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN