5 hệ thống pháo binh uy lực nhất của Nga

Các chuyên gia quân sự đã xác định những hệ thống pháo binh uy lực nhất trong biên chế quân đội Nga, có thể làm bất cứ kẻ thù nào cũng phải khiếp sợ.

Bộ Quốc phòng Nga vừa đặt hàng lô súng tự hành Koalitsiya đầu tiên. Nhà quan sát quân sự Andrei Kotz cho rằng đây là một cơ hội hoàn hảo để đánh giá một số trong những hệ thống pháo binh mạnh nhất của các lực lượng vũ trang Nga.

Pháo tự hành Pion và Malka

Pháo tự hành 2S7 Pion.

Hệ thống pháo binh đầu tiên trong danh sách của chuyên gia quân sự Kotz là Pion (hoa mẫu đơn), tên định danh NATO là M-1975, pháo binh cỡ lớn được phát triển trong thời Chiến tranh Lạnh. Trong những năm 70 và 80 của thế kỷ 20, cả Liên Xô và Mỹ đều tìm cách hiệu quả để tấn công các lực lượng quân đội đối phương ở khoảng cách ngắn bằng cách sử dụng các vũ khí hạt nhân chiến thuật.

“Ở Nga, vũ khí có thể đạt yêu cầu này là pháo tự hành 2S7 Pion cỡ 203mm, và phiên bản cải tiến là Malka 2S7M”, ông Kotz cho biết. 2S7 Pion có khả năng bắn đạn hạt nhân cũng như sử dụng vũ khí phi hạt nhân. “Ví dụ, 2S7 Pion có thể bắn những viên đạn nổ mảnh nặng đến 110kg, trúng mục tiêu địch ở khoảng cách lên tới 50km. Nói cách khác, về khả năng chiến đấu, pháo binh tự hành này rất tương đồng với những khẩu pháo chủ lực của tàu chiến thời Thế chiến II”.

Với nòng pháo 203mm và hệ thống hỗ trợ nạp đạn, 2S7 Pion có thể bắn những viên đạn nổ mảnh chứa 17,8kg thuốc nổ đi xa đến 37,5km. Ước tính, cứ hai phút, 2S7 Pion có thể bắn được 3 phát đạn.

Do có tầm bắn xa, nên 2S7 Pion có thể bắn xong 2 phát đạn mà viên đạn đầu tiên vẫn chưa bay đến mục tiêu cách đó 47km. Đặc điểm này giúp 2S7 Pion có thời gian rút lui khỏi trận địa, khiến đối phương không kịp phản pháo. Hệ thống cũng có thêm tên lửa phòng không vác vai để chống lại không quân địch.

Pháo 2S7M Malka tại triển lãm kỹ thuật quân sự quốc tế 2017 ở ngoại ô thủ đô Moskva.

Đến năm 1983, các phiên bản cải tiến của Pion là 2S7M Malka đã gia nhập biên chế lực lượng vũ trang Nga. Malka mang được nhiều đạn hơn (8 viên) và có tốc độ bắn cao hơn, 5 phát đạn trong 2 phút.

Pháo cối tự hành Tyulpan

Súng cối tự hành hạt nhân lớn nhất thế giới 2S4 Tyulpan của Nga, (hoa Tulip), cũng có tên định danh NATO là M-1975. Hoạt động trong quân đội Liên Xô từ những năm 1970 nhưng “Tulip” 2S4 Tyulpan chưa “về hưu” bởi pháo cối này vẫn sở hữu sức mạnh đáng gờm.

Pháo tự hành 2S4 Tyulpan.

2S4 Tyulpan được trang bị súng cối cỡ nòng 240 mm, mỗi viên đạn nặng đến 130kg và có thể được bắn đi xa tối đa 9,6km. Đối với các loại đạn có trợ lực động cơ rocket, tầm bắn sẽ tăng lên đến 19km. Súng cối tự hành 2S4 Tyulpan dài 6,45m, rộng 3,25m, cao 3,2m và nặng 27,5 tấn.

 “Uy lực của cối 2S4 Tyulpan là đạn cỡ 240mm. 2S4 Tyulpan được trang bị rất nhiều loại đạn gồm đạn nổ định tầm, nổ phá mạnh, đạn chùm và đạn tự dẫn. Vào thời Liên Xô, dòng cối hạng nặng này thậm chí được trang bị cả đầu đạn hạt nhân. Nhờ quỹ đạo đạn bắn cầu vồng, pháo cối 2S4 Tyulpan có thể tiêu diệt các mục tiêu bị che khuất”.

“Khả năng cơ động cho phép Tyulpan di chuyển dọc theo địa hình gồ ghề ngang bằng với các thiết bị bọc thép khác, giúp nó tiêu diệt các mục tiêu ở phía bên kia các sườn núi, trong các hẻm núi và những nơi ẩn náu khác. Những quả đạn 240 mm sẽ tiêu diệt các mục tiêu của kẻ thù trong các hang động và pháo đài”, chuyên gia Andrei Kotz cho biết.

Pháo tự hành Vena
2S31 Vena là pháo tự hành mới nhất trực chiến trong quân đội Nga. Hệ thống này được đưa vào biên chế quân đội Nga năm 2010. Chuyên gia Kotz cho hay hệ thống này được phát triển sau chiến tranh Afghanistan, khi mà cối tự hành S29 Nona 120 mm với trang bị nhẹ và tính cơ động mà lính bộ nhảy dù Liên Xô sử dụng tỏ ra uy lực trước phiến quân Mujahedeen.

Sau kinh nghiệm chiến đấu này, Bộ Quốc phòng Nga đã quyết định phát triển loại vũ khí tương tự phục vụ cho các lực lượng bộ binh, dựa trên gầm xe chiến đấu bộ binh BMP-3. Pháo tự hành Vena từ đó được ra đời.

“Mỗi tổ hợp 2S31 Vena đều được trang bị máy tính đạn đạo cho phép tiếp nhận và truyền thông tin về dữ liệu bắn. Thông tin được hiển thị trên màn hình của chỉ huy. Với thông tin của 30 mục tiêu, chỉ huy tổ hợp chỉ cần chọn ra mục tiêu cần tiêu diệt và hệ thống điều khiển sẽ tự động nhắm mục tiêu để khai hỏa. Trong các tình huống đột kích, 2S31 Vena sẵn sàng khai hỏa vào các mục tiêu ưu tiên trong khoảng 20s sau khi nhận thông tin”, chuyên gia Kotz giải thích.

Sự kết hợp của tổ hợp pháo và súng cối 120mm có thể bắn bất kỳ loại đạn nào đã giúp 2S31 Vena trở thành vũ khí thu hút trên thị trường xuất khẩu vũ khí.

Pháo phản lực phóng loạt BM-30 Smerch
Chuyên gia Andrei Kotz mô tả BM-30 Smerch (Tố lốc) là một trong những tổ hợp pháo phản lực uy lực nhất trên thế giới. Được giới thiệu lần đầu tiên năm 1987, hệ thống BM-30 Smerch có khả năng bắn 12 chùm đạn 300 mm nặng 250kg, đầu đạn nổ phá mảnh hoặc nhiệt áp trúng mục tiêu.

“Sức mạnh hủy diệt của BM-30 Smerch nằm ở khả năng tấn công trong khoảng 70 héc-ta, tầm bắn 20-90km. Theo các chuyên gia, nếu 6 loạt phóng BM-30 Smerch diễn ra cũng một lúc thì sức công phá không kém gì một đầu đạn hạt nhân chiến thuật”, chuyên gia Andrei Kotz nhận xét.

Hiện nay, phiên bản cải tiến của BM-30 Smerch là Smerch-S đang được phát triển.

Trần Minh/Báo Tin Tức
Triều Tiên 'khoe' video phóng tên lửa đạn đạo ngang qua Nhật Bản
Triều Tiên 'khoe' video phóng tên lửa đạn đạo ngang qua Nhật Bản

Kênh truyền hình quốc gia Triều Tiên KRT vừa phát sóng hình ảnh vụ phóng tên lửa Hwasong-12 bay ngang qua Nhật Bản ngày 15/9 dưới sự chứng kiến của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN