04:07 18/04/2011

Vụ giải cứu tàu Mayaguez

Ngày 12/5/1975, lực lượng Hải quân Campuchia bắt giữ tàu chở hàng SS Mayaguez của Mỹ trong vùng biển quốc tế ở ngoài khơi Campuchia. Khi thông tin này bay tới Nhà Trắng cũng là lúc con tàu SS Mayaguez đang được lai dắt về cảng Kompong Som, nay là cảng Sihanoukville, của Campuchia

Ngày 12/5/1975, lực lượng Hải quân Campuchia bắt giữ tàu chở hàng SS Mayaguez của Mỹ trong vùng biển quốc tế ở ngoài khơi Campuchia. Khi thông tin này bay tới Nhà Trắng cũng là lúc con tàu SS Mayaguez đang được lai dắt về cảng Kompong Som, nay là cảng Sihanoukville, của Campuchia. Với Mỹ, việc giải cứu con tàu này là rất cần thiết để ngăn chặn luồng tư tưởng đang nổi lên trong các nước đồng minh cũng như trong các nước đối địch với Mỹ rằng Mỹ chỉ là “một gã khổng lồ vô dụng” sau cuộc rút lui trong sỉ nhục ra khỏi lãnh thổ Việt Nam của quân đội Mỹ. Do vậy, giải cứu tàu Mayaguez không chỉ là một chiến dịch quân sự đơn thuần.

Lính Mỹ được triển khai trên đảo Koh Tang.


Tại thời điểm đó, Mỹ không có quan hệ ngoại giao với Khmer Đỏ, lực lượng mới lên nắm quyền ở Campuchia trước đó vài tuần lễ. Còn lực lượng của Mỹ ở Thái Lan lại không có đủ khả năng để tiến hành các hoạt động trên bộ trên lãnh thổ Campuchia. Mỹ cũng không có tàu chiến nào ở khu vực này. Để thực hiện vụ giải cứu, Tổng thống Mỹ ra lệnh cho tàu sân bay Coral Sea và một số tàu khác của Hải quân nhanh chóng di chuyển đến Vịnh Thái Lan. Trong lúc đó, các máy bay quân sự của Mỹ ở Philíppin tìm kiếm tàu Mayaguez và liên tục bám theo nó. Một máy bay tuần thám biển P-3 của Hải quân phát hiện thấy con tàu đang được thả neo ở gần đảo Koh Tang, cách bờ biển Campuchia khoảng 70 km. Một số máy bay trinh sát bị dính đạn bắn lên từ dưới hòn đảo. Đây là trở ngại phải tính đến trong chiến dịch.

Lực lượng lính thủy đánh bộ trên đường xuất kích.

Một lực lượng lính thủy đánh bộ tương đương với một tiểu đoàn được Mỹ vận chuyển bằng cầu hàng không từ đảo Okinawa của Nhật Bản đến căn cứ không quân U Tapao ở Thái Lan, cách Koh Tang khoảng 540 km. Tàu khu trục Holt có nhiệm vụ sẽ lai dắt tàu Mayaguaz, trong khi lực lượng lính thủy đánh bộ, dưới sự yểm trợ của không quân, sẽ tiến hành giải cứu cho thủy thủ đoàn, được cho là đang bị giam giữ ở Koh Tang. Cùng lúc đó, tàu sân bay Coral Sea sẽ tiến hành bốn đợt ném bom vào các mục tiêu quân sự gần Kompong Som để uy hiếp các lực lượng của Khmer Đỏ.

Sáng 15/5, 175 lính thủy đánh bộ trong tổng số 600 quân theo kế hoạch được các máy bay trực thăng thuộc Lực lượng cứu hộ số 3 và của Liên đội tác chiến đặc biệt số 21 vận chuyển từ U Tapao đến Koh Tang. Theo dự đoán, lực lượng này sẽ chỉ gặp phải sự kháng cự không đáng kể của đối phương. Nhưng thực tế, khi đổ bộ lên đây, lính Mỹ đã rơi vào ổ phục kích của khoảng 200 lính Khmer Đỏ được trang bị các loại vũ khí hạng nặng. Ba trong số tổng số 8 chiếc trực thăng đầu tiên của Mỹ bị bắn rơi, hai chiếc khác bị hư hỏng nặng.

Tàu SS Mayaguez bị bắt giữ.

Khoảng 100 lính thủy được đưa lên bờ, nhưng lực lượng này sớm nhận ra rằng họ cần phải có lực lượng tăng viện. Sau đó, dưới sự yểm trợ của các máy bay A-7, F-4, OV-10 và AC-130, lính Mỹ giành được thế chủ động. Các đợt ném bom của các máy bay xuất kích từ tàu sân bay vào các mục tiêu ở trên đất liền quả nhiên đã đem lại kết quả: Một thuyền đánh cá với nhiều lá cờ trắng bay phấp phới tiến về phía tàu khu trục Wilson. Trên boong con thuyền đánh cá này là 39 thủy thủ của tàu Mayaguez. Lực lượng lính thủy ở Koh Tang được lệnh ngừng tấn công và rút lui. Tuy nhiên, lính Khmer Đỏ vẫn tiếp tục trận đánh, chuyển từ thế phòng ngự sang tấn công khi các máy bay trực thăng Mỹ đang cố gắng vượt qua lưới lửa dày đặc để đưa lực lượng của Mỹ rút lui.

Trung úy Backlund được giao sứ mệnh đưa một bộ phận lính thủy lên tàu khu trục Holt để hỗ trợ cho việc giành lại tàu Mayaguez. Sau đó, Backlund đưa bộ phận lính thủy còn lại đổ bộ xuống Koh Tang dưới làn hỏa lực của đối phương. Trung úy Brim thì điều khiển chiếc trực thăng đưa lực lượng lính thủy đánh bộ đặt chân lên hòn đảo. Còn Đại úy Purser đưa được 29 lính thủy đánh bộ đổ bộ lên hòn đảo sau khi nỗ lực lần đầu không thành. Trở lại U Tapao, Purser đón một nhóm lính thủy đánh bộ khác và chở họ đến Koh Tang.

Cuối cùng, chiến dịch giải cứu con tàu Mayaguez cũng đã thành công. Tuy nhiên, Mỹ đã phải trả cái giá quá đắt: 18 lính thủy đánh bộ và phi công bị chết hoặc mất tích trong cuộc tấn công và rút lui khỏi Koh Tang; 23 người khác bị chết trong một vụ rơi máy bay khi đang trên đường đến U Tapao.


Đình Vũ (tổng hợp)