03:10 19/03/2011

Vụ cựu chiến binh Đinh Đức Phiếu bị kết án tội “vu khống”: Cần khách quan nhìn nhận sự việc

Vụ cựu chiến binh Đinh Đức Phiếu, trú tại phố 9, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình (Ninh Bình) bị kết án tội “vu khống” được dư luận Ninh Bình rất quan tâm. Mặc dù, vụ án đã được xét xử sơ thẩm cách đây hơn 2 năm, nhưng đến nay vẫn chưa kết thúc và hiện còn nhiều tranh cãi.

Vụ cựu chiến binh Đinh Đức Phiếu, trú tại phố 9, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình (Ninh Bình) bị kết án tội “vu khống” được dư luận Ninh Bình rất quan tâm. Mặc dù, vụ án đã được xét xử sơ thẩm cách đây hơn 2 năm, nhưng đến nay vẫn chưa kết thúc và hiện còn nhiều tranh cãi.

Vu khống lãnh đạo

Sở dĩ vụ án thu hút đông đảo người quan tâm vì liên quan đến nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao trong tỉnh. Tòa án nhân dân thành phố Ninh Bình đã xét xử sơ thẩm tuyên án phạt 5 năm tù giam đối với ông Phiếu, nhưng ông Phiếu đã có đơn kháng cáo và hiện nay tòa đang tạm đình chỉ xét xử vì lý do sức khỏe của bị cáo.

Thường trực Tỉnh ủy Ninh Bình cũng vừa họp chỉ đạo các cơ quan tư pháp báo cáo tiến trình giải quyết vụ án, đồng thời cần xem xét khách quan, thấu tình đạt lý để vụ án sớm kết thúc. Ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình cho biết: Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cơ quan tư pháp điều tra xét xử độc lập, đúng luật, đảm bảo tính trung thực, xử đúng người đúng tội; nhưng cũng cần rành mạch không thể lẫn lộn giữa việc bị cáo vu khống lãnh đạo mà không có chứng cứ với việc vừa qua Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa kiểm tra kết luận một số sai sót của lãnh đạo tỉnh. Tất cả những nội dung vu khống không liên quan gì với kết luận kiểm tra.

Theo kết luận điều tra của Công an Ninh Bình, vụ việc diễn biến như sau: Trong khoảng thời gian từ ngày 9/5 - 22/8/2008, Tỉnh ủy Ninh Bình nhận được 50 bài viết nói xấu đích danh nhiều đồng chí lãnh đạo tỉnh với bút danh “Hà Phong”. Cũng bút danh trên còn mạo danh “Hội cựu chiến binh tỉnh Ninh Bình” gửi đến 36 đơn vị tập thể, cá nhân trên địa bàn tỉnh để bịa đặt, bôi nhọ danh dự, uy tín đối với nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp trong tỉnh, cụ thể là 9 đồng chí.

Bản kiểm điểm và khai tại cơ quan điều tra của ông Phiếu.


Nội dung các bài viết nêu rõ đích danh các đồng chí lãnh đạo. Việc làm này đã gây tư tưởng hoang mang, hoài nghi ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh chính trị trên địa bàn. Vì vậy, Cơ quan cảnh sát điều tra đã vào cuộc điều tra, xác minh làm rõ đối tượng là Đinh Đức Phiếu, sinh năm 1945, nguyên Giám đốc xí nghiệp in Ninh Bình.

Ngày 2/10/2008, cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Phiếu về tội Vu khống theo điều 122 – Bộ luật Hình sự. Trong quá trình điều tra, ông Phiếu đã khai báo, viết bản kiểm điểm nhận rõ hành vi phạm tội của mình, xin được cơ quan pháp luật xem xét, chiếu cố giảm nhẹ.

Ngày 1/12/2008, Tòa án nhân dân thành phố Ninh Bình đã mở phiên tòa công khai xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Phiếu với mức án đã nêu trên. Tuy nhiên, bị cáo đã kháng cáo và sau giai đoạn này sức khỏe không tốt nên gia định đã xin đưa bị cáo vào bệnh viên tâm thần Hà Nội điều trị nội trú.

Không có vi phạm thủ tục tố tụng

Bà Nguyễn Thị Thìn, vợ ông Phiếu từng có đơn đề nghị hủy bản án sơ thẩm số 135/2008/HSST, cho rằng các cơ quan điều tra làm sai thủ tục tố tụng vì chồng bà có biểu hiện tâm thần mà không được tiến hành giám định.

Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Bình và các tài liệu liên quan thì không thể cho rằng ông Phiếu bị tâm thần đến mức mất năng lực hành vi để miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, trong các bản lấy lời khai tại cơ quan điều tra, ông Phiếu viết rất có lập luận, lô gic và nhận thức rõ hành vi phạm tội của mình.

Ví dụ, tại bản kiểm điểm gửi cơ quan điều tra ngày 7/10/2008 và bản kiểm điểm ngày 10/11/2008, tức cách nhau gần 1 tháng của ông Phiếu thì dường như các nội dung đều trùng khớp với nhau và ông nhớ rất rõ hành vi phạm tội của mình. Ông viết: “Vừa qua tôi có mắc phải sai lầm khuyết điểm, nghe một số người nói chuyện và dư luận nói về các lãnh đạo tỉnh, tôi chưa xác định rõ đúng sai, tôi đã viết thư gửi tới các anh lãnh đạo và một số cơ quan trong tỉnh. Khi công an phát hiện chữ viết tay của tôi, tôi đã thành khẩn khai báo và nhận rõ trách nhiệm về mình…”.

Những bản lấy lời khai trên do chính tay ông Phiếu viết dài cả chục trang giấy thể hiện sự ăn năn hối lỗi và nhận trách nhiệm. Chứng tỏ trí nhớ của ông lúc đấy là bình thường. Ông còn viết thư tay xin lỗi các đồng chí lãnh đạo trong Thường trực Tỉnh ủy. Trước thời điểm phạm tội, khi kết thúc kiểm điểm đảng viên năm 2006, 2007, ông Phiếu còn ghi vào bản tự nhận xét đảng viên là: “tôi luôn xác định tư tưởng vững vàng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và chấp hành tốt chính sách của Nhà nước…”

Công an Ninh Bình cho rằng: Vào thời điểm điều tra, ông Phiếu không có biểu hiện tâm thần, lời khai còn rành mạch và nhớ tốt các sự việc xẩy ra nên chưa trưng cầu giám định. Sau khi xét xử, tình hình sức khỏe của ông Phiếu đã giảm sút và có biểu hiện tâm thần nên các cơ quan tố tụng đã trưng cầu giám định nhiều lần.

Lần giám định gần đây nhất là ngày 5/10/2009 của Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương kết luận số 44/GĐPYTT thì có các giai đoạn như: Trước khi phạm tội, bị cáo giảm nhẹ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi do bệnh đang tiến triển từ từ, âm ỉ; giai đoạn trong khi phạm tội, bị cáo giảm khả năng nhận thức và điều khiển hành vi do bệnh đang ở trong giai đoạn tiến triển; từ ngày 2/10, bị cáo giảm nặng khả năng nhận thức; và giai đoạn trong thời gian theo dõi giám định nội trú (tức sau xét xử), bị cáo ở giai đoạn “rối loạn trầm cảm tái diễn, giai đoạn nặng có các triệu chứng loạn thần” có mã số F33.3 trên người teo não tuổi già: Bị cáo mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.

Như vậy, có thể khẳng định trong quá trình điều tra, xét xử ông Phiếu chưa mất hoàn toàn năng lực hành vi nên không thể được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn sau khi xét xử sơ thẩm, cơ quan giám định kết luận ông Phiếu mất năng lực hành vi thì các cơ quan tố tụng Ninh Bình đã áp dụng biện pháp bắt buộc đi chữa bệnh đối với ông theo đúng pháp luật. Đồng thời cũng đã tạm đình chỉ vụ án và chưa xét xử phiên phúc thẩm. Và có thể khẳng định khi bản án chưa có hiệu lực pháp luật thì ông Phiếu chưa bị xem là tội phạm.

Nhóm PV