08:05 29/08/2014

Vụ ba trẻ tử vong sau phẫu thuật: Nhiều khả năng do quá trình gây mê

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về những nguyên nhân liên quan đến vụ việc 3 trẻ tử vong sau khi phẫu thuật hở hàm ếch tại Khánh Hòa, ngày 24/8.

Ông Nguyễn Trọng Khoa (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về những nguyên nhân liên quan đến vụ việc 3 trẻ tử vong sau khi phẫu thuật hở hàm ếch tại Khánh Hòa, ngày 24/8.

 

 

´Theo quan điểm của Bộ Y tế, nguyên nhân nào đã khiến 3 trẻ tử vong, thưa ông?


Chúng tôi đang chờ kết luận cuối cùng của Hội đồng chuyên môn. Nhưng trước phẫu thuật thì 2/3 cháu bé đã có triệu chứng bất thường, rối loạn tuần hoàn, hô hấp; do đó, nhiều khả năng do khâu gây mê, còn nguyên nhân do thuốc hay là vấn đề khác thì cần phải chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng.


Hiện nay, Công an Khánh Hòa cũng đã vào cuộc điều tra. Tất cả các phương tiện, dụng cụ, thuốc phục vụ cho phẫu thuật... đã được niêm phong để phục vụ công tác điều tra. Ngành y tế cũng động viên gia đình có trẻ tử vong cho mổ tử thi để tìm nguyên nhân khiến trẻ tử vong.


Bộ Y tế xác định đây là sự cố y khoa nghiêm trọng, cần tìm hiểu rõ nguyên nhân để khắc phục; đồng thời, kiên quyết bảo đảm xử lý nghiêm đúng người đúng sự việc theo quy định.

 

´Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ phẫu thuật nụ cười (OSCA) có đủ chức năng pháp lý để tổ chức hoạt động khám chữa bệnh từ thiện hay không, thưa ông?


Chúng tôi sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế, để các chuyên gia pháp lý của Bộ sẽ xem xét vấn đề và sẽ đưa ra kết luận chính thức về vấn đề này.


Theo quy định, người hành nghề khám chữa bệnh nhân đạo phải được cấp phép hoạt động do cơ quan có thẩm quyền cấp.


Hiện nay, có 2 hình thức khám chữa bệnh nhân đạo: Một là khám tại cơ sở cố định (cần sự cho phép về chuyên môn của ngành y tế tại cơ sở tổ chức khám chữa bệnh từ thiện) và hai là lưu động tại các địa phương (cần sự đồng ý của sở y tế các địa phương sau khi đã thẩm định các điều kiện theo quy định).


Thực tế, OSCA không tổ chức khám bệnh tại trụ sở của họ tại Hà Nội mà tổ chức khám chữa bệnh từ thiện tại nhiều địa phương. Như tại Khánh Hòa, OSCA đã được Sở Y tế Khánh Hòa cho phép tổ chức khám chữa bệnh từ thiện trên cơ sở đã xem xét những điều kiện như: Chứng chỉ hành nghề, cơ sở vật chất, thuốc, trang thiết bị...

 

´Ông Phạm Văn Ái, Giám đốc OSCA và các cán bộ tham gia phẫu thuật có đầy đủ chứng chỉ hành nghề không?


BS Phạm Văn Ái không trực tiếp tham gia phẫu thuật. Trung tâm OSCA báo cáo là các nhân viên y tế tham gia phẫu thuật đều có chứng chỉ hành nghề; còn cụ thể chứng chỉ hành nghề có đúng phạm vi hành nghề hay không thì cơ quan chức năng đang xác định, làm rõ.

 

´Tại sao Sở Y tế Hà Nội khẳng định chưa được cấp phép hoạt động khám chữa bệnh cho OSCA mà vẫn được Sở Y tế Khánh Hòa cho phép triển khai phẫu thuật nhân đạo? Liệu đây có phải là “kẽ hở” mà ngành y tế cần phải điều chỉnh không, thưa ông?


Chúng tôi sẽ xem xét lại các văn bản quy định cũng như quy trình cấp phép của Bộ Y tế về việc thực hiện các hoạt động khám chữa bệnh từ thiện tại các địa phương.


Xin cảm ơn ông!

 

Thiếu tướng Vũ Quốc Bình, Cục trưởng Cục Quân y, Bộ Quốc phòng:

“Bệnh viện 87 chỉ cung cấp cơ sở để OSCA tổ chức khám chữa bệnh” Bệnh viện 87 là bệnh viện thuộc Quân chủng Hải quân tại Khánh Hòa. Tại bệnh viện quân đội, nhi khoa thường không phát triển nên chúng tôi không cử cán bộ tham gia trực tiếp vào việc phẫu thuật từ thiện cho trẻ. Bệnh viện 87 chỉ như nơi cung cấp “sân vận động” để OSCA tổ chức khám chữa bệnh. Giữa bệnh viện và OSCA đã có một hợp đồng chặt chẽ về các vấn đề liên quan trong quá trình tổ chức khám chữa bệnh này. Bênh viện cũng không có chức năng giám sát về giấy tờ, hồ sơ của OSCA vì thẩm quyền này thuộc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa. Khi Sở Y tế cho phép thì BV 87 mới phối hợp cùng OSCA thực hiện hoạt động khám chữa bệnh từ thiện. Thực tế, nhân lực, thuốc men là do OSCA “mang tới”; trường hợp thiếu thuốc và sử dụng thuốc của bệnh viện 87 thì cán bộ y tế của OSCA cần phải bảo đảm các nguyên tắc “5 tra ba đối” và chịu trách nhiệm cao nhất về quyết định sử dụng thuốc của mình”.


Phương Liên (ghi)