Thông điệp bí ẩn trong cuộc không chiến Anh - Đức: Những bí mật lớn cuối cùng

Công tác đánh giá hệ thống radar thu được của người Đức cũng mở đường cho việc cải tiến “Window”, hệ thống chống radar được phát triển trước đó rất lâu nhưng không được đưa vào phục vụ trong cuộc chiến trên không, vì những lo ngại nó sẽ sớm bị người Đức sao chép và dẫn đến hệ quả là chính mạng lưới radar của Anh sẽ bị làm “mù”.


 

Trung Sĩ Ben Scamen (bên trái).

 

Sau khi nghiên cứu xong hệ thống radar Lichtenstein, người Anh cuối cùng đã nhất trí đưa “Window” vào sử dụng trong đêm 24/7/1943. Người Đức không hiểu chuyện gì đã xảy ra và Window đã chứng tỏ là một thành công to lớn giúp cắt đứt đáng kể chuỗi chiến bại của quân Đồng minh.


Ngoài việc chuyển giao một chiếc Ju 88 nguyên vẹn, Schmitt và Rosenberger còn có nhiều đóng góp khác cho phe Đồng minh trong cuộc chiến. Hai người này đã trở thành những phát thanh viên thường xuyên trên đài “Gustav Seifried Eins” phát sóng đến Đức vào 16 giờ hàng ngày. Dưới một cái tên giả, Schmitt nói với đồng bào của anh ta rằng “cuộc chiến đã thất bại. Đừng hy sinh mạng sống của mình vì một cuộc chiến vô bổ và những kẻ lãnh đạo bất tài. Ở Anh và Thụy Điển có những sân bay nơi các bạn sẽ được nghênh đón giống như chúng tôi. Nhớ cụp mở cánh máy bay và bạn sẽ được áp tải đến một vị trí hạ cánh an toàn”.


Sau khi hệ thống Window mang lại hiệu quả lớn trong việc làm nhiễu sóng radar của Đức, Luftwaffe đã sử dụng những kỹ thuật mới, như cho phép các máy bay chiến đấu trong đêm di chuyển độc lập trên không, cung cấp cho phi hành đoàn những tường thuật tại chỗ qua sóng radio về vị trí mà oanh tạc cơ của Anh được cho là đang tiến đến. Để đối phó với điều này, người Anh đã xây dựng một trạm phát sóng radio mặt đất mạnh (Corona) do trạm phát sóng ở Kingsdown (Anh) điều hành. Trạm này hoạt động trên cùng tần số với các trạm radio của Đức. Schimitt, Rosenberger và những phát thanh viên người Đức khác sẽ truyền thông điệp riêng của họ tới các phi hành đoàn trên máy bay tác chiến trong đêm của Đức nhằm gây ra sự nhầm lẫn. Họ sẽ nghe những khuyến cáo đối với các phi công Đức rồi truyền đi những chỉ dẫn trái ngược khiến các phi công Đức không biết phải nghe theo ai.


 

Chiếc Ju 88 được trưng bày tại Viện bảo tàng Không quân Anh Hendon.

 

Trong một sự kiện vào đêm 17/11/1943, Corona ra một chỉ thị chung yêu cầu tất cả các chiến đấu cơ trong đêm phải lập tức hạ cánh. Các phi công đã răm rắp làm theo bất chấp mệnh lệnh của trạm điều hành radio thật của Đức.


Còn với Ju 88, chiến đấu cơ này rời sân bay Dyce vào ngày 14/5/1943 với sự hộ tống của một phi đội tiêm kích hạng nặng Beaufighter. Về sau, Ju 88 được chuyển đến Bảo tàng RAF ở Hendon và được trưng bày tại Khu không chiến tại Anh quốc mở cửa tháng 11/1978 và vẫn nằm tại đó cho đến ngày nay.


Cả Trung úy Roscoe và Trung sĩ B.R. Scamen đều nhận mình có liên quan đến quá trình chiến đấu cơ Ju 88 hạ cánh an toàn xuống sân bay Dyce. Tài liệu ghi chép về các chiến dịch của Phi đội 165 có viết: “Các phi công này sẽ được tặng thưởng vì đã không khai hỏa và nhờ đó mang về những thông tin quý giá cho bộ phận kỹ thuật”. Ông R.V. Jones cũng nhận thức được vai trò của hai phi công này khi nói “khi trở về Luân Đôn, tôi đã cố gắng giúp hai viên phi công này nhận được phần thưởng Huân chương Chữ thập vì thành tích phục vụ xuất sắc trong không quân vì đã không bắn hạ máy bay chiến đấu Ju 88 của Đức. Đề nghị này có phần hơi quá đối với Bộ Tham mưu Không quân Anh, nhưng cuối cùng họ cũng đã đồng ý sẽ đưa các phi công vào danh sách được trao thưởng.


Trong khi đó, Schmitt nói rằng cha anh là kẻ thù lâu năm của Đức quốc xã và từng là thư ký của Gustav Stressemann, Ngoại trưởng thời Cộng hòa Weimar (tên sử gia gọi chính phủ của Đức trong thời gian chuyển tiếp từ năm 1919, sau khi Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, đến năm 1933 khi Adolf Hitler và đảng Quốc xã lên nắm quyền). Ông đã giữ liên lạc với các thành viên đảng Dân chủ Xã hội, những người đã bỏ trốn sang Luân Đôn.
Schmitt thừa nhận đã hạ cánh xuống sân bay Lincoln của Anh năm 1941, 10 ngày sau một chuyến bay bí ẩn khác ở Anh, trong đó Rudolf Hess (Phó Chủ tịch đảng Quốc xã) nhảy dù khỏi chiến đấu cơ hạng nặng Messerschmitt Bf 110 trên bầu trời Xcốtlen. Schmitt cũng thừa nhận không phải là phi công duy nhất của Đức hạ cánh theo sự dàn xếp ở Anh, và một số phi công Anh cũng hạ cánh xuống Đức. Chi tiết này được nhiều người có vai vế trong quân đội Đức biết đến. Người ta cũng biết rằng Hitler sẵn sàng trả một cái giá đắt để đạt được hòa bình với Anh. Theo Schmitt, việc anh này hạ cánh xuống sân bay Lincoln là theo kế hoạch của Lufwaffe, nhưng anh không bao giờ biết được bên trong gói đồ mà anh trao cho viên sĩ quan Anh đứng đợi ở sân bay có chứa cái gì.


Rốt cuộc những thông điệp bí mật mà Anh và Đức gửi cho nhau trong những ngày đầu của cuộc chiến vẫn chưa được làm sáng tỏ. Đó có thể là những bí mật lớn cuối cùng của Chiến tranh thế giới thứ hai.



Đào Lâm

Thông điệp bí ẩn trong cuộc không chiến Anh - Đức - Kỳ II: Kế hoạch đào tẩu
Thông điệp bí ẩn trong cuộc không chiến Anh - Đức - Kỳ II: Kế hoạch đào tẩu

Theo các bài viết đăng tải trên tờ “Bild Am Sontag”, trước khi hạ cánh xuống sân bay Dyce, Schmitt đã ít nhất một lần bay sang Anh trong một dịp trước đó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN