Sức mê hoặc huyền bí của Adolf Hitler - Kỳ 1: Giải pháp sáng tạo

Một trong những lý giải đáng chú ý nhất gần đây của giới học giả về chế độ phát xít Đức là sự thừa nhận “tính cách” lôi cuốn của Adolf Hitler. Đó dường như là một cá tính có sức thu hút, thay vì thứ tâm lý trống rỗng, ác tâm và thần kinh bất ổn.

 

Các bác sĩ Đức Quốc xã đã nắm lấy mọi cơ hội trong chiến tranh để thực hiện các thí nghiệm y học man rợ trên trẻ em.

 

Cuốn sách “Sự mê hoặc huyền bí của Adolf Hitler” của sử gia người Anh, Laurence Rees, do BBC ấn hành gần đây, đã đặt câu hỏi vì sao một cá nhân có thần kinh bất bình thường lại có thể trở thành một nhân vật từng được hàng triệu người Đức sùng bái. Tác giả Rees đã luận giải rằng bước thăng tiến quyền lực mau lẹ của Hitler là nhờ vào (hoặc chí ít là một phần), sự kết hợp tội lỗi giữa bản chất cá nhân bất bình thường và khát vọng khẩn thiết của người Đức giữa thời điểm hai cuộc Thế chiến về một vị cứu tinh để cứu rỗi họ khỏi sự bất ổn.


Kỳ 1: Giải pháp sáng tạo


Thomas "Toivi" Blatt - người Mỹ gốc Ba Lan sinh năm 1927 - vẫn sống sót sau cuộc tàn sát tại Trại tập trung Sobibor (Ba Lan) sau khi trốn thoát thành công trong cuộc đào tẩu quy mô lớn vào tháng 10/1943. Những vụ tàn sát, giết chóc mà Blatt phải chứng kiến thực sự đã trở thành biểu tượng cho ách thống trị của Adolf Hitler. Tuy nhiên, quá trình quyết sách dẫn tới việc xây dựng các lò khí ngạt ở Trại Sobibor và các trại hành quyết khác lại không hề đơn giản hay thuận lợi chút nào. Không có chuyện đưa ra quyết sách tuyệt đối trong khoảnh khắc, mà là do xảy ra dồn dập các sự kiệ. Đó là thời điểm Đức Quốc xã xâm lược Liên Xô; cuộc lưu đày người Do Thái mùa Thu năm 1941; nhiều hội nghị giữa các lãnh đạo chủ chốt của Đức Quốc xã sau trận Trân Châu Cảng vào tháng 12/1942; động thái mở rộng quy mô tàn sát người Do Thái trên toàn bộ lãnh thổ bị Quốc Xã chiếm đóng trong năm 1942.


Tàn sát người Do Thái là cách để Đức Quốc xã triển khai tái trật tự ở châu Âu.

 

Đức Quốc xã dường như đã từng bước, từng bước nhận ra cách thức đối xử cực đoan như thế nào với người Do Thái. Trong lịch sử, chưa từng có một chế độ nào thực thi cách đối xử cực đoan như vậy. Chưa từng có kẻ nào thử đào tung châu Âu lên để tận diệt cả một dân tộc. Theo Giáo sư David Gesarani, điều khiến kế hoạch “Giải pháp cuối cùng đối với người Do thái” trở nên khác thường là vì chế độ này nhận thấy không thể đơn giản chỉ là trục xuất, tống khứ người Do Thái, rồi bỏ mặc mọi chuyện xảy ra với họ. Quyết sách này được hoạch định nhằm tống họ tới những nơi mà chắc chắn họ sẽ bị giết. Tuy nhiên, có những thời điểm, nhiều người Do Thái còn được tận dụng để lao động khổ sai, song cuối cùng thì tất cả cũng đều bị tàn sát. Người Do Thái không thể bỏ mạng trên một hòn đảo ngoài khơi nào đó ở châu Phi, Siberia, ở một vùng biệt lập nào đó, hay vì đói, vì sốt phát ban... mà họ sẽ phải bị giết sạch. Đó là sự cực đoan chưa từng xảy ra trong lịch sử”.


Hitler chịu trách nhiệm cho tất cả, không chỉ vì hắn mong muốn điều đó xảy ra. Hắn phải chịu trách nhiệm vì quyền lãnh đạo đầy sức mê hoặc của hắn đóng vai trò sống còn trong việc hợp pháp hóa toàn bộ âm mưu thảm sát này trước các thuộc cấp của hắn. Bộ trưởng Tuyên truyền Đức Quốc xã, Paul Joseph Goebbels đã viết trong nhật ký tháng 3/1942 về quy mô của hình phạt man rợ được áp dụng đối với người Do Thái: “Quốc trưởng là người tiên phong, không biết mệt mỏi và là phát ngôn viên cho giải pháp cực đoan này".


Trong chiến đấu, người Đức có ưu thế với học thuyết Auftragstaktik (Nhiệm vụ chiến thuật), theo đó các sĩ quan được quyền chủ động sử dụng óc sáng tạo của mình nhằm đạt được ý định của cấp chỉ huy, và được quyền kiểm soát những vũ khí hỗ trợ cần thiết. Ví dụ: một trung đoàn bộ binh Đức được trang bị 12 khẩu pháo bộ binh hạng nặng 150 mm. Trong khi đó, các đội hình của Anh dựa trên cơ cấu mệnh lệnh tập trung, và các sĩ quan phải gọi về tổng hành dinh pháo binh của sư đoàn để xin hỗ trợ hỏa lực. Cách kiểm soát tập trung này giúp người Anh có lợi thế trong các hoạt động dàn quân chính thức, nhưng lại gây bất lợi trong những tình huống chiến thuật thay đổi nhanh chóng đòi hỏi tính ứng biến.

Khi thuộc cấp của Hitler tin tưởng và đi theo sự ảo tưởng của hắn, đồng thời được trấn an rằng Quốc trưởng sẽ ủng hộ và hậu thuẫn trong cuộc truy sát người Do Thái, thì đó là lúc bắt đầu nảy sinh hàng loạt sáng kiến, ý tưởng từ bọn thuộc cấp này. Những gì xảy ra ở đây còn hơn cả việc áp dụng "Giải pháp cuối cùng" trong khái niệm của học thuyết Auftragstaktik - Nhiệm vụ chiến thuật của quân đội Đức. Tuy nhiên, quân đội Đức Quốc xã chỉ cho phép áp dụng Auftragstaktik trong một nhóm chỉ huy nhỏ, do trong bối cảnh tàn sát người Do Thái đã xuất hiện sự cạnh tranh giữa hàng loạt cơ quan khác nhau trong nhà nước Đức Quốc Xã để giải quyết “vấn đề Do Thái”.


Sự phát triển của “Giải pháp cuối cùng” thực chất là quá trình hai chiều, trong đó các sáng kiến độc lập của cấp dưới sau này sẽ được cấp lãnh đạo chóp bu ra quyết sách phê chuẩn hay bác bỏ. Đó là trường hợp áp dụng học thuyết Auftragstaktik, một cơ chế thậm chí còn cho phép cả cấp thấp như thiếu tá Rolf - Heinz Höppner của lực lượng SS, vào tháng 7/1941, đề xuất với thượng cấp Adolf Eichmann ‘giải pháp nhân đạo nhất’ cho tình trạng thiếu lương thực sắp tới tại khu Lodzghetto có thể sẽ là “kết liễu những người Do Thái không đủ khả năng làm việc bằng dụng cụ mang lại hiệu quả tức thì”.


Adolf Eichmann là một ví dụ. Trung tá này từng nói với các đồng sự vào năm 1945 rằng việc nhận thức được mình đã góp một phần vào cái chết của hàng triệu người Do Thái “mang đến cho hắn sự thỏa mãn khác thường đến nỗi hắn vẫn có thể cười lớn ngay cả khi xuống mồ”. Hơn 60 năm sau, ngay cả những thuộc cấp thấp hơn nhiều như Hans Friedrich, một binh sĩ thuộc tiểu đoàn bộ binh số 1 của SS từng tận tay sát hại nhiều người Do Thái vào mùa thu 1941, nói rằng hắn “không” có cảm xúc gì với những người Do Thái mà mình đã ra tay sát hại. Nguyên nhân là vì “lòng căm thù” của hắn “đối với người Do Thái là quá lớn”.


Phương Hiền

 

Đón đọc kỳ 2: Bóng ma và người thật

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN