Sự biến mất của Jimmy Hoffa - Kỳ 2: Hoffa và xã hội đen

Năm 1959, Robert F. Kennedy - em trai của John F. Kennedy (người không lâu sau đó trở thành tổng thống Mỹ) - xuất hiện trên chương trình trò chuyện trên truyền hình ban đêm đầu tiên ở Mỹ “The Jack Paar Show”. Vào thời điểm đó, Robert là luật sư trưởng của Ủy ban lao động Thượng viện Hoa Kỳ - thường được biết đến với tên gọi Ủy ban McClellan, được thành lập vào cuối những năm 1950 với mục đích chính là điều tra mối quan hệ giữa công đoàn và xã hội đen. Trong “The Jack Paar Show”, Robert đã không ngần ngại khi đề cập những vấn đề nhạy cảm về Hoffa và nhiều nhân vật khác trong nghiệp đoàn Teamsters.

 

Robert nói: “Cuộc sống của chúng ta sẽ bị ràng buộc hết sức phức tạp với nghiệp đoàn Teamsters. Dưới sự lãnh đạo của Hoffa, nghiệp đoàn này đã tạo ra một thứ siêu quyền lực, vượt lên cả người dân và chính phủ. Chúng ta đang thụ động và chịu sự chi phối từ Teamsters. Nếu không làm gì đó, đất nước này sẽ không còn do người dân kiểm soát mà sẽ bị thao túng bởi Johnny Dio, Jimmy Hoffa và Tony 'Ducks' Corallo”.


Ngoại trừ Hoffa, những cái tên khác có vẻ không quen thuộc với hầu hết người dân Mỹ, tuy nhiên lời buộc tội trực tiếp của Kennedy đã gây được sự chú ý. Mặc dù Robert không biết nhiều về các nghiệp đoàn lao động khi Ủy ban McClellan bắt đầu thành lập, tuy nhiên, chàng luật sư trẻ đến từ Massachusetts đã nắm bắt vấn đề rất nhanh và là một công chức có bản lĩnh. Robert không do dự bày tỏ mong muốn “bắt giữ Hoffa”, đồng thời khẳng định không thể chấp nhận nạn tham nhũng tràn lan cũng như không thể để ban lãnh đạo nghiệp đoàn Teamsters vô tư tiến hành những hoạt động phi pháp.

Hoffa cùng vợ và gia đình tại một cuộc tuần hành của Teamsters.


Hoffa cho rằng, người đàn ông thực sự là người có thể dùng nắm đấm để đe dọa kẻ thù khi lời nói không đủ sức mạnh. Theo Hoffa, điều quan trọng nhất là kết quả chứ không phải là cách thực hiện và theo suy nghĩ như vậy, việc câu kết với các băng đảng là điều cần thiết cho thành công của Teamsters. Nhưng thực tế cho thấy, việc hợp tác với Hoffa lại đem đến nhiều thành công hơn cho xã hội đen. Trong khi các băng đảng sử dụng sức mạnh của mình để phục vụ cho mục đích của Hoffa thì đổi lại, Hoffa cung cấp cho bọn chúng rất nhiều tiền.


Nguồn cung tiền lớn nhất là từ Quỹ lương hưu của các tiểu bang miền trung nước Mỹ. Những công nhân chăm chỉ của Teamsters đã tin tưởng giao phó khoản tiết kiệm của mình cho nghiệp đoàn với lời cam kết khoản tiền đó sẽ được đầu tư đúng đắn và mang lại lợi tức cao nhất có thể. Tuy nhiên, dưới quyền Hoffa, những khoản tiền này đã không được sử dụng đúng mục đích, chúng bị trao vào tay những kẻ không đáng tin cậy. Một trong số đó là Morris "Moe" Dalitz, một trong những kẻ đã “gây dựng” thế giới ngầm ở Las Vegas. Dalitz lúc đầu là thành viên trong băng cướp Purple khét tiếng ở Detroit, sau này chuyển hoạt động tới Cleveland. Dalitz đã sử dụng khoản tiền “vay” từ quỹ lương hưu của Teamsters để xây dựng nhà nghỉ Desert và khách sạn Stardust sang trọng tại Vegas.


 

Cuốn sách “Hoffa và nghiệp đoàn Teamsters” của Ralph và Estelle James nhắc đến Dalitz như một “tay chân” thân tín của Hoffa. Năm 1949, khi Teamsters đe dọa “tấn công” hệ thống giặt là ở Detroit thì Dalitz (cũng sở hữu một cửa hiệu giặt là) đã bí mật gặp gỡ Hoffa để can thiệp và thương lượng. Ủy ban McClellan đã đưa ra bằng chứng cho thấy, các chủ cửa hiệu giặt là đã chuyển cho Hoffa một khoản tiền lớn dưới vỏ bọc là một khoản vay mượn.


Trong khi đó, hai đồng bọn của Hoffa là Johnny Dio và Tony “Ducks” Corallo - những kẻ được Robert nhắc đến trong “The Jack Paar Show” - sau này đã trở thành chủ của tổ chức Lucchese, lập ra sáu chi nhánh “ma” ở New York dưới sự bảo trợ của Hoffa. Những chi nhánh này không có nhân viên, chỉ có ban lãnh đạo do Dio và Corrallo dựng lên hoặc là do những tên mafia đảm nhiệm. Về sau, Dio và Corrallo giành được quyền kiểm soát hoạt động vận chuyển tại các phi trường ở New York. Theo Ủy ban McClellan, Dio và Corrallo đã sử dụng “vị trí” của chúng để thực hiện các hoạt động tống tiền, hối lộ và cưỡng bức. Qua việc đổi chác với nhóm xã hội đen, Hoffa hy vọng những chi nhánh ma này sẽ trợ giúp ông ta khi đến thời điểm bầu cử của nghiệp đoàn Teamsters.


Cuốn “Máu và quyền lực” của Stephen Fox viết rằng, Ủy ban McClellan đã vạch trần những khoản ngân quỹ của nghiệp đoàn bị đánh cắp và sử dụng sai mục đích, những bản hợp đồng “đi đêm”, những xung đột lợi ích giữa các ông trùm và lãnh đạo, những chi nhánh “ma”... của Teamsters. Tay chân của Hoffa trong thế giới tội phạm gồm có Angelo Meli, William Bufalino và Pete Licavoli ở Detroit; Babe Triscaro ở Cleveland; Paul Ricca và Joey Glimco ở Chicago; Johnny Dio, Tony Ducks Corallo và Vincent Squillante ở New York. Theo Fox, “Hoffa đã không ra lệnh trực tiếp mà chỉ sử dụng ám hiệu đối với đám găngxtơ”. Và đây cũng chính là những khởi nguồn cho rắc rối của ông ta sau này.


Nguyễn Bình

Đón đọc kỳ tới: Hoffa ngồi tù

Sự biến mất của Jimmy Hoffa
Sự biến mất của Jimmy Hoffa

Vào ngày 30/7/1975, Jimmy Hoffa - cựu chủ tịch Nghiệp đoàn Lái xe tải quốc tế (International Brotherhood of Teamsters), nghiệp đoàn tên tuổi nhất ở Mỹ - biến mất một cách đầy bí ẩn. Hoffa là một trong những nhân vật quyền lực và nổi tiếng nhất tại Mỹ thời bấy giờ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN