Oscar Pistorius - Người hùng và kẻ sát nhân - Kỳ cuối: Pistorius và hội chứng bạo lực trong xã hội Nam Phi

Một bước ngoặt không được chờ đợi đã xảy ra trong vụ Oscar Pistorius: Hilton Botha, trưởng nhóm điều tra, cũng trở thành đối tượng bị cáo buộc giết người. Một ngày trước khi Pistorius được phép tại ngoại, viên sĩ quan cảnh sát này đã hoàn toàn đuối lý trước luật sư bảo vệ bị cáo, kết thúc bằng việc thừa nhận một số chi tiết thiếu chính xác trong cuộc điều tra. Hồ sơ tố cáo càng ngày càng thiếu sức nặng, trong khi giả thiết về việc Pistorius đã bắn chết cô bạn gái Reeva Steenkamp do nhầm tưởng đó là một tên trộm lại được củng cố thêm.
Bắn vào một “vị khách không mời” liệu có phải là chuyện thường thấy ở Nam Phi?

 

Cảm giác bất an thường trực


Trên tờ Huffington Post, phóng viên Imran Garda đánh giá: “Nếu Oscar Pistorius nói sự thật và nếu anh ta thực sự bắn vào bạn gái của mình trong lúc tưởng rằng đó là một tên trộm, đó vẫn là điều khó chấp nhận. Nếu bạn sợ có một tên trộm trong nhà vệ sinh, bạn phải mở cửa để xác định đối tượng trước khi bắn”. Garda còn viết thêm: “Điều khiến tôi e ngại, đó là trên rất nhiều phương tiện truyền thông Nam Phi và trên các kênh xã hội, người ta đánh giá rằng anh ta (Pistorius) có quyền bắn nếu nghĩ đó là một tên trộm. Thái độ này phản ánh những vấn đề của Nam Phi, nơi cảm giác bất an đang ngự trị”.


 

Bạn bè và gia đình tiếc thương Reeva Steenkamp.

 

Tại Nam Phi, khi người ta có tiền, người ta sẽ đóng khung ngôi nhà của mình bằng những bức tường rất cao, được rào dây thép gai và được bảo vệ bởi chó dữ cùng với lực lượng an ninh được trang bị vũ khí. Giải thích với hãng thông tấn AFP, Erna Van Wyk, chuyên gia tâm lý tại trường đại học Witwatersrand (Johannesburg), cho biết: “Người dân Nam Phi đang sống kiểu nhà nào biết nhà nấy”. Bầu không khí bất an càng trở nên nghiêm trọng do tình trạng bạo lực hiện nay. Người ta không quan hệ với hàng xóm vì cảm thấy bị đe dọa bởi “người khác”, hay người ta luôn cảm thấy một “kẻ tấn công” đang đứng bên ngoài cửa.


Một quá khứ bạo lực liệu có thể giải thích cho tình trạng bạo lực hiện nay? Loren Landau, Giám đốc Trung tâm châu Phi về vấn đề nhập cư và xã hội, nói trên tờ Huffington Post: “Cảm giác bất an là rất lớn bởi người dân không tin chính phủ có thể bảo vệ được họ”.

 

“Bảo hiểm” bằng súng


Năm 2011, một phóng viên thể thao Anh của tờ Daily Mail đã tới thăm nhà Pistorius và mô tả rằng trong phòng của VĐV khuyết tật này có một cây gậy bóng chày và một cây gậy cricket phía sau cửa, một khẩu súng ngắn để gần giường ngủ và một khẩu súng máy gần cửa sổ. Trong khi đó, nhật báo The Star của Nam Phi từng tiết lộ rằng Pistorius có ý định tự trang bị thêm những vũ khí hạng nặng khác.


 

Phụ nữ biểu tình chống Pistorius bên ngoài tòa án Prêtôria.

Việc sử dụng súng đã trở thành một thói quen tại Nam Phi. Tờ The Globe and Mail của Canađa từng mô tả về việc tại các sân bay và các sòng bài của Nam Phi có những bảng chỉ dẫn đâu là phòng gửi vũ khí. Và giống như Pistorius, nhiều người Nam Phi cho rằng sở hữu vũ khí là để đảm bảo về an ninh.


Kể từ năm 2005, Nam Phi đã có một điều luật mới về việc mua và cất giữ vũ khí, với mục đích giảm tỷ lệ tội phạm dùng súng, sau khi số lượng các vụ án liên quan đến loại vũ khí nóng này đã lên rất cao trong những năm 1990. Để được cấp phép sở hữu súng, người ta phải có một giấy chứng nhận về khả năng bắn, cũng như được đảm bảo về sức khỏe tâm lý, không nghiện ngập và không có tính hung hăng.


Một điều tra của GunPolicy.org, một nhóm nghiên cứu và thông tin về những biện pháp phòng ngừa bạo lực bằng súng, đã chỉ ra rằng vào năm 2007, Nam Phi chỉ xếp thứ 50 trong danh sách các quốc gia được trang bị súng nhiều nhất. Để so sánh, Pháp xếp thứ 12. Tuy nhiên, tỷ lệ tội phạm giết người hằng năm ở Nam Phi là cực cao: 17 vụ trong 100.000 dân (trong khi tại Pháp là 0,22 và tại Mỹ là 3,6 vụ). Vũ khí thường được lấy cắp từ các chủ sở hữu hợp pháp và sau đó trôi nổi ngoài chợ đen. Một số người, thay vì chờ nhận giấy phép, vẫn thích tự trang bị cho mình một vũ khí “ngoài luồng”.

 

Phụ nữ là nạn nhân chính


Một báo cáo trong năm 2012 chỉ ra rằng, mặc dù số lượng phụ nữ bị giết hại tại Nam Phi đã giảm kể từ năm 1999, nhưng nó vẫn ở mức báo động: 2.363 người bị giết trong năm 2009. “Xã hội Nam Phi là một xã hội trọng nam khinh nữ”, tờ The Guardian của Anh bình luận, “Đàn ông nghĩ rằng họ phải kiểm soát phụ nữ. Bạo lực được giải thích bằng việc để nhắc nhở phụ nữ trở lại đúng vị trí của họ”.


Những đe dọa đầu tiên đối với phụ nữ Nam Phi đến từ chính những người thân của họ. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi tháng có 60.000 phụ nữ và trẻ em Nam Phi là nạn nhân của bạo lực gia đình - một tỷ lệ cao nhất thế giới.


Một vụ việc nhơ nhớp mới đây đã gây chấn động Nam Phi. Ngày 2/2/2013, Anene Booysen, 17 tuổi, đã bị hãm hiếp sau một bữa tiệc. Cô gái sau đó bị mổ bụng và chết trước khi được đưa vào bệnh viện. Trong số những kẻ bị tình nghi là hung thủ có cả bạn trai cũ của cô. Vụ việc này đã làm người dân Nam Phi phẫn nộ, trong đó có Reeva. 4 ngày trước khi bị giết, bạn gái của Pistorius đã đưa ra một lời kêu gọi trên Twitter: “Tôi thức dậy trong ngôi nhà của mình, an toàn và hạnh phúc. Mọi người không có chung may mắn. Hãy loại bỏ bạo lực tại Nam Phi!”. Rốt cuộc, Reeva đã bị sát hại ở chính nơi an toàn nhất và bởi người gần gũi cô nhất.

 

Hoài Nam

Oscar Pistorius - Người hùng và kẻ sát nhân-Kỳ 3: Nóng bỏng cuộc chiến ở hậu trường
Oscar Pistorius - Người hùng và kẻ sát nhân-Kỳ 3: Nóng bỏng cuộc chiến ở hậu trường

Vụ án Oscar Pistorius sát hại bạn gái Reeva Steenkamp gây chấn động dư luận Nam Phi và thế giới không phải vì những tình tiết ly kỳ, rùng rợn, mà đơn giản là vì sự nổi tiếng của cả hung thủ lẫn nạn nhân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN