Oscar Pistorius - Người hùng và kẻ sát nhân - Kỳ 2: Kẻ cuồng ám dưới bộ mặt người hùng

Bằng 4 phát đạn bắn qua cánh cửa phòng vệ sinh đóng kín trong những giờ đầu tiên của ngày Lễ tình yêu 2013, Oscar Pistorius đã cướp đi mạng sống của bạn gái Reeva Steenkamp. Nhưng cũng chính chi tiết “bịt mắt” nổ súng này, đã tố cáo một Pistorius “máu lạnh”, một kẻ giết người không ghê tay.

 

Danh vọng và tiền bạc


Vẫn được xem là một tấm gương về nghị lực sống, Pistorius rất được tôn sùng không chỉ ở Nam Phi. Tờ The Times (Nam Phi) từng viết: “Cánh đàn ông ngưỡng mộ anh ấy, phụ nữ thì yêu mến anh ấy. Trẻ em khuyết tật lấy anh ấy làm nguồn cảm hứng...”. Thành công trong sự nghiệp thể thao của VĐV 26 tuổi này từng giúp anh lọt vào danh sách 100 nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất thế giới của tạp chí Times (Mỹ), kèm theo bình luận: Pistorius là “định nghĩa về cảm hứng ở cấp độ toàn cầu”.

Pistorius trong một khẩu hiệu quảng cáo nổi tiếng của Nike: “Tôi như một viên đạn trong ổ đạn”.

 

Bị cưa chân từ lúc mới 11 tháng tuổi do bẩm sinh không có xương mác và phải gắn liền với đôi chân giả kể từ thời điểm đó, nhưng Pistorius không chịu đầu hàng số phận. Giống như rất nhiều người khuyết tật khác, anh bắt đầu tìm đến thể thao như là nguồn vui sống và để rèn luyện sức khỏe. Nhưng cái khác ở Pistorius là anh có tố chất của một nhà vô địch. Sau một chấn thương nghiêm trọng khi thi đấu bóng bầu dục, anh chuyển sang chơi điền kinh và đó chính là bước ngoặt định mệnh cho sự nghiệp của VĐV này. Rất nhanh, Pistorius đã cho thấy anh hầu như không có đối thủ tại sân chơi dành cho người khuyết tật. Sau 3 huy chương vàng Paralympic tại Bắc Kinh 2008, anh hoàn tất giấc mơ thời thơ ấu là được tranh tài với các VĐV lành lặn hàng đầu thế giới tại Olympic 2012. Dù phải dừng bước ở vòng bán kết nội dung 400m, nhưng Pistorius đã đi vào lịch sử là VĐV mất cả 2 chân đầu tiên thi đấu tại Olympic. Anh trở thành một hiện tượng của thể thao thế giới.


Những chiến tích vang dội trên đường chạy đã làm thay đổi cuộc sống của Pistorius. Trong một phiên điều trần trước tòa về vụ sát hại Reeva, Pistorius cho biết anh kiếm được 630.500 USD (472.000 euro) mỗi năm và sở hữu số tài sản gần 1 triệu USD (750.000 euro). Tuy nhiên, con số đó ít hơn nhiều so với thực tế. Các hợp đồng quảng cáo với công ty truyền thông BT của Anh, hãng sản xuất kính mát Oakley, hãng trang phục thể thao Nike hay nhà thiết kế Thierry Mugler người Pháp..., ước tính mang lại cho Pistorius gần 2 triệu USD (1,5 triệu euro) mỗi năm.


 

Reeva nằm trong “bộ sưu tập” người đẹp tóc vàng của Pistorius.

Pistorius sống trong một khu biệt thự sang trọng ở ngoại ô Prêtôria. Năm 2009, khu Silver Lakes Golf này được bầu chọn là khu nhà ở an toàn nhất Nam Phi. Nó được bao quanh bởi những bức tường cao, được rào dây thép gai và được bảo vệ 24/24 giờ bởi các nhân viên an ninh được trang bị súng. Như tên gọi của nó, khu biệt thự này có một sân Golf và có một khu bảo tồn động vật.

 

Tài và tật


Nhưng cái gì cũng có mặt trái của nó. Sự nổi tiếng, sự giàu có và sự nuông chiều quá mức của giới chức thể thao Nam Phi cũng như của giới truyền thông, đã làm hại Pistorius. Anh sống buông thả và luôn cậy nhờ việc “Bởi tôi là Oscar Pistorius”.


Pistorius có thú vui nghe tiếng động cơ của những chiếc xe hơi thể thao đắt tiền gầm rú, nghe tiếng lốp xe rít trên mặt đường ở những khúc cua và anh thích nhấn ga tới 250 km/h trên mặt đường trơn trượt. Trước năm 2012, anh đã tông hỏng 11 chiếc xe máy thể thao của mình cùng lúc, nhằm tránh một vụ tai nạn. Năm 2008, vì phóng quá tốc độ, chiếc xuồng máy do Pistorius điều khiển gặp tai nạn và kết quả là anh bị gãy xương sườn, vỡ hàm và xương gò má, phải khâu tổng cộng 172 mũi.
Một niềm đam mê khác của Pistorius là phụ nữ.


Theo giới truyền thông Nam Phi, rất nhiều người đẹp đã cặp kè với Pistorius trong những năm gần đây, tất cả đều tóc vàng và xinh đẹp. Ngay trước Reeva, Samantha Taylor đã ngã vào vòng tay Pistorius. Sau đó, cô này đã liên hệ với một tờ báo để kể về “tất cả những gì mà tôi phải chịu đựng ở hắn”. Mẹ của Samantha, Trish Taylor, đã bình luận trên Twitter sau thảm kịch đối với Reeva: “Tôi hạnh phúc biết bao khi Sammy vẫn khỏe mạnh và thoát khỏi những cái tát của gã đàn ông đó”.


Trong quá trình khám xét hiện trường vụ án, cảnh sát Nam Phi đã thu thập được 2 hộp testostérone và những chiếc kim tiêm tại nhà Pistorius. Đây là biện pháp nhằm kích thích khả năng “đàn ông” của VĐV này. Nhưng nếu đúng là như vậy đã tốt, bởi cơ quan chống doping Nam Phi đã vào cuộc và nghi ngờ Pistorius sử dụng loại chất này nhằm tăng cường khả năng thi đấu thể thao. Bóng ma doping của Lance Armstrong lại hiện về.


Tuy nhiên, điều đáng sợ nhất ở Pistorius là chứng cuồng ám. Đây cũng là hội chứng mà nhiều người giàu Nam Phi gặp phải. Khi họ có nhiều tiền và sống trong một xã hội có tỷ lệ tội phạm cao, họ luôn nơm nớp lo sợ bị cướp, bị sát hại. Chính điều này đã dẫn đến thói quen sử dụng súng của Pistorius. Khẩu súng 9 mm luôn được anh để dưới gối trong khi ngủ. Nhưng thật trớ trêu, thay vì trấn áp trộm cướp, Pistorius đã dùng nó để bắn chết bạn gái của mình. Đó có thể được xem là một bi kịch điển hình đối với một tài năng thành đạt, giàu có, nhưng cũng rất bất ổn về tâm lý trong một xã hội hiện đại, gấp gáp.


Hoài Nam

 

Đón đọc kỳ 3: Nóng bỏng cuộc chiến ở hậu trường

Oscar Pistorius - Người hùng và kẻ sát nhân - Kỳ 1: Bốn phát súng ngày Valentine
Oscar Pistorius - Người hùng và kẻ sát nhân - Kỳ 1: Bốn phát súng ngày Valentine

Đúng vào ngày Lễ tình yêu (Valentine) năm 2013, thế giới thể thao đã rúng động vì vụ án mạng gây ra bởi VĐV khuyết tật nổi tiếng người Nam Phi: Oscar Pistorius. “Người không chân” đã bắn 4 phát đạn để lấy đi sinh mạng của chính người yêu của mình, người mẫu Reeva Steenkamp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN