Khủng bố thuốc cảm Tylenol - Kỳ cuối: Hành trình vào bóng đêm

Mặc dù Lewis chưa bao giờ bị kết tội liên quan trực tiếp đến vụ Tylenol, nhưng hắn cuối cùng cũng bị kết tội tống tiền và 6 tội danh không liên quan về gian lận thẻ tín dụng và thư từ. Lewis lĩnh án 20 năm tù, nhưng chỉ thụ án 13 năm rồi được ân xá vào năm 1995.


 

Sau Tylenol, thuốc cảm Excedrin cũng bị nhồi xyanua. Ảnh: Internet

 

Sau vụ bắt giữ Lewis vào tháng 12/1982, các nhà điều tra không thể phát hiện bất cứ nghi phạm mới nào liên quan đến loạt vụ giết người bằng xyanua trong thuốc cảm. Nhóm điều tra không thể triển khai được nhiều với một hồ sơ tội phạm được phác thảo rắc rối và một phần dấu vân tay từ một số lọ thuốc, chưa được khớp với người.


Trước hậu quả trực tiếp của loạt vụ “khủng bố thuốc cảm”, tháng 5/1983, Quốc hội Mỹ đã thông qua một đạo luật mới, “Luật Tylenol”, coi việc can thiệp xấu vào các sản phẩm tiêu dùng là một loại tội phạm liên bang. Năm 1989, FDA cũng đặt ra quy định trên toàn quốc đòi hỏi các sản phẩm phải tuân thủ các thiết kế chống can thiệp, nhằm bảo đảm chúng đến tay người tiêu dùng một cách an toàn.


 

Chủ tịch J&J, James Burke giới thiệu mẫu lọ Tylenol mới, với lớp vỏ niêm phong. Ảnh: Internet

 

Gần như ngay sau vụ Tylenol, các vụ can thiệp vào sản phẩm tăng vọt trên khắp nước Mỹ. Chỉ trong năm 1982, FDA đã phát hiện 270 vụ can thiệp vào sản phẩm tiêu dùng, trong đó có vụ một cậu bé 14 tuổi ở Minneapolis uống phải sữa sôcôla nhiễm độc và một thanh niên ở Florida dùng nước cam nhiễm thuốc trừ sâu, nhưng cả hai đều may mắn thoát chết.


Tuy vậy, trong những năm sau đó, lại xảy ra một làn sóng tội ác giết người “nhái” theo vụ “khủng bố thuốc cảm Tylenol”. Một trong những vụ nổi tiếng nhất là vào tháng 1/1986, trong một lần tới thăm bạn trai ở New York, cô gái Diane Elsroth, 23 tuổi, đã uống hai viên Tylenol Extra-Strength từ một lọ thuốc niêm phong đúng quy định. Diane tử vong chỉ sau vài phút và cái chết của cô được xác định do nhiễm độc xyanua. Các nhà điều tra tìm ra thêm 3 viên con nhộng nhồi xyanua khác trong lọ và thu hồi một lọ thuốc nhiễm độc khác tại cửa hiệu ở Westchester, New York.


Một lần nữa, cái chết của Diane lại buộc FDA phải cảnh báo người tiêu dùng toàn quốc về mối đe dọa từ các sản phẩm Tylenol. Khoảng 12 tiểu bang đã tạm cấm bán sản phẩm này còn Johnson&Johnson thì suýt nữa lại phải tiến hành một chiến dịch thu hồi. Nhưng không một cái chết nào khác liên quan đến thuốc Tylenol sau trường hợp của Diane, mà liên quan đến một loại thuốc cảm và giảm đau khác.


Ngày 11/6/1986, một giám đốc chi nhánh của Ngân hàng nhà nước ở Washington, bà Sue Snow, 40 tuổi, thức giấc trong cơn đau đầu. Bà vào bếp uống hai viên thuốc cảm Extra-Strength Excedrin, nhưng chỉ khoảng 40 phút sau, cô con gái Haley vào phòng tắm, đã thấy mẹ nằm bất tỉnh trên sàn. Bà Sue tử vong sau vài giờ và kết quả xét nghiệm cho thấy bà đã nhiễm độc xyanua nhồi trong các viên con nhộng Excedrin.


Ngày 17/6/1986, một ngày sau lệnh thu hồi sản phẩm từ nhà sản xuất Bristol-Myers, cảnh sát nhận được điện thoại từ một phụ nữ góa, lo ngại rằng cái chết của chồng bà hai tuần trước có thể là do bị đầu độc. Người báo tin là Stella Nickell cho biết, chồng bà là Bruce đã bất ngờ tử vong hôm 6/6, sau khi uống 4 viên giảm đau Excedrin. Ban đầu cái chết được cho là do chứng khí thũng phổi, nhưng kết quả xét nghiệm sau đó đã xác định nguyên nhân là nhiễm độc xyanua. Các nhà điều tra cũng tìm thấy hai lọ thuốc Excedrin nhiễm xyanua từ nhà riêng của Bruce Nickell.


Gống như vụ Tylenol, bầu không khí hoảng sợ lại loang khắp bang Washington. Thêm hai lọ thuốc cảm Excedrin Extra-Strength được phát hiện chứa xyanua. Các đặc vụ của FBI phát hiện, sau cái chết của chồng, bà Stella hưởng 71.000 USD từ ba hợp đồng bảo hiểm và sẽ được thêm 100.000 USD nếu chứng minh được cái chết của chồng là do tai nạn.


Stella không vượt qua được bài kiểm tra nói dối vào ngày 18/11/1986, cộng với lời khai của cô con gái riêng rằng bà mẹ từng thổ lộ ý định giết Bruce, các nhà điều tra đã buộc góa phụ này phải nhận tội giết chồng.


Đầu năm 1987, FBI lại thu thập các bằng chứng cho thấy Stella liên quan đến cả cái chết của Sue Snow. Năm 1988, bà ta bị kết án 90 năm tù và chỉ được ân xá kể từ năm 2018. Stella Nickell là người đầu tiên bị kết án vì tội giết người bằng cách can thiệp vào sản phẩm tiêu dùng, nhưng không phải là người cuối cùng. Thêm nhiều vụ giết người tương tự xảy ra sau này, nhưng vụ khủng bố đầu tiên qua thuốc cảm Tylenol thì vẫn chưa được làm sáng tỏ dù đã 30 năm trôi qua.


Vụ đầu độc Tylenol đã cho thấy những bài học giá trị về trách nhiệm đạo đức của các tập đoàn và chính phủ. J&J đã thể hiện một tấm gương tốt về cách thức phản ứng của một tập đoàn với khủng hoảng. Họ chịu trách nhiệm về đạo đức khi đặt an toàn của người tiêu dùng lên trên lợi nhuận, điều này có thể làm giảm lợi nhuận trong ngắn hạn, nhưng sẽ đảm bảo một sự thịnh vượng về lâu dài.


Bạch Đàn

 

Sau Tylenol, thuốc cảm Excedrin cũng bị nhồi xyanua.

Khủng bố thuốc cảm Tylenol - Kỳ 3: Nghi phạm đầu tiên
Khủng bố thuốc cảm Tylenol - Kỳ 3: Nghi phạm đầu tiên

Đó là một nhà hóa học nghiệp dư, một phụ tá bác sĩ, từng làm việc tại một đại lý cung cấp Tylenol cho hai trong số 6 cửa hiệu nơi các lọ thuốc chứa xyanua được bán ra. Các nhà điều tra cho biết, anh ta thừa nhận từng làm việc cho một dự án liên quan đến sử dụng xyanua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN