Khủng bố thuốc cảm Tylenol - Kỳ 2: Sáu cửa hiệu “bị nhồi” xyanua

Mặc dù vậy, các bệnh viện trên khắp nước Mỹ vẫn phải tiếp nhận quá nhiều bệnh nhân tự nghi mình bị nhiễm độc xyanua từ thuốc Tylenol. Dòng bệnh nhân đổ tới chủ yếu do những cảnh báo của giới chức y tế về mối đe dọa và các triệu chứng, khiến nhiều người vừa sử dụng thuốc Tylenol tin rằng, chính họ có thể đang là nạn nhân.


 

31 triệu lọ Tylenol đã bị thu hồi.

 

Mặc dù không có ca nhiễm độc nào mới liên quan đến thuốc Tylenol ngoài 7 trường hợp đã rõ, nhiều bang và các nhà bán lẻ vẫn có những biện pháp quyết liệt nhằm đảm bảo chặn đứng mối nguy hiểm từ thuốc giảm đau. Một số sở y tế bang đã cấm toàn bộ các sản phẩm Tylenol. Nhiều nhà bán lẻ loại bỏ hoàn toàn các sản phẩm Tylenol khỏi kệ. Các bang và nhà bán lẻ khác thì quyết định tuân theo cảnh báo của Cục Quản lý dược thực phẩm Hoa Kỳ (FDA), chỉ loại bỏ những sản phẩm có cùng số serie với loại thuốc gây tử vong. Dù vậy, uy tín của Tylenol đã bị hủy hoại hoàn toàn, không một ai dám mua loại thuốc cảm này nữa.


Cùng bị ảnh hưởng tới uy tín là Công ty McNeil Consumer Products, nhà sản xuất của Tylenol, và công ty mẹ Johnson&Johnson (J&J). Tương lai của cả hai công ty phụ thuộc chủ yếu vào việc họ có thể xử lý tình huống báo động này ra sao.


Vấn đề chính mà họ đối mặt là loại thuốc từng được tin tưởng bởi hàng triệu người trên khắp thế giới nay lại đồng nghĩa với cái chết. J&J ngay lập tức ra cảnh báo toàn quốc đối với người dân, các bác sĩ và nhà phân phối. Họ cũng tiến hành chiến dịch thu hồi khoảng 31 triệu lọ Tylenol, có tổng trị giá gần 125 triệu USD. J&J còn lập một đường dây nóng khủng hoảng để người tiêu dùng có thể có những thông tin mới nhất về đầu độc, các biện pháp an toàn hay bất cứ thông tin nào liên quan đến thuốc.


 

Sơ đồ các hiệu thuốc bị nhồi xyanua ở Chicago.

Cùng thời gian, J&J đã kiểm tra đồng loạt các nhà máy sản xuất thuốc Tylenol để xác định làm thế nào chất độc xyanua đã lọt vào thuốc trong quá trình sản xuất. Sau cuộc kiểm tra, J&J kết luận, chất xyanua đã không lọt vào các lọ thuốc tại nhà máy. Như vậy chỉ còn một khả năng còn lại: ai đó đã cố tình đổ thuốc từ các chai Tylenol ngay trên kệ tại những cửa hàng nơi chúng được bán ra, tống đầy xyanua vào trong các viên con nhộng và đặt trở lại chỗ cũ.


Tuy nhiên, các nhà điều tra không có bất cứ bằng chứng nào hé lộ nghi phạm thực hiện tội ác và nỗi lo sợ chết chóc tiếp tục gia tăng chừng nào họ chưa bắt được “kẻ khủng bố thuốc cảm”.


Ngày 2/10/1982, một lọ Tylenol nhiễm độc khác lại được cảnh sát phát hiện từ lô thuốc được dỡ bỏ khỏi một hiệu thuốc ở ngoại ô Chicago. Hàng ngàn lọ thuốc đã được đưa đi kiểm tra để tìm dấu vết xyanua. Trong khi các nhà điều tra không thể lường được có bao nhiêu lọ thuốc khác đã nhiễm độc, một bầu không khí hoảng sợ bao trùm khắp nước Mỹ. Công ty J&J đã treo thưởng 1.000 USD cho người cung cấp thông tin giúp bắt giữ kẻ khủng bố bí ẩn.


Các nhà điều tra phát hiện ra rằng, những viên thuốc chứa xyanua được đặt tại 6 cửa hàng ở Chicago và một đại lý bán lẻ không được tiết lộ tên khác. Mỗi cửa hàng đều có một lọ thuốc bị nhiễm xyanua, với từ 3 - 10 viên thuốc nhiễm độc, ngoại trừ cửa hàng Osco Drug có hai lọ thuốc tử thần được tìm thấy.


Họ suy đoán rằng, các cửa hàng đã được chọn một cách ngẫu nhiên. Tuy nhiên vẫn có khả năng kẻ khủng bố có thể đã cố ý lựa chọn các địa điểm trên vì những lý do nào đó. Một số suy đoán, tên khủng bố có thể có tâm lý thù hận với nhà sản xuất của Tylenol, hoặc chính những cửa hàng nơi thuốc nhiễm độc được tìm thấy. Hắn cũng có thể đã sống gần với khu vực các hiệu thuốc này.


Sau một loạt xét nghiệm với những viên thuốc, các nhà độc tố học tiết lộ loại chất độc cụ thể được sử dụng là kali xyanua. Chất này được sử dụng chủ yếu trong các ngành công nghiệp như khai thác vàng, bạc, sản xuất phân bón, cán thép, xử lý phim và sản xuất hóa chất. Vì vậy, nhiều khả năng kẻ đầu độc đã lấy được xyanua từ những nguồn trên và có thể làm một công việc liên quan.


Tuy vậy, vẫn có quá ít bằng chứng để các nhà điều tra tìm ra danh tính kẻ thủ ác. Không lâu sau các vụ giết người, họ bắt đầu một chiến dịch săn lùng trên toàn quốc đối với kẻ khủng bố Tylenol. Mặc dù thuốc độc có tiền sử là loại vũ khí thường được phụ nữ sử dụng để giết người, các nhà điều tra đã tập trung hướng điều tra vào một nghi phạm nam. Không đầy một tháng sau các vụ đầu độc, cảnh sát đã bắt được nghi phạm đầu tiên.


Bạch Đàn

 

Đón đọc kỳ 3: Nghi phạm đầu tiên

Khủng bố thuốc cảm Tylenol - Kỳ 1: Cái chết trong lọ
Khủng bố thuốc cảm Tylenol - Kỳ 1: Cái chết trong lọ

Ngày 29/9/1982, bé gái Mary Kellerman, 12 tuổi, sống tại làng Elk Grove, bang Illinois, thức dậy từ sớm mò sang phòng ngủ của bố mẹ. Cô bé thấy mệt, kêu đau họng và sổ mũi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN