Cơn ác mộng mang tên “Giấc mơ bay” - P2

Sở dĩ Boeing phải liên tiếp trì hoãn chuyển giao máy bay cho đối tác là do có một loạt các vấn đề nảy sinh trong quá trình sản xuất. Đầu tiên là do có những bong bóng xuất hiện trong quá trình dập các mảnh ghép vốn được làm từ các tấm sợi carbon ở phần thân máy bay.


Thứ đến là việc thiếu các đinh tán và ốc. Bộ phận thăng bằng theo phương nằm ngang và bộ phận nối giữa cánh và thân máy bay cũng đòi hỏi phải được hoàn thiện lại.


 

Tổng Giám đốc điều hành Boeing, McNerney, gần đây thừa nhận kế hoạch sản xuất máy bay Boeing 787 có lẽ đã “quá tham vọng”

 

Chưa hết, tháng 11 năm ngoái, việc hộp điều khiển bỗng dưng bốc cháy trong một chuyến bay thử nghiệm đã gây ra một phản ứng dây chuyền, khiến các hệ thống quan trọng trên máy bay ngừng hoạt động. Điều đó có nghĩa là Boeing phải xem xét lại một cách kỹ lưỡng hệ thống cung cấp điện và cài đặt phần mềm điều khiển mới.


Các mẫu máy bay mới khác - chẳng hạn như Airbus A380 - cũng có những tai nạn và trục trặc trong các năm gần đây. Nguyên nhân của hầu hết các trường hợp này đều xuất phát từ việc nhà sản xuất quá tham vọng khi đặt ra mốc thời gian hoàn thành quá ngắn và áp dụng quá nhiều công nghệ mới cho các loại máy bay này.


Tuy vậy, các nhân tố trên chưa đủ để lý giải cho mức độ rủi ro của Boeing. Thực tế, các nhà quản lý của công ty này là nạn nhân của một sự “chuyển dịch” mà chính họ đã tạo ra trước khi quyết định chế tạo Boeing 787. Quá trình chuyển dịch này bắt đầu với việc Boeing sáp nhập với đối thủ cạnh tranh McDonnell Douglas vào cuối những năm 1990. Harry Stonecipher, cựu Giám đốc điều hành của McDonnell Douglas và sau này nắm quyền lãnh đạo Boeing, cảm nhận rằng, so với khoản đầu tư lớn và những rủi ro liên quan hoạt động chế tạo máy bay chỉ mang lại thì kết quả mà họ đạt được lại rất khiêm tốn. Ông và các đồng nghiệp bắt đầu tìm kiếm phương pháp chế tạo Boeing 787 với phương châm sử dụng càng ít các nguồn lực của công ty càng tốt. Giải pháp mà họ tìm ra là ký hợp đồng với hàng loạt các nhà thầu phụ.


 

Lãnh đạo hai công ty trong buổi họp báo tuyên bố việc Boeing sáp nhập với đối thủ cạnh tranh McDonnell Douglas.

Tổng công ty mới được sáp nhập chắc chắn sẽ có đủ nguồn lực tài chính cần thiết để tự sản xuất, nhưng các quan chức chóp bu hẳn nhiên mong muốn sử dụng lượng tiền mặt để mua lại cổ phần của chính công ty. Điều này khiến cho cổ phiếu của công ty tăng giá. Nó không chỉ mang lại lợi ích cho ban giám đốc mà còn cho bản thân Stonecipher, một trong những cổ đông lớn nhất của công ty.


“Boeing theo đuổi chiến lược giải ngân đồng đều nhằm bảo đảm rằng nó đáp ứng các mục tiêu cung cấp tài chính cho các hoạt động hiện nay của công ty, đầu tư cho tăng trưởng trong tương lai và để đảm bảo lợi nhuận thích hợp cho các cổ đông thông qua việc phân chia cổ tức và mua lại cổ phiếu”, người phát ngôn của công ty nói.


Trong khi đó, một số nhà thầu phụ của Boeing bị quá tải bởi phần công việc được giao. Một số thậm chí còn chuyển hợp đồng của họ cho các công ty khác, khiến cho công tác liên lạc và phối hợp trong sản xuất trở nên rắc rối hơn.


 

Hộp điều khiển bỗng dưng bốc cháy trong một chuyến bay thử nghiệm.

 

Các bộ phận được chuyển đến nhà máy lắp ráp cuối cùng của Boeing ở Seattle thường là chưa được hoàn chỉnh. Ý tưởng ban đầu là lắp ráp các bộ phận hoàn chỉnh lại với nhau, kiểu Lego, không thành hiện thực.


Một vấn đề khác là kích thước khổng lồ của các bộ phận ở phần thân cũng đôi khi vượt quá mức độ sai số cho phép, mà trong trường hợp của Boeing 787, kích thước các bộ phận phải chính xác tới milimét.


Trong tình cảnh tuyệt vọng, Boeing không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp nhận lại phần công việc của một số nhà thầu phụ. “Chúng tôi đã đi quá xa trong việc ký kết các hợp đồng với các công ty”, Jim Albaugh, Giám đốc điều hành bộ phận máy bay thương mại của Boeing, phát biểu trong một buổi trả lời phỏng vấn gần đây của tờ Thời báo Seattle. “Giờ đây, chúng tôi cần phải cẩn trọng hơn”.


Ông chủ của Albaugh, Tổng Giám đốc điều hành của Boeing McNerney, gần đây thừa nhận kế hoạch sản xuất máy bay Being 787 có lẽ đã “quá tham vọng”.


Kết luận đó được đưa ra quá muộn. Từ đầu tháng 2/2001, cựu giám đốc của McDonnell Douglas John Hart - Smith, một kỹ sư kinh nghiệm, cảnh báo về tình trạng thuê các công ty bên ngoài quá nhiều tại một hội nghị của Boeing. “Việc giảm biên chế quá mức có thể gây hại cho công ty”, ông nói với các đồng nghiệp. “Nó có thể đẩy công ty xuống dưới điểm tới hạn về công nghệ cần thiết cho việc phát triển các sản phẩm trong tương lai”. Nhưng những lời cảnh báo của ông bị bỏ ngoài tai.
Boeing sẽ không đưa ra con số chính xác về khoản chi phí bổ sung cho những điều chỉnh kỹ thuật, hỗ trợ các nhà thầu và tiền phạt vì quá hạn hợp đồng, nhưng các chuyên gia trong ngành công nghiệp này ước tính số tiền đó có thể hơn 10 tỉ USD.


Cho đến nay, lượng tiền này chỉ có ảnh hưởng nhất định trên bảng quyết toán thu nhập của công ty. Không giống với công ty Airbus, Boeing có thể phân bổ những chi phí này trong một khoảng thời gian dài và ngoài ra một số lượng lớn máy bay hoặc là đã được bán hoặc sẽ vẫn được đặt hàng. Tuy vậy, cuối tháng giêng vừa rồi, công ty này thừa nhận, lợi nhuận năm nay có thể giảm tới 15%, do những trì hoãn trong việc chuyển giao loại máy bay Boeing 787.


Thời gian tới đây sẽ cho thấy liệu dự án đầy tham vọng này có vượt qua được trở ngại và thành công hay không. Boeing hy vọng cuối cùng sẽ được các cơ quan của Mỹ và châu Âu cấp phép cho loại máy bay phản lực mới của hãng này. “Boeing đang đạt được tiến bộ trong chương trình chế tạo Boeing 787”, người phát ngôn công ty cho biết. “Chúng tôi đang tái định hướng và điều chỉnh lại ở những khâu cần thiết”.


Nếu mọi thứ diễn ra theo kế hoạch, Boeing sẽ chuyển giao khoảng mười máy bay hoặc hơn trong năm nay. Nhưng các nhà quản lý của Boeing có thể lại một lần nữa phải nuốt trái đắng. “Tôi không biết họ sẽ hoàn thành chương trình này như thế nào”, một giám đốc cao cấp của công ty Airbus nói. “Thông thường trong ngành công nghiệp của chúng tôi, bạn sẽ cần ít nhất hai lần lượng thời gian đó cho một dự án đầy tham vọng như vậy.



Khánh Chi (tổng hợp)

Cơn ác mộng mang tên “Giấc mơ bay” - P1
Cơn ác mộng mang tên “Giấc mơ bay” - P1

Trong năm đầu tiên đưa vào hoạt động, máy bay Dreamliner đã gặp phải những vấn đề với hệ thống điện và rò rỉ nhiên liệu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN