Cái chết bí ẩn của “thược dược đen”: Kỳ cuối: Những kẻ tình nghi

Sở cảnh sát Los Angeles nay đã ngừng phỏng đoán về danh tính kẻ giết “thược dược đen”. Nguyên nhân là kẻ giết người nhiều khả năng đã chết, không vì bệnh tật cũng vì tuổi già và sẽ không bao giờ bị đưa ra trước công lý. Tuy nhiên, thực tế này không ngăn nổi các “thám tử nghiệp dư” dấn thân tìm cách giải quyết vụ án và đưa ra những kết luận nhiều khi rất hoang đường.


Mary Pacios, bạn thuở nhỏ và là hàng xóm của Elizabeth Short, cáo buộc tội sát nhân cho đạo diễn phim Orson Welles, cho rằng ông đã làm một hành động ma thuật để cưa đôi xác Short. Trong cuốn sách "Kẻ sát nhân thược dược đen là bố tôi", một chuyên gia về quan hệ công chúng tên là Janice Knowlton cho rằng bố cô chính là người giết "thược dược đen". Cô viết rằng nhờ một liệu pháp điều trị mà cô đã khôi phục được ký ức khi còn bé. Khi đó, bố cô đã bắt cô phải chứng kiến cảnh ông hành hạ, giết hại và chặt xác Short. Knowlton còn cáo buộc bố cô giết chết 9 người khác. Cuốn sách thất bại thảm hại nhưng Knowlton chỉ trích bất kỳ bài viết nào không ủng hộ tuyên bố của cô.


 

Robert Manley với máy kiểm tra nói dối.

 

Ngoài những tuyên bố đó, trong suốt 60 năm qua, người ta còn đặt ra nhiều giả thuyết về kẻ sát nhân. Trong số đó, Robert Manley là một trong những kẻ bị tình nghi vì anh ta là người cuối cùng thấy Short còn sống. Lúc đầu anh ta bị cảnh sát coi là kẻ tình nghi nhưng được thả sau khi vượt qua cuộc kiểm tra nói dối. Manley gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần trong một thời gian dài và nhập viện tâm thần năm 1954. Trong năm đó, bác sĩ đã tiêm một liều thuốc để khai thác thông tin về kẻ sát nhân "thược dược đen" nhưng anh ta lại vượt qua được cuộc kiểm tra. Manley qua đời năm 1986.


Một người bị tình nghi khác là Mark Hansen - một người có tên trong cuốn sổ địa chỉ của Short. Hansen là một người gốc Đan Mạch 55 tuổi, quản lý hộp đêm Florentine Gardens ở Hollywood. Nhiều phụ nữ trẻ làm việc cho Hansen đến sống ở nhà ông ta phía sau hộp đêm. Short cũng là khách của Hansen trong một vài tháng năm 1946. Người ta đồn rằng ông ta đã tìm cách ăn nằm với Short nhưng không thành công.


Năm 2003, một thám tử về hưu của Sở cảnh sát Los Angeles tên là Steve Hodel đã xuất bản một cuốn sách theo kiểu "bố tôi giết thược dược đen" của Knowlton. Chỉ khác một điều là cuốn "Kẻ trả thù thược dược đen: Một thiên tài giết người" lại trở thành một cuốn sách bán chạy trên cả nước Mỹ. Trong cuốn sách, Hodel miêu tả bố mình là một bạo chúa, một người ghét cay đắng đàn bà. Sau khi bố Hodel chết năm 1999, ông đã lấy được quyển album ảnh riêng của bố ông, trong đó có hai bức ảnh chụp một phụ nữ tóc đen. Hodel tuyên bố rằng đó chính là Short. Tuy nhiên, gia đình Short đã không công nhận đó là Short.


 

Bia mộ của Elizabeth Short.

 

Thêm một giả thiết về kẻ sát hại Elizabeth Short được đặt ra trong cuốn sách "Sự thật về vụ giết hại thược dược đen". Trong đó nam diễn viên kiêm tác giả viết sách về tội phạm John Gilmore cho rằng một kẻ nghiện rượu tên là Jack Wilson đã giết Short. Khi Gilmore phỏng vấn Wilson đầu những năm 1980, anh ta đã cung cấp những chi tiết mà chỉ có kẻ sát nhân mới có thể biết, trong đó có thông tin Short bị khiếm khuyết phần kín khiến cô không thể quan hệ tình dục. Vài ngày trước khi lệnh bắt được đưa ra, Wilson đã chết trong một vụ cháy khách sạn. Độ tin cậy của cuốn sách đã bị nghi ngờ khi nhiều người quan tâm đến vụ "thược dược đen" không thể xác minh được thông tin mà Gilmore đưa ra.


Năm 1997, một nhà báo của tờ Los Angeles Times tên là Larry Harnisch lại đưa ra một kẻ tình nghi khác: Walter Alonzo Bayley, một bác sĩ phẫu thuật sống cách nơi xác Short được tìm thấy chỉ một tòa nhà. Con gái ông Bayley là bạn của chị gái Short. Nhà báo Harnisch cho rằng ông Bayley bị bệnh suy não khiến ông giết hại Short. Qua các vết cắt, cảnh sát cho rằng kẻ sát hại Short có thể là bác sĩ phẫu thuật hoặc một người làm nghề đồ tể. Lúc xảy ra vụ án mạng, ông Bayley 67 tuổi và không biết về các chi tiết vụ án.


Tuy nhiên, Sở cảnh sát Los Angeles không đồng tình với những giả thiết trên. Đến nay, nhiều bằng chứng đã biến mất trong hồ sơ vụ "thược dược đen", trong đó có 13 bức thư mà kẻ sát nhân gửi cho cảnh sát và báo chí. Do đó, vụ án mạng rùng rợn này có thể sẽ không bao giờ được giải quyết.


Sáu thập kỷ sau cái chết của Elizabeth Short, năm 2006, đạo diễn Brian De Palma đã ra mắt bộ phim “Thược dược đen” (Black Dahlia) dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của James Ellroy với dàn diễn viên nổi tiếng gồm Josh Hartnett, Scarlett Johansson, Aaron Eckhart và Hilary Swank. Phim được trình chiếu lần đầu tại lễ khai mạc Liên hoan phim Venice lần 63 ngày 30/8/2006 và được phát hành rộng rãi từ ngày 15/9/2006. Dù thất bại cả về mặt tài chính và bị giới phê bình chê bai nhưng bộ phim vẫn được đề cử giải Oscar cho hạng mục quay phim xuất sắc nhất.


Short được chôn cất tại nghĩa trang Mountain View ở Oakland trong một lễ tang lặng lẽ chỉ có 6 người thân trong gia đình tham dự. Một nhóm cảnh sát cũng có mặt đề phòng kẻ sát nhân xuất hiện.


Cuối cùng, khi nằm trong lòng đất, Short không còn là bông thược dược đen bí ẩn, không còn là nạn nhân của một vụ án bi kịch. Đơn giản, cô nằm yên nghỉ với tư cách em gái của một ai đó, con gái của một ai đó.


Một thám tử đã chốt lại vụ án “thược dược đen” bằng một câu: “Càng tìm hiểu nhiều, bạn càng biết ít về vụ án này”.


Thùy Dương

Cái chết bí ẩn của “thược dược đen”-Kỳ 3: Những ngày cuối cùng
Cái chết bí ẩn của “thược dược đen”-Kỳ 3: Những ngày cuối cùng

Sáu tháng cuối cùng của cuộc đời, Short đã sống trong hàng chục khách sạn, căn hộ, nhà trọ ở California. Cô tìm mọi cách để có chỗ ở không mất tiền hoặc chỉ phải trả càng ít càng tốt. Cô sống trong tình trạng lúc nào cũng thiếu tiền bạc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN