Bóng hồng làm rối ren Nội các Mỹ -Kỳ 3: Nội các rối ren

Floride Calhoun, vợ của John C. Calhoun - người bang South Carolina, từng phục vụ John Quincy Adams trong vai trò phó tổng thống và sẽ vẫn giữ cương vị đó dưới thời của tổng thống Jackson - đã chấp nhận chuyến thăm có tính chất xã giao đến gia đình Eaton sau lễ cưới của họ. Tuy nhiên, cô kiên quyết từ chối đến thăm, mà theo nghi lễ ngoại giao có thể được coi như là một sự coi thường có tính toán. Điều này khiến John Calhoun cho rằng: “Một sự cự tuyệt như vậy có lẽ sẽ gây ra những khó khăn cho tôi”.


 

Sự bướng bỉnh của Floride Calhoun là nguyên nhân hủy hoại sự nghiệp của chồng vào đúng lúc ông lên đỉnh vinh quang nhất.

 

Lo sợ rằng hệ quả của vụ om xòm này có thể phương hại đến cuộc bầu cử tổng thống, một số người thuộc phe của Jackson cố gắng thuyết phục ông không đưa Eaton vào trong danh sách nội các. Tuy nhiên, Jackson đã tuyên bố, khi ông đã quyết định thì không ai có thể khiến ông thay đổi được. Kể từ khi Rachel qua đời, ông cảm thấy cần có tình bạn của Eaton hơn nữa, và ông chọn cách không bỏ mặc bạn mình chỉ đơn giản bởi sự công kích của “những kẻ không ưa” sự đoan chính của Margaret. Jackson được cho là đã từng chỉ trích một kẻ gièm pha Eaton: “Ông có nghĩ rằng, tôi được đặt lên vị trí này bởi những người đã hỏi ý kiến của những quý cô ở Oasinhtơn rằng họ có phải là người thích hợp để tham gia nội các của tôi không?”. Ngay sau đó, Jackson tuyên bố chỉ định Eaton làm Bộ trưởng Chiến tranh của ông.


Hy vọng về vị trí danh giá này có thể giúp phục hồi lại tiếng tăm của Margaret đã tan thành mây khói ngay tại lễ nhậm chức của Jackson hồi tháng 3/1829, khi phu nhân của những thành viên nội các khác bày tỏ thái độ khinh miệt “người bạn bé bỏng” của vị tổng thống thứ bảy.


Theo nhà sử học hiện đại Robert V. Remini, tại phòng khánh tiết vào buổi tối diễn ra lễ nhậm chức tổng thống, các quý bà khác đã “cố tình không nhận ra sự có mặt và vẻ đẹp lộng lẫy của Margaret Eaton”.


 

Bức tranh khắc họa vai trò trung tâm của phụ nữ trong nội các của Tổng thống Andrew Jackson.

 

Trong những tháng đầu tiên cầm quyền, Jackson có ý định tập trung nỗ lực thay thế những nhân vật thối nát. Tuy nhiên, ông bị ám ảnh bởi những gì Ngoại trưởng Martin Van Buren nói về “hội chứng Eaton”. Jackson quyết định hoãn tổ chức bữa tiệc nội các sau lễ nhậm chức, lo sợ xảy ra “chiến tranh” giữa bà Eaton và các bà vợ còn lại của các thành viên nội các. Vị tổng thống càng bỏ bê việc quốc gia đại sự và bị cuốn vào việc bảo vệ Margaret - bất chấp việc cô phản đối rằng mình “không muốn được tôn trọng phẩm hạnh hơn bất kỳ người phụ nữ nào trên mảnh đất này”.


Tối 10/9/1829, Jackson quyết định rằng nếu sự việc này không chấm dứt, ông phải có hành động quyết đoán. Với việc Phó Tổng thống Calhoun bận việc riêng ở bang South Carolina và John Eaton không được mời đến, tổng thống triệu tập phần lớn những thành viên trong nội các, cộng thêm các đức cha John N. Campbell và Ezra Stiles Ely, những người gần đây đã chỉ trích đạo đức của Margaret. Mặc dù đang mắc phải căn bệnh phù nề, đau ngực, và những cơn đau đầu tái phát, vị tổng thống 62 tuổi tiếp tục đưa ra những bằng chứng - lời khai từ những người đã từng quen biết bà Eaton - rằng ông tuyên bố tha thứ cho những hành vi sai trái của cô. Khi một vị bộ trưởng đứng lên phản đối, Jackson quên rằng Margaret là mẹ của hai đứa con sau đám cưới với John Timberlake khi ông khăng khăng: “Cô ấy trong trắng như một trinh nữ!”.


 

Ngoại trưởng Martin Van Buren.

Cho rằng vấn đề đã được giải quyết, Jackson cuối cùng cũng tổ chức bữa tiệc nội các vào tháng 11/1829. Mặc dù không gây ra bất kỳ sự cố đáng tiếc nào, nhưng không khí khó chịu và căng thẳng bao trùm trong suốt buổi tiệc. Các vị khách ăn uống vội vàng để tránh không phải nói chuyện với vợ chồng Eaton hoặc về gia đình Eaton. Bữa tiệc tiếp theo dưới sự chủ trì của Ngoại trưởng Van Buren thu hút được sự tham gia của mọi thành viên trong nội các - nhưng vợ của họ vờ kiếm cớ để không tham dự khi biết Margaret cũng tham gia sự kiện này.


Đến mùa xuân năm 1830, Jackson tin rằng tình hình rối ren không chỉ bắt nguồn từ sự thông đồng của các thành viên nội các, mà còn từ kế hoạch của những đối thủ của ông. Ban đầu ông cho rằng, âm mưu này bắt nguồn từ đối thủ cạnh tranh nổi tiếng của ông ở bang Kentucky tên là Henry Clay, người trực tiếp được hưởng lợi từ những rắc rối, phiền toái và khó khăn của ông. Lúc này, ông cũng đã nhận thấy nội các bị chia rẽ bởi “chuyện tình Margaret”. Tuy vậy, Tổng thống Jackson vẫn chưa nhận ra rằng, những người phản đối mạnh mẽ gia đình Eaton nhất cũng chính là những người ủng hộ John Calhoun mạnh nhất - một người mà ông bắt đầu cảm thấy không tin tưởng.


Là người cao, gầy và tính cách nghiêm chỉnh, Calhoun đã giúp Jackson trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Và nhiều người cho rằng, ông sẽ là người kế tục Jackson. Tuy nhiên, vị phó tổng thống này đã lánh mặt trong những năm sóng gió đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống mà Jackson phải gánh chịu. Những gì mà tổng thống nhớ được về thời gian ngắn ngủi của Calhoun ở đó - đáng chú ý có việc vợ ông ta, Floride, từ chối đáp lại lời kêu gọi hòa giải của Margaret Eaton - đã khiến ông quyết định không dùng con người này nữa. Một thế kỷ sau, nhà sử học J.H. Eckenrode nhận xét rằng, chính người vợ ngốc nghếch và hão huyền của Calhoun là người đã hủy hoại sự nghiệp của chồng vào đúng lúc ông lên đỉnh vinh quang nhất. Chắc chắn sự bướng bỉnh của Floride Calhoun, khi kết hợp với những bất đồng chính sách giữa chồng bà và Jackson - nhất là về vấn đề liệu các bang có nên được phép bãi bỏ các đạo luật liên bang - đã dẫn đến sự chia rẽ sâu sắc giữa hai con người ở vị trí cao nhất của đất nước.


Khánh Chi (tổng hợp)

 

Đón đọc kỳ cuối: Hồi kết cuộc tình sóng gió

Bóng hồng làm rối ren Nội các Mỹ - Kỳ 2: Mắc tội vì lẳng lơ
Bóng hồng làm rối ren Nội các Mỹ - Kỳ 2: Mắc tội vì lẳng lơ

Những câu chuyện tình khá phong phú của Margaret cộng với thực tế Margaret Timberlake phục vụ trong quán rượu của gia đình đã khiến những người khác ở thủ đô cho rằng cô là một người đàn bà lẳng lơ và dễ dãi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN