09:04 08/09/2012

Vụ ám sát tay chân độc ác nhất của Hitler - Kỳ cuối: Tử thủ

Vài tuần trôi qua, những người lính biệt kích trốn trong nhà thờ rơi vào tình trạng tuyệt vọng, gần như bị hoảng loạn tinh thần. Heydrich đã chết nhưng cá nhân họ cảm thấy có trách nhiệm trước những vụ trả thù ngày càng dã man nhằm vào những người dân thường vô tội.

Vài tuần trôi qua, những người lính biệt kích trốn trong nhà thờ rơi vào tình trạng tuyệt vọng, gần như bị hoảng loạn tinh thần. Heydrich đã chết nhưng cá nhân họ cảm thấy có trách nhiệm trước những vụ trả thù ngày càng dã man nhằm vào những người dân thường vô tội. Bị biệt lập với thế giới bên ngoài, họ thậm chí đã tính đến khả năng tự vẫn trong một công viên sau khi đã treo các tấm biển dưới cổ nhận trách nhiệm gây ra vụ ám sát Heydrich.


 

Một đội cứu hỏa được gọi đến để làm ngập khu hầm mộ.

 

Nhưng rốt cục, số phận của họ lại được định đoạt bởi sự phản bội. Sau khi không phát hiện thấy manh mối nào của vụ án, ngày 13/6/1942, phát xít Đức tuyên bố lệnh ân xá cho bất kỳ người nào đứng ra cung cấp thông tin về danh tính của những kẻ tiến hành vụ ám sát, kèm theo một khoản tiền thưởng trị giá 1 triệu mác. Vài ngày sau, dưới áp lực của gia đình, Curda bắt tàu lên Praha và ra đầu thú. Trong vòng vài tiếng đồng hồ, anh ta đã kể ra danh tính của những người lính dù và địa chỉ của một số cơ sở bí mật ở Praha.


Gestapo hành động ngay lập tức. Tại một trong các cơ sở bí mật, gia đình Moravec bị bắt giữ lúc 5 giờ sáng ngày 17/6. Maria Moravcova cố gắng nuốt một viên thuốc độc xyanua; con trai bà, Vlastimil, cùng chồng của bà bị bắt và tra tấn dã man. Vlastimil cắn răng chịu đựng gần hết một ngày. Cuối cùng, những kẻ tra khảo anh bắt anh uống rượu say và sau đó mang thủ cấp của mẹ anh lúc này đang nổi lềnh bềnh trong một bể cá cảnh ra trước mặt anh. Vlastimil bị mềm lòng và buột miệng nói ra tên của nhà thờ, nơi mà anh đã được dặn đến ẩn nấp nếu gặp rắc rối.


 

Gian giữa của giáo đường, nơi diễn ra cuộc giao tranh giữa những tên lính SS và lực lượng biệt kích.

 

Đó là thời khắc mà phát xít Đức chờ đợi từ lâu. Trong vòng vài giờ, 700 tên lính SS tinh nhuệ bao vây nhà thờ trung tâm. Lúc hơn 4 giờ 10 sáng, một người trông coi nhà thờ mở cửa cho chúng vào gian giữa của giáo đường, nơi chúng được “chào đón” bởi một quả lựu đạn do một trong ba người lính biệt kích lúc này đang ẩn nấp ở vị trí của đội hợp xướng nhà thờ quăng ra. Với quyết tâm bắt sống thủ phạm, lực lượng SS mất hai tiếng giao tranh với những người tử thủ bên trong. Cuối cùng khi hết đạn, ba người - trong đó có Kubis - nuốt các viên xyanua và tự sát bằng súng.


Gabcík và những người lính dù khác lúc này đang lẩn trốn trong một hầm mộ nhà thờ. Chỉ huy Gestapo đưa Curda vào để khuyên họ đầu hàng. Gọi với qua tấm lưới che cửa hầm mộ, hắn được chào đón bằng một loạt đạn.


Tiếp theo, một đội cứu hỏa được gọi đến để làm ngập khu hầm mộ. Những người bị bao vây bên trong cắt đứt và đẩy vòi nước ra phía ngoài. Họ cũng ném trả lựu đạn cay. Thậm chí, khi một tiểu đội lính SS được điều đến khu hầm mộ để khống chế những người lính dù, bọn chúng bị phục kích trong bóng tối, trong khu hầm mộ ngập nước và buộc phải tháo lui.


Cuối cùng, sau hơn 6 giờ giao tranh, lực lượng SS sử dụng thuốc nổ để phá toang cửa chính dẫn vào khu hầm mộ. Trước khi bọn chúng ập vào, bốn tiếng nổ vang lên. Giống như Kubis, Gabcík và các đồng đội đã lựa chọn cách tự vẫn để không bị rơi vào tay quân địch.


Trận giao tranh kết thúc nhưng các cuộc trả thù vẫn tiếp diễn. Hàng trăm nhà hoạt động bí mật cùng gia đình họ - bao gồm cả gia đình của những người lính biệt kích dù đã cố thủ trong khu hầm mộ - bị bắt giữ và xử tử, cùng với những vị linh mục đã che chở cho họ.


Khi Chiến tranh Thế giới thứ II kết thúc, nhiều người Séc từng hợp tác với phát xít Đức - trong đó có Curda - bị chính phủ Séc kết tội phản quốc và xử tử. Trong phiên xét xử, khi được hỏi tại sao phản bội đồng đội, Curda nhún vai mà nói rằng: “Tôi nghĩ ông cũng sẽ hành xử như thế với một triệu mác”.


Năm 1989, Gabcík và Kubis được truy tặng danh hiệu anh hùng dân tộc. Khu hầm mộ của nhà thờ ở trung tâm thủ đô Praha, nơi họ đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, giờ được xây dựng thành một bảo tàng, đồng thời là nơi tưởng niệm.


Vụ ám sát này không thể là động cơ dẫn đến một cuộc tổng nổi dậy như người Séc mong đợi nhưng đã tạo ra một tiếng vang lớn. Chính quyền phát xít Đức không còn cảm thấy yên ổn. Và ở vào thời điểm đó, sự hy sinh của Kubis và Gabcík cùng với hàng nghìn người khác đã cho các nước đồng minh thấy rằng, sự thống trị của chủ nghĩa phát xít ở châu Âu không phải là không thể bị lật đổ.


Đình Vũ (tổng hợp)