05:01 07/05/2012

Vụ ám sát Olof Palme - Vết thương còn rỉ máu-Kỳ cuối: Những sai lầm đáng ngờ trong điều tra

Tuy nhiên, theo nhiều tài liệu và nhân chứng, đồn cảnh sát Norrmalm chịu trách nhiệm về an ninh ở trung tâm Xtốckhôm có những dấu hiệu bất thường trong buổi tối hôm ông Palme bị sát hại. Đây là một đồn có nhiều cảnh sát có tư tưởng cực hữu, trong đó có người công khai thừa nhận thù ghét Palme.

Tuy nhiên, theo nhiều tài liệu và nhân chứng, đồn cảnh sát Norrmalm chịu trách nhiệm về an ninh ở trung tâm Xtốckhôm có những dấu hiệu bất thường trong buổi tối hôm ông Palme bị sát hại. Đây là một đồn có nhiều cảnh sát có tư tưởng cực hữu, trong đó có người công khai thừa nhận thù ghét Palme.


 

Thủ tướng Palme khiêu vũ với vợ. Trong cuộc sống riêng tư, ông muốn được sống bình thường như mọi người.

 

Nhiều nhân chứng cho biết họ nhận thấy có nhiều người mang theo máy bộ đàm. Một nhân viên điều tra sau này nhận xét: "Olof Palme đã bị bao vây, ông không có cơ hội thoát chết!".


Một Ban điều tra án mạng không được điều tra vụ này, mà đích thân cảnh sát trưởng Xtốckhôm Hans Holmer đảm nhận việc phụ trách điều tra. Trong công việc điều tra, ông hoàn toàn không có kinh nghiệm, nhưng ông nổi tiếng là một người tuy thuộc đảng Xã hội Dân chủ nhưng có tư tưởng cánh hữu. Holmer nguyên là người đứng đầu cơ quan mật vụ Saepo, được thành lập từ những năm 1940 với sự giúp đỡ của Gestapo Đức. Giờ đây, Saepo được giao nhiệm vụ điều tra về vai trò của cảnh sát trong vụ sát hại Palme. Dĩ nhiên là mọi việc yên ổn, như Carl Lidbom, nguyên là một bộ trưởng, thanh sát viên của Saepo nhận xét.


 

Biển đồng ghi dấu nơi ông Olof Palme bị sát hại.

Trước khi vụ án mạng xảy ra, Lidbom tổ chức một cuộc gặp gỡ của những đảng viên XHDC cao cấp nhằm thuyết phục Palme đi nhận một chức vụ cao của LHQ. Sau vụ ám sát, Lidbom tuyên bố: "Điều tốt nhất đối với mọi người liên quan là vụ sát hại Palme không bao giờ được đưa ra ánh sáng". Phát biểu này đã được nhiều nhật báo Thụy Điển đăng tải. Lidbom và Holmer khẳng định không ở Xtốckhôm vào buổi tối mà ông Palme bị bắn chết. Nhưng có đúng vậy không?


Rolf Dahlgren, lái xe cho các chính khách và các nhân viên mật vụ đã bác lại sự khẳng định này. Ông cho biết đã chở Holmer và Lidbom đi quanh Xtốckhôm tối hôm đó. Đặc biệt, ông đã nhiều lần đưa Holmer tới gần hiện trường để gặp gỡ nhân viên bí mật. Sau một lần gặp, Holmer kể với người lái xe là Olof Palme vừa bị bắn chết. Vì sao ông ta biết điều đó? Bảy phút sau vụ án mạng, trước khi cảnh sát xuất hiện, Holmer đã bảo Dahlgren đi chầm chậm qua hiện trường, nhưng ông ta không ra khỏi xe. Dahlgren tỏ ra nhạc nhiên, nhưng ông được lưu ý là có nghĩa vụ phải im lặng.


 

Ngoại trưởng Anna Lindh, người tâm huyết với di huấn của Thủ tướng Palme cũng bị sát hại khi đi mua sắm mà không có vệ sĩ bảo vệ.

 

Nhưng nhiều năm sau, Dahlgren đã kể lại cho một nghị sĩ quốc hội điều này. Khi thông tin này được điều tra, Dahlgren bị gây sức ép phải phủ nhận việc đã cùng với ai ở hiện trường đêm hôm đó. Và đột nhiên Dahlgren bị chết trong những tình huống mờ ám. Bạn đời của ông, cũng là một cảnh sát, đã phát hiện ông bị chết bên nhiều chai rượu. Bà tin rằng đây không phải là một cái chết tự nhiên, vì Dahlgren ít uống rượu và nếu uống thì uống loại rượu có nhãn hiệu khác. Nhưng người ta không mổ Dahlgren để khám nghiệm tử thi và ngay lập tức loại trừ khả năng có tác nhân từ bên ngoài.


Nghị sĩ Jerry Martinger thuộc đảng bảo thủ đối lập mà Dahlgren kể lại điều bí mật quyết định tiếp tục theo đuổi vụ việc. Nhưng ông bị cảnh báo sẽ phải hứng chịu hậu quả. Khi ông gửi báo cáo lên Viện công tố tối cao thì cũng là lúc ông bị tố cáo quấy rối tình dục người khác trong một phòng điện thoại. Không cần có bằng chứng, ông bị kết tội và mất chức nghị sĩ quốc hội.


Ngày 17/8/1995, sau khi vị Bộ trưởng Tài chính trả lời phỏng vấn trên một tờ báo lớn, đòi phải điều tra những cảnh sát bị tình nghi thì đêm hôm sau, có 2 người leo lên mái nhà riêng của Thủ tướng Ingvar Carlsson, nhưng những mật vụ bảo vệ Carlsson lại nói rằng không biết. Một đơn vị canh gác tư nhân đã báo với cảnh sát, tuy nhiên cũng chẳng ai điều tra. Chỉ vài giờ sau, Thủ tướng Ingvar Carlsson đột ngột tuyên bố từ chức.


Người kế nhiệm ông là Goeran Persson thì đưa nhà nước và đảng ngày càng xa con đường mà Palme theo đuổi.


Chỉ có Ngoại trưởng sau này là Anna Lindh rất tâm huyết với di huấn của Palme là có thể sửa lại đường lối này. Nhưng ngày 10/9/2003, bà đã bị một người lính lê dương đâm chết trong một cửa hàng, khi đi mua sắm mà không có người bảo vệ.


Nhà điều tra Edqvist thừa nhận: "Có nhiều điều bất ổn. Có lẽ chính phủ lo ngại rằng những thông tin nhạy cảm sẽ lọt ra ngoài. Rốt cuộc, khi đó Thủ tướng Palme là một người gây nhiều tranh cãi".


Thủ tướng Olof Palme là một người theo cánh tả, khi đó ông đã làm Oasinhtơn khó chịu vì những phát biểu phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Ông so sánh tội ác Mỹ cho máy bay B-52 ném bom rải thảm xuống Hà Nội cuối năm 1972 chẳng khác gì tội ác của phát xít Đức. Ông ủng hộ những chính phủ cộng sản ở Cuba và Nicaragoa, phản đối chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid ở Nam Phi, phản đối tên lửa hạt nhân và ủng hộ việc phân chia lại tài sản của người giàu cho người nghèo. Các nhà điều tra tình nghi nhiều tổ chức khác nhau như Đảng Công nhân Kurd (PKK), giới quân sự Thụy Điển hoặc cơ quan mật vụ Nam Phi có thể đứng đằng sau vụ án mạng này, thậm chí có thể là Mỹ.


Trong khi đó, gia đình Palme vẫn tin rằng Pettersson chính là hung thủ đã sát hại Thủ tướng Olof Palme. Nhưng có lẽ không bao giờ có thể biết chính xác được rằng Pettersson, một kẻ nghiện rượu, nghiện ma túy, có tiền án, tiền sự có phải thực sự là người đã bắn chết ông Olof Palme hay không, vì y đã qua đời từ năm 2004.

Vũ Long (Tổng hợp từ báo chí Đức)