12:08 01/12/2010

Vụ ám sát Medgar Evers - 31 năm tìm công lý(Kỳ 1)

Một ngày tháng 6 năm 1963, Medgar Evers - một lãnh tụ của phong trào đấu tranh đòi dân quyền cho người da đen ở Mỹ - gục ngã ngay trước cửa ngôi nhà của ông, do những phát đạn oan nghiệt từ khẩu súng của một kẻ mang tư tưởng phân biệt chủng tộc cực đoan.

Một ngày tháng 6 năm 1963, Medgar Evers - một lãnh tụ của phong trào đấu tranh đòi dân quyền cho người da đen ở Mỹ - gục ngã ngay trước cửa ngôi nhà của ông, do những phát đạn oan nghiệt từ khẩu súng của một kẻ mang tư tưởng phân biệt chủng tộc cực đoan. Chỉ hai ngày sau, kẻ thủ ác bị bắt với những chứng cứ khá rõ ràng, nhưng phải 31 năm sau, tên sát nhân mới bị đưa ra trước ánh sáng công lý.


Kỳ 1: Kẻ phân biệt chủng tộc cực đoan

Medgar Evers trong một buổi diễn thuyết.


Sáng 12/6/1963, Medgar Evers tham dự cuộc họp của những người đấu tranh cho dân quyền của người da đen tại một nhà thờ ở Jackson, Mississippi. Cuộc họp kết thúc, Evers lên xe trở về nhà, nơi người vợ và những đứa con thân yêu đang chờ đợi ông. Như thường lệ, ông đỗ xe trên lối đi ngang qua cửa nhà. Nhưng hôm ấy đã xuất hiện một yếu tố khác thường: Sự hiện diện của một người đàn ông lạ đằng sau bụi cây kim ngân nằm phía bên kia đường, cùng với khẩu súng trường Enfield 1917 nòng 7,62 ly lăm lăm trong tay. Ngay khi Evers vừa bước ra khỏi xe ô tô, người đàn ông lạ đã nhằm thẳng ông và bóp cò. Viên đạn găm trúng lưng Evers và xuyên qua ngực; cả thân hình Evers đổ ập xuống. Bị trọng thương, nhưng vị lãnh đạo của những người da đen vẫn cố lết từng cm về phía ngôi nhà của mình trong chút sức tàn cuối cùng. Chỉ tiếc là ông không bao giờ có thể chạm tay vào cánh cửa nhà mình được nữa. Evers đã phải dừng lại khi chỉ còn cách cửa nhà vài bước chân. Ít phút sau, bà Myrlie Evers - vợ ông - phát hiện thấy chồng nằm ngục trước cửa nhà. Evers được nhanh chóng đưa tới bệnh viện nhưng một giờ sau khi bị mưu sát, ông đã trút hơi thở cuối cùng.

Medgar Evers, sinh ngày 2/7/1925 tại Decatur, bang Mississippi, là một người da đen đầy nghị lực. Sau thời gian phục vụ quân ngũ từ năm 1943 - 1945, chàng trai trẻ theo học chuyên ngành quản trị kinh doanh tại trường Đại học Alcorn. Cầm tấm bằng cử nhân trong tay, Evers - lúc này đã trở thành trụ cột của một gia đình nhỏ - đầu quân cho Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Magnolia của ông chủ T.R.M. Howard, vốn là người sáng lập một nhóm đấu tranh cho quyền lợi của người da đen ở Mississippi. Evers nhanh chóng gia nhập nhóm này và trở thành một thành viên tích cực.

Evers từng nộp đơn ứng thí vào Trường Luật thuộc Đại học Mississippi nhưng đơn của anh đã bị bác với lý do: Anh là người da đen. Không chấp nhận quy định đầy tính phân biệt chủng tộc này của Đại học Mississippi, Evers đệ đơn kiện. Cùng thời gian này, anh được cử làm Thư ký thứ nhất của Hiệp hội quốc gia vì sự tiến bộ của người da màu (NAACP) ở Mississippi. Là một trong những nhà lãnh đạo hàng đầu của phong trào đấu tranh đòi dân quyền cho người da đen, Evers cũng trở thành mục tiêu tấn công của KKK. Ngày 28/5/1963, nhà để xe của gia đình Evers bị ném bom xăng. Ngày 7/6/1963 - 5 ngày trước khi Beckwith ám sát Evers, một kẻ nào đó đã dùng xe ô tô định gây tai nạn cho Evers nhưng không thành. Cả hai vụ đều được Evers báo với nhà chức trách, nhưng chẳng có kẻ tình nghi nào bị bắt.


Hai ngày sau, nghi can số 1 trong vụ ám sát Medgar Evers - Bryon de la Beckwith, có biệt danh Delay (Chậm chạp) - bị bắt. Các nhân chứng cho biết họ đã thấy Beckwith lảng vảng ở khu vực nhà Medgar Evers vào ngày xảy ra vụ mưu sát; còn chiếc xe của Beckwith, một chiếc Plymouth Valiant cũng xuất hiện ở khu vực lân cận. Cảnh sát còn tìm thấy vũ khí gây án - khẩu Enfield 1917 - trong bụi cây kim ngân nằm đối diện nhà của gia đình Evers và quan trọng là trên đó có dấu vân tay của Beckwith.

Hành động phạm tội của Bryon de la Beckwith không khiến người ta ngạc nhiên, bởi nhân vật này từ lâu đã nổi tiếng là kẻ mang tư tưởng phân biệt chủng tộc cực đoan.

Tư tưởng cực đoan của Beckwith có lẽ bắt nguồn ngay từ tuổi thơ không êm ả. Cậu con trai sinh năm 1920 của gia đình có nguồn gốc quý tộc ở Colusa, bang California này bị mất cha từ khi mới 5 tuổi. Nguyên nhân cái chết được xác định là chứng nghiện rượu và bệnh phổi. Ngay sau tang lễ của người cha, mẹ con Beckwith nhanh chóng trở về sinh sống ở quê ngoại Greenwood, bang Mississippi. Nhưng thật không may, mẹ Beckwith bị mắc bệnh tâm thần, phải thường xuyên điều trị ở bệnh viện và sau này còn bị ung thư phổi. Đến năm 12 tuổi, Beckwith mất nốt người mẹ. Cậu của Beckwith là William Yerger nhận trách nhiệm nuôi dưỡng đứa cháu mồ côi. Và lại là một sự không may nữa khi người cậu này của Beckwith là một người rất lập dị: Phần lớn thời gian của ông ta được dành cho việc câu cá và "chiến lợi phẩm" được chất đống trong các ngăn tủ cho đến khi bốc mùi hôi thối.

Năm 22 tuổi, Beckwith gia nhập quân ngũ, làm xạ thủ súng máy cho lực lượng thủy quân lục chiến cho đến khi xuất ngũ năm 1946. Sau đó, Beckwith lấy vợ, chuyển cả gia đình đến sống ở đảo Rhode một thời gian rồi lại trở về Mississippi. Cuộc hôn nhân của Beckwith trải qua nhiều thăng trầm: Hạnh phúc - bất hòa - ly hôn - hòa hợp - tái hôn - chia ly. Sau này, cháu vợ của Beckwith đã viết cuốn sách "Chân dung kẻ phân biệt chủng tộc" trong đó miêu tả Beckwith như một người chồng cực kỳ hung bạo.

Cùng thời gian này, Beckwith gia nhập đảng Ku Klux Klan (KKK - tập hợp nhiều hội kín ở Mỹ với chủ trương đề cao ưu thế của người da trắng). Cũng không có gì đáng ngạc nhiên bởi Beckwith vốn luôn đặt người da trắng ở vị trí số 1 và rất thù ghét người da đen, người Do Thái và tín đồ Thiên Chúa giáo. Theo đánh giá của tạp chí Time, Beckwith "cố gắng tiêm nhiễm tư tưởng phân biệt chủng tộc vào tất cả mọi thứ". Hắn sáng tác và tìm cách phổ biến những bài hát phân biệt chủng tộc; tham gia các cuộc tụ tập chống hòa nhập sắc tộc với những đề nghị kiểu như cấm người da đen sử dụng nhà vệ sinh công cộng.

Minh Minh (Tổng hợp)

Đón đọc kỳ 2: Hai lần ra tòa vẫn trắng án