02:23 23/02/2012

Vốn chính sách phát triển tam nông

Với đặc thù các khoản cho vay nhỏ lẻ, đến tận tay người nghèo và đối tượng chính sách ở những vùng sâu vùng xa, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tham gia tích cực vào thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Với đặc thù các khoản cho vay nhỏ lẻ, đến tận tay người nghèo và đối tượng chính sách ở những vùng sâu vùng xa, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tham gia tích cực vào thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Ưu tiên vùng khó khăn

Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) được thành lập theo Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg ngày 4/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng Phục vụ người nghèo, tách ra từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Nhiệm vụ của NHCSXH là tổ chức thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Lắm, ở ấp Rừng Dầu, xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh được xây bằng nguồn vốn vay ưu đãi của chương trình 167.


Do hộ nghèo và các đối tượng chính sách chủ yếu sinh sống ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng khó khăn nên hầu hết các chương trình tín dụng chính sách NHCSXH được giao thực hiện đều phục vụ cho mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Cụ thể như: Chương trình tín dụng cho vay hộ nghèo; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; cho vay học sinh, sinh viên; cho vay giải quyết việc làm; cho vay hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở; cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn...

Tính đến ngày 31/12/2011, tổng nguồn vốn của NHCSXH đạt 105.490 tỷ đồng; tổng dư nợ đạt 103.731 tỷ đồng, với 18 chương trình tín dụng đang được triển khai. Trong đó, dư nợ tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa chiếm 89,8% tổng dư nợ (tương đương 93.175 tỷ đồng). Dư nợ tín dụng chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực: Sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp (60%); giáo dục đào tạo cho học sinh, sinh viên là con hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn tạm thời về tài chính (28,7%); xây dựng, cải tạo công trình cung cấp nước sạch và công trình vệ sinh, góp phần đảm bảo môi trường khu vực nông thôn (9,17%)... Một số chương trình đầu tư tín dụng toàn bộ tại khu vực nông thôn như: cho vay hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở (3.335 tỷ đồng), cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (8.540 tỷ đồng), cho vay trồng rừng theo dự án phát triển ngành lâm nghiệp (347 tỷ đồng), cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn (530 tỷ đồng), cho vay mua nhà trả chậm vùng đồng bằng sông Cửu Long (675 tỷ đồng).

Một đồng vốn, đa lợi ích

Vốn tín dụng ưu đãi đã giúp hộ nghèo và đối tượng chính sách ở khu vực nông thôn phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo, làm thay đổi tích cực bộ mặt nông thôn; cùng các cấp các ngành chung tay xây dựng nông thôn mới. Vốn tín dụng ưu đãi cũng từng bước làm thay đổi nhận thức của những người ở vùng nghèo, thay đổi cách thức làm ăn; góp phần hình thành nếp sống văn minh; hạn chế sự chênh lệch về điều kiện sinh hoạt giữa nông thôn và đô thị. Đáng chú ý là đối với tín dụng đầu tư tại khu vực nông thôn, tỷ lệ nợ quá hạn là 0,97%, thấp hơn cả mức chung; tỷ lệ sử dụng nguồn vốn đạt từ 97% trở lên.

Kênh tín dụng ưu đãi còn góp phần ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn. Phương thức ủy thác cho vay thông qua các tổ chức chính trị – xã hội đã phát huy được tính công khai, dân chủ, tiết kiệm chi phí; đồng thời giúp tổ chức chính trị – xã hội có thêm điều kiện quy tụ hội viên, phong phú thêm nội dung sinh hoạt. Mối quan hệ giữa NHCSXH với các tổ chức chính trị xã hội, chính quyền cơ sở và nhân dân ngày càng gần gũi và chặt chẽ.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả

Hiện nay, nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và đối tượng chính sách lớn, trong khi nguồn vốn cho vay có hạn, mức cho vay của một số chương trình tín dụng còn thấp. Hơn nữa, chương trình tín dụng đối với học sinh sinh viên có quy mô, tốc độ tăng trưởng tín dụng rất lớn, vì vậy trong thời gian gần đây, với khả năng có hạn của ngân sách nhà nước, hàng năm tỷ lệ tăng trưởng tín dụng do Thủ tướng Chính phủ giao chủ yếu được tập trung cho chương trình này. Vì vậy, nguồn vốn để đầu tư cho sản xuất, kinh doanh ở khu vực nông thôn giảm đi đáng kể. Bởi vậy, để tạo lập nguồn vốn ổn định cho NHCSXH, cần phải bổ sung vốn điều lệ hàng năm tương ứng với chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ.

Để nâng cao hiệu quả đồng vốn chính sách tham gia phát triển tam nông, ngân hàng và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở cần phối hợp với chính quyền làm tốt công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư..., tuyên truyền, phổ biến kiến thức sản xuất, chuyển giao kỹ thuật, định hướng thị trường, giúp người nghèo sản xuất, kinh doanh có hiệu quả hơn.

Trần Xuân Tùng