04:11 17/04/2015

Vô tư lấn chiếm lòng lề đường

TP Hồ Chí Minh đã có nhiều giải pháp lập lại trật tự văn minh đô thị, thế nhưng tình trạng bán hàng rong, chợ tạm, chợ “cóc”… vẫn tái diễn khi lực lượng chức năng buôn lỏng.

TP Hồ Chí Minh đã có nhiều giải pháp lập lại trật tự văn minh đô thị, thế nhưng tình trạng bán hàng rong, chợ tạm, chợ “cóc”… vẫn tái diễn khi lực lượng chức năng buôn lỏng. Trên nhiều tuyến đường, người đi bộ không còn lối đi phải đi xuống lòng đường, còn người mua hàng thì dừng xe giữa đường vừa gây ách tắc giao thông vừa có nguy cơ xảy ra tai nạn.

             Nhiều điểm buôn bán chiếm dụng hết toàn bộ vỉa hè



Ghi nhận thực tế cho thấy, tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng lề đường đang diễn ra một cách vô tư, nhất là ở các quận ngoại thành như Tân Bình, Tân Phú, quận 12, Gò Vấp… Điều đặc biệt, hiện nay đang xuất hiện những chiếc xe gắn máy kéo theo rờ-móc phía sau (giống xe lôi) để bán hàng trên các tuyến đường. Điều đáng nói là loại hình xe này đã bị thành phố cấm lưu thông trên các tuyến đường nội thành. Hàng này, đội quân xe lôi này thường tập trung thành nhóm lên đến hơn chục xe vào giờ cao điểm trên nhiều tuyến đường có lưu lượng xe đông đúc. Khi bị lực lượng chức năng truy đuổi, họ dễ dàng nổ máy xe tháo chạy, thậm chí có thể quay đầu chạy ngược chiều hoặc chạy sang làn ô tô để “trốn”.

Hàng loạt các xe bán hàng rong cùng với các xe đẩy bán phụ kiện di động lấn chiếm lòng đường trên đường Cách mạng Tháng 8


Trên đường Cách mạng Tháng 8 đoạn đi qua công viên Lê Thị Riêng (giáp ranh quận 10 và Tân Bình) lâu nay trở thành “chợ” của những người buôn bán hàng rong. Chị Phan Nguyễn Quỳnh Chi thường hay tập thể dục ở công viên Lê Thị Riêng cho biết: “Trước đây khu vực này tập trung những người bán xôi, bánh mì…thì giờ “mọc” thêm những xe đẩy bán các phụ kiện điện thoại, máy tính…khiến đoạn đường càng trở nên bát nháo, phức tạp”.


Mặc dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần “giải toả” nhưng tình trạng trên vẫn không thuyên giảm. Bởi đây là khu vực giáp ranh hai quận, nếu bên này đuổi thì người bán chạy sang phía bên kia và ngược lại. Ghi nhận thực tế cho thấy, cứ vào cao điểm chiều tối đoạn đường này hay xảy ra ùn tắc, một phần do đường hẹp, một phần do người bán tràn xuống lòng đường mời chào, níu kéo người đi đường mua hàng.


Trong khi đó, khu vực cầu Tham Lương trên đường Trường Chinh – nơi giáp ranh giữa phường 15 quận Tân Bình và phường Đông Hưng Thuận quận 12, mỗi ngày tập trung hơn chục xe lôi máy chiếm dụng lòng đường để bán hải sản như cua, nghêu, sò, ốc…Không chỉ chiếm dụng lòng đường để buôn bán, những người bán hàng còn xả nước thải tanh tưởi xuống lòng đường khiến cả đoạn đường dài gần 200m luôn luôn bốc mùi hôi tanh nồng nặc. 

Người bán và người mua vô tư chiếm dụng lòng đường


Trong khi đó, những người đi xe máy khi muốn mua hàng, họ dừng ngay dưới lòng đường bất chấp dòng xe đang lưu thông đông đúc. Nhiều hôm, khi lực lượng trật tự đô thị quận 12 đi tuần tra, cả đội quân xe lôi kéo xe chạy táo tác. Có xe chạy ra làn xe ô tô, có xe quay đầu chạy ngược chiều sang phía quận Tân Bình bất chấp dòng xe đang chạy. Trước Tết nguyên đán 2015, để giải quyết điểm nóng này, lực lượng trật tự hoặc dân phòng đã “cắm chốt” tại đây, nhưng chỉ cần lực lượng này rút đi thì hiện nay đâu vẫn lại vào đấy.


Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Tâm, Chủ tịch UBND phường 15 (quận Tân Bình) cho biết phường đã có kế hoạch giải tán triệt để. “Dẹp thì cũng đã dẹp và bắt cũng đã bắt, thế nhưng sự việc vẫn tái diễn. Nhiều khi tổ tuần tra phường 15 phải cùng lên “chiến lược” với phường Đông Hưng Thuận thì mới có thể bắt được họ vì qua hết ranh giới cầu là xem như qua địa phương khác”, ông Tâm cho biết.

Không còn lối đi, người đi bộ phải đi xuống lòng đường trên đường Tây Thạnh (quận Tân Phú)


Việc lấn chiếm lòng lề đường không chỉ diễn ra ở các điểm trên mà còn diễn ra phổ biến trên đường Cộng Hoà, Trường Chinh (quận Tân Bình), Tây Thạnh (Tân Phú), cầu Chợ Cầu, đường Quang Trung (Gò Vấp)… không những vừa gây mất mỹ quan đô thị, vừa gây mất trật tự an toàn giao thông mà còn đe doạ đến tính mạng của người tham gia giao thông khi lưu thông qua những đoạn đường này.


Theo luật sư Lê Thu Hiền, đại diện văn phòng luật sư số 116 Đề Thám (phường Cầu Ông Lãnh, quận 1), trong Điều 12 Nghị định 171/2013 qui định xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân và từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức có hành vi họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày, bán hàng hóa, sửa chữa xe, rửa xe, đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo, làm mái che trên lòng đường đô thị, hè phố hoặc thực hiện các hoạt động, dịch vụ khác trái phép trên lòng đường đô thị, hè phố gây cản trở giao thông.


Bài và ảnh: Chế Thịnh