10:00 20/10/2011

Võ học nông dân - Sáng tạo của dân Việt

Những thế võ như Tầm nã xèng, nhất điếu phiêu linh, đàn chổi công, quỷ cuốc thần sầu… đã được đông đảo bạn trẻ đón nhận bởi nó là những bài võ mang thương hiệu “made in Việt Nam” 100%..

Vốn sinh ra và lớn lên gắn với nghề nông, võ sư Chu Há đã trăn trở và sáng tạo những thế võ lấy ý tưởng từ những nông cụ. Những thế võ như Tầm nã xèng, nhất điếu phiêu linh, đàn chổi công, quỷ cuốc thần sầu… đã được đông đảo bạn trẻ đón nhận bởi nó là những bài võ mang thương hiệu “made in Việt Nam” 100%..

Đường binh nghiệp – Con đường học đạo

Sinh ra và lớn lên trên vùng quê Hoàng Mai (Hà Nội) ngày xưa thuần nghề nông, đến năm 1967, theo tiếng gọi của tiền tuyến, Chu Há lên đường nhập ngũ. Trước đó, Chu Há đã là môn sinh xuất sắc của cố võ sư Tô Tử Quang nức tiếng Hà Nội vào năm 60. Ông nhớ lại: “Vì học võ nên được đơn vị cử tham gia huấn luyện tân binh. Tôi đã kiểm tra thể lực của từng anh lính mới nhưng ấn tượng nhất là khi tôi nắm lòng bàn tay họ. Tôi cảm nhận được những vết chai sần tạo nên từ những buổi lao động trên đồng ruộng. Từ những cái nắm tay đó tôi cảm nhận được một cái gì rất khác, nếu theo võ học mà nói thì gọi là “khí”. Mỗi phái võ đều có những “khí” rất riêng được phát ra trong quá trình thi đấu. Nhưng cái “khí” của những anh tân binh nông dân rất lạ, nó không mang ý chí tấn công, nó hiền từ mà ẩn chứa một sức mạnh ghê gớm. Điều đó cứ ám ảnh tôi trong suốt gần 10 năm quân trường”.

Võ sư Chu Há giới thiệu các binh khí nông cụ gồm cuốc, xẻng, đinh ba…


Chu Há hành quân từ Hà Nội đến chiến trường Tây Ninh và tham gia những trận đánh cuối cùng để giải phóng hoàn toàn đất nước. Và rồi ông cũng đã lý giải được cái “khí” của những anh tân binh nông dân khi ông quan sát những người nông dân từ Bắc đến Nam lao động. Ông cho rằng: “Khí” đó chính là những thế võ được phát ra trong quá trình lao động. Hay như hình ảnh người nông dân vác cày, cuốc ra đồng với vẻ mặt ung dung tự tại, xem như chẳng có gì là nặng nhọc cả. Nó khác hoàn toàn với những thế võ có nguồn gốc Trung Hoa, mang binh khí ra là đằng đằng sát khí.

Từ những trải nghiệm đó, trong đầu Chu Há đã hình thành ý tưởng phải sáng tạo ra một phái võ lấy những nông cụ làm binh khí. Ban đầu, mỗi buổi tập thể dục buổi sáng ông đều lấy cuốc ra luyện tập làm cả đơn vị kinh ngạc. Nhưng khi nghe ông giải thích, đồng đội hoàn toàn nhất trí. Chính trị viên đại đội còn động viên rằng: Ý tưởng võ học nhà nông rất hay, mai này đất nước hòa bình có thể phát triển và quảng bá Việt Nam là đất nước có nền văn minh lúa nước lâu đời bằng con đường võ học.

Sáng lập môn võ học nông dân

Đến bây giờ khi đã có đông đảo môn sinh tham gia để ghi danh học võ học nông dân nhưng võ sư Chu Há vẫn khẳng định sư tổ của phái võ này là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông đọc vanh vách Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến do Bác Hồ phát động năm 1946: “… Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước…”, rồi bảo: “Chẳng phải Bác đã phát động một phong trào lớn để cứu nước lấy vũ khí từ những nông cụ là gì nữa”.

Bài võ “Tầm nã xẻng”.

Khi rời quân ngũ, ông lại về tham gia sinh hoạt ở Võ đường Hồng gia quyền của cố sư phụ Tô Tử Quang. Võ đường Hồng gia có xuất xứ từ Quảng Đông (Trung Quốc) là một nhánh của võ Thiếu lâm. Các điều lệ của Võ đường Hồng gia rất nghiêm ngặt nếu tự ý đi theo một con đường khác thì sẽ bị coi là phản đạo, bị trục xuất khỏi võ đường và sẽ thành tội đồ thiên cổ. Điều đó làm ông trăn trở khó cất lời với sư phụ Tô Tử Quang.
Mãi đến những năm 90, khi sư phụ cho phép các môn sinh ưu tú được phép mở võ đường riêng để truyền bá võ học thì ông mới dám mạnh dạn thưa chuyện với thầy. Ông không ngờ rằng, sư phụ hoàn toàn đồng ý và còn động viên ông không chỉ lấy cuốc là binh khí mà còn phải lấy các nông cụ khác như chổi, xẻng, đinh ba,… để tạo thành một bộ võ học nông dân hoàn chỉnh.

Nhưng những năm 90 ấy, có võ đường thì cũng không bói đâu ra được môn sinh vì ăn còn chưa đủ, lấy đâu thời gian và công sức để học võ. Mà người ta lại cứ quan niệm phải học cung kiếm, đao thương mới là học võ. Chứ mấy cái binh khí cuốc, xẻng, đinh ba thì làm sao thành võ được. Ông vẫn phải chiêu sinh Hồng gia quyền để duy trì võ đường và cuộc sống.

Nhưng kỳ lạ, cứ môn sinh nào khi tiếp cận võ học nông dân đều ưa thích và hào hứng tham gia. Bên cạnh đó, thông qua các kỳ đại hội võ thuật thường niên do TP Hà Nội tổ chức ông đều tham gia trình diễn võ học nông dân để nhiều người biết hơn. Qua các kỳ đại hội đó, ông nhận được vô số giải thưởng từ môn võ học kỳ lạ của mình và võ học nông dân cũng được nhiều người biết đến.

Đệ nhất võ thủ

Võ đường Võ học nông dân rộng chừng 40 m2 nằm trong con ngõ sâu hun hút ở phố Tân Mai (Hoàng Mai, Hà Nội). Hưng đang luyện thế võ vắt điếu cày qua vai. Đây là động tác khó, cậu sinh viên năm cuối ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp liên tục làm rớt binh khí điếu cày. Nhìn cậu học trò sốt ruột, võ sư Chu Há đứng dậy rồi tự mình biểu diễn. Chân trái của ông dướn về phía trước một khoảng nhỏ, thân mình cúi xuống, hai tay dang rộng. Đột nhiên, ông vẩy tay phải khiến điếu cày lăn dài chạy theo cánh tay đến vai, ông tiếp tục cúi nghiêng người để chiếc điếu chạy luồn sang gáy cổ. Tay trái ông nắm lấy, rồi tiếp tục tung thế tấn công trực diện khi chọc thẳng thanh điếu cày…

Điếu cày trong thế võ “Nhất điếu phiêu linh”.


Biểu diễn xong thế võ lạ, ông quay lại góc võ đường từ từ rót nước rồi nheo mắt cười hỉ hả khuyến khích học trò đang tập. Võ sư Chu Há bảo với tôi: “ Quan sát bài võ “Quỷ cuốc thần sầu” thấy những động tác của người nông dân cuốc đất, đập đất. Bài võ đinh ba là động tác bới rơm của nhà nông khi mùa vụ thu hoạch. Hay bài võ “Nhất điếu thần sầu” là trạng thái say thuốc lào của một lão nông khi cày hái vất vả, hút điều thuốc lào giải lao trên bờ ruộng…”.

Hầu hết khi nhìn những binh khí nông cụ này mọi võ sinh trong môn võ đường đều muốn học nhưng không phải ai cũng được thầy Há cho phép. Phải là những đệ tử có khoảng thời gian tập luyện lâu, nắm chắc “Cơ bản công” gồm Thủ pháp, Nhãn pháp, Thân pháp và Bộ pháp tốt mới đi vào binh khí. Sau khi đã nắm chắc “Cơ bản công” rồi thì tùy vào kỹ thuật của từng môn sinh mà sư trưởng Chu Há lại chọn những thế mạnh của từng đệ tử mà truyền dạy những bài võ. Ví dụ như đệ tử nào mà có thân pháp và bộ pháp tốt (tay chân nhanh nhẹn, dẻo, biến hóa linh hoạt- PV) thì sẽ hướng vào học võ điếu cày và võ chổi với bài “Nhất điếu phiêu linh”, “Đàn chổi công”. Còn những đệ tử có thiên hướng mạnh mẽ thì sẽ đi vào võ cuốc và võ xẻng…

Quyền thuật mũ bảo hiểm.


Võ sư Chu Há tâm sự: “ Võ học nông dân khác hẳn với các phái võ có xuất xứ từ Trung Hoa. Võ học Trung Hoa thì lấy các bộ phận gắn kim khí như mũi thương, mũi giáo, đao, kích để tấn công nhằm sát thương đối thủ. Còn võ học nông dân thì lấy đầu cuốc, xẻng làm thế thủ còn tấn công chỉ dùng đầu gỗ tre để tránh gây sát thương cho đối phương. Bạn bè giới võ thuật ở Hà Nội khi xem Võ học nông dân đều phải công nhận đây là môn võ đệ nhất thủ. Vả lại, thế thủ cũng phù hợp với tính cách của người Việt Nam. Các anh biết đấy, không những chỉ dùng vũ khí mà còn dùng cả những nông cụ đơn giản đã giúp người Việt Nam mình đã bảo vệ và xây dựng Tổ quốc trong suốt bốn nghìn năm…”.

Mới đây, võ sư Chu Há còn phát triển thêm bài võ quyền thuật Mũ bảo hiểm. Thế võ mới này được nhiều môn sinh trong võ đường thích thú bởi tính tiện dụng của nó. Cô đệ tử có biệt danh là “Minh tây” tỏ ra thích thú lạ kỳ với vũ khí mới này. Mới cách đây 1 tuần, trong lần về nhà muộn vào đêm, nhờ quyền thuật Mũ bảo hiểm mà “Minh tây” đã hạ gục 3 kẻ cướp đêm. Khi phát triển những thế võ lạ này, ông mong muốn là từ người làm ruộng hay anh thợ hồ, người lao công quét rác ở thành thị cũng có thể học võ vì từ những dụng cụ sinh hoạt có thể tự vệ ở mọi tình huống.

Bài: Thông Thiện - Ảnh:Yến Thi