08:06 11/08/2014

V-League 2014 vẫn nhức nhối bê bối

V-League 2014 đã khép lại chiều 10/8, với màn trao Cúp vô địch cho Becamex Bình Dương. Tuy vậy, chiếc vương miện xứng đáng của thầy trò Lê Thụy Hải và những đổi mới trong khâu tổ chức vẫn không thể che lấp được những “hạt sạn” to tướng của một mùa giải từng được nhiều kỳ vọng.

V-League 2014 đã khép lại chiều 10/8, với màn trao Cúp vô địch cho Becamex Bình Dương. Tuy vậy, chiếc vương miện xứng đáng của thầy trò Lê Thụy Hải và những đổi mới trong khâu tổ chức vẫn không thể che lấp được những “hạt sạn” to tướng của một mùa giải từng được nhiều kỳ vọng.

“Thế lực đồng tiền” Bình Dương

Hà Nội T&T (áo sáng) không cản nổi Bình Dương.



Chức vô địch sớm một vòng đấu của Bình Dương có sự trợ giúp không nhỏ từ những cú sảy chân của Hà Nội T&T và Thanh Hóa, nhưng cũng không thể phủ nhận một thực tế khác: Đội hình Bình Dương quá khác biệt so với phần còn lại của V-League. Túi tiền rủng rỉnh đã giúp Bình Dương lôi kéo được những cầu thủ nội, ngoại hàng đầu về sân Gò Đậu. Khoảng 60 - 70 tỷ đồng đã được họ chi ra ở mùa giải này, tức là gấp đôi so với ngân sách thông thường của một đội bóng V-League 2014. Sau những loạng choạng ở vạch xuất phát, Bình Dương lập tức đứng dậy và trở lại đúng quỹ đạo, một phần nữa nhờ sự tái xuất của ông Lê Thụy Hải. Nói như hầu hết các chuyên gia: Với những khoản đầu tư lớn như vậy, “Bình Dương không vô địch mới lạ!”.

Trưởng giải người Nhật Bản

Trưởng giải Tanaka Koiji.


Mùa giải 2014 đã chứng kiến một thay đổi lịch sử của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam: Lần đầu tiên, chiếc ghế trưởng ban tổ chức V-League được trao cho một người nước ngoài, ông Tanaka Koji, người Nhật Bản. Ông Koji chính thức nhậm chức từ vòng đấu thứ 8 và được chờ đợi có thể góp phần cải thiện tính chuyên nghiệp trong công tác tổ chức, điều hành giải, nhờ những kinh nghiệm từ một nền bóng đá phát triển hàng đầu châu Á. Mặc dù vậy, dấu ấn của vị chuyên gia này có lẽ cần thêm thời gian để khẳng định. Ông Koji đã không lường trước được sự phức tạp của V-League, bởi “ở Nhật Bản không có chuyện đội bóng bỏ giải như Ninh Bình”.

XM The Vissai Ninh Bình bỏ giải

XM The Vissai Ninh Bình bỏ giải vì tiêu cực.



Khi sự cố XM Xuân Thành Sài Gòn bỏ giải ở cuối mùa bóng 2013 vẫn chưa lắng xuống, sân chơi V-League tiếp tục choáng váng bởi tuyên bố “nghỉ chơi” của XM The Vissai Ninh Bình từ vòng đấu thứ 14 mùa giải này. Có tới 9 cầu thủ Ninh Bình tham gia cá độ trận đấu của họ tại AFC Cup 2014 (gặp Kelantan của Malaysia) và sau đó bị lãnh đạo đội bóng, cùng lực lượng chức năng phát hiện, điều tra. Không chỉ bỏ ngang V-League, Ninh Bình còn bỏ cả chiến dịch bảo vệ danh hiệu vô địch tại Cúp quốc gia. Họ hiện vẫn tham dự AFC Cup 2014, nhưng sau đó là một dấu hỏi lớn về tương lai.

Không chỉ gây những xáo trộn trên bảng xếp hạng V-League (tất cả kết quả thi đấu của Ninh Bình bị hủy), Ninh Bình còn khiến BTC giải phải thay đổi điều lệ: Từ một suất phải xuống hạng, nay chỉ còn nửa suất, dẫn tới sự ra đời của trận play - off giữa đội cuối bảng V-League với đội xếp thứ 3 giải hạng Nhất, nhằm xác định một suất tham dự V-League 2015.

6 cầu thủ Đồng Nai bán độ

Một cầu thủ Đồng Nai “nhúng chàm” che mặt trước ống kính phóng viên.


Ngay sau trận Than Quảng Ninh - Đồng Nai (5 - 3) ngày 20/7 tại vòng 20 V-League, cảnh sát đã bắt giữ 6 cầu thủ Đồng Nai, những người sau đó được xác định nằm trong một đường dây cá độ bóng đá và dàn xếp tỷ số trận đấu. Kết quả điều tra cho thấy, nhóm cầu thủ này đã bán độ trận đấu trên để lấy 400 triệu đồng. Tính chất nghiêm trọng của vụ việc nằm ở chỗ: Các đối tượng đã liều lĩnh hành động, bấp chấp bài học ngay trước đó của XM The Vissai Ninh Bình. Đặc biệt, theo cơ quan cảnh sát điều tra, nhóm cầu thủ này còn bán độ một số trận đấu khác của Đồng Nai ở V-League, có trận với giá 800 triệu đồng. Vụ việc đã làm vấy bẩn thêm hình ảnh của bóng đá Việt Nam, đồng thời gióng hồi chuông báo động về cách quản lý, giáo dục đạo đức cầu thủ.

Lối chơi bạo lực tiếp diễn

Chấn thương - một hình ảnh quen thuộc.



Một lần nữa, các nhà tổ chức V-League lại đau đầu với lối đá bạo lực. Nhiều trận đấu đã bị biến thành võ đài, chứng kiến các pha bóng “rợn người” mang tính triệt hạ đối phương và những màn “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” phản cảm. Cầu thủ Trần Đình Đồng (Sông Lam Nghệ An) đã bị cấm thi đấu đến hết năm 2014, sau pha vào bóng khiến Trần Anh Hùng (Hùng Vương An Giang) bị chấn thương nghiêm trọng. Cầu thủ nhập tịch Đinh Văn Ta (XM The Vissai Ninh Bình) đạp vào ngực của Danny David (Đồng Tâm Long An) và bị cấm thi đấu 5 trận. Bruno (Than Quảng Ninh) thì tự làm gãy lìa chân mình sau một pha vào bóng ác ý. Trong trận Hải Phòng - Hà Nội T&T ngày 1/6, cầu thủ hai bên đã “hỗn chiến”. Kết quả là Nguyễn Văn Nam (Hải Phòng) bị cấm thi đấu tới ngày 31/7, Đồng Đức Thắng (Hải Phòng) và Hoàng Vũ Samson (Hà Nội T&T) cùng bị treo giò 4 trận.

Trưởng giải Koji từng chia sẻ, “cầu thủ cần phải có ý thức giữ gìn đôi chân cho nhau”, nhưng một khi chữ “chuyên” vẫn còn dang dở, ý thức cầu thủ cũng không thể được nâng lên trong một sớm, một chiều.

Dấu hỏi chất lượng trọng tài

Công tác trọng tài tiếp tục cần được cải thiện.


Sau nghi án một nhóm trọng tài nhận tiền bồi dưỡng ở V-League 2013, các nhà tổ chức đã chấn chỉnh và có những biện pháp quyết liệt về công tác trọng tài ở mùa giải này. “Bóng ma” tiêu cực và những tiếng còi thiên vị đội này, đội kia chỉ còn thưa thớt, nhưng sai sót của các trọng tài vẫn là đề tài bức xúc thường xuyên của các đội bóng. Nhiều trọng tài đã bị đình chỉ công tác (Phùng Quốc Quân, Trần Thanh Liêm, Nguyễn Như Phong, Nguyễn Văn Kiên...), vì mắc lỗi chuyên môn, dung túng cho bạo lực, hay máy móc trong việc điều hành trận đấu.

Nhằm hỗ trợ công tác trọng tài trong nước, BTC giải đã mời các trọng tài Nhật Bản sang điều hành 3 trận đấu quan trọng của V-League 2014. Dự kiến, trận play - off giữa Hùng Vương An Giang và XSKT Cần Thơ cũng sẽ được điều hành bởi trọng tài ngoại, tới từ Thái Lan hoặc Malaysia. Trọng tài Việt liệu có vì thế mà “tự ái”, nỗ lực học hỏi và phát triển chuyên môn, trau dồi đạo đức?

Bài và ảnh: Song Long