12:09 09/12/2012

Vĩnh Phúc ngăn chặn 'cát tặc' chưa quyết liệt

Do nhu cầu sử dụng đất cát lớn, bên cạnh các điểm khai thác đất, cát mà tỉnh cho phép thì phát sinh rất nhiều địa điểm khai thác đất, cát trái phép mà ngành chức năng, chính quyền cơ sở không kiểm soát được...

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều dự án, công trình lớn được triển khai như Dự án đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, xây dựng mới đường QL2 tránh TP Vĩnh Yên, công trình vui chơi giải trí... sử dụng tới hàng chục triệu m3 đất, cát. Do nhu cầu sử dụng đất cát rất lớn như vậy, bên cạnh các điểm khai thác đất, cát mà tỉnh cho phép thì phát sinh rất nhiều địa điểm khai thác đất, cát trái phép mà ngành chức năng, chính quyền cơ sở không kiểm soát được.

Thậm chí có biểu hiện hình thành cả những băng nhóm bảo kê, cán bộ quản lý làm ngơ và bao che, khiến tranh chấp mâu thuẫn diễn ra rất phức tạp tại các địa phương, người dân liên tục lên tiếng vì bức xúc.

Chỉ tính riêng 3 công trình Dự án tiêu biểu là Dự án đường cao tốc Nội Bài- Lào Cai qua Vĩnh Phúc, Dự án nâng cấp đê tả Sông Hồng qua Vĩnh Phúc, xây dựng tuyến đường QL2 tránh thành phố Vĩnh Yên mà tỉnh đã và đang triển khai có tổng chiều dài gần 100 km (QL2 tránh thành phố Vĩnh Yên đã hoàn thành và đưa vào sử dụng).

Các công trình này sử dụng hàng chục triệu m3 đất, cát chủ yếu cho việc đổ nền. Do khối lượng công việc lớn và thi công phức tạp đòi hỏi nhiều công sức, tiền bạc vì thế mỗi công trình đều phân đoạn, chia ra làm nhiều gói thầu thi công. Việc mua đất, cát để thi công công trình từ nhiều nguồn và nhiều đối tượng.

Có những nguồn đất, cát được mua ở những đơn vị khai thác, điểm khai thác được cấp phép. Bên cạnh đó còn có rất nhiều nguồn đất, cát được mua ở những đối tượng là người dân tự do bên ngoài mà ngành chức năng không cấp phép khai thác cho họ và họ khai thác ở mọi nơi ngoài sự kiểm soát của tỉnh.

Vấn đề được nhiều người quan tâm là phần lớn lượng đất san lấp và cát khai thác dưới lòng sông là khai thác trái phép. Điều này dẫn đến một hệ lụy là tỉnh Vĩnh Phúc đã thất thu số tiền rất lớn từ tài nguyên mà tiền chủ yếu "chui" vào các đối tượng đứng ra khai thác trái phép, bao che, bảo kê... Tình trạng mất an ninh, trật tự xã hội cũng diễn ra phức tạp, ô nhiễm môi trường và gây xuống cấp hệ thống đường giao thông khiến người dân bức xúc.

Theo đánh giá ngành Tài nguyên Môi trường tỉnh: Riêng đối với hoạt động khai thác cát trên sông Hồng và sông Lô còn xảy ra hiện tượng sạt lở bờ sông. Hoạt động khai thác đá trên địa bàn tỉnh thường phát sinh tiếng ồn, bụi và các yếu tố này chủ yếu ảnh hưởng đến chất lượng môi trường không khí, đến người đi đường và các hộ dân cư dọc tuyến đường vận chuyển xung quanh khu mỏ trong quá trình vận chuyển sản phẩm.

Rất nhiều vùng đồi núi, bãi cát ven sông được đào bới tan tành. Các xe tải hạng nặng chở cát, đất, đá, sỏi với lượng hàng chứa từ 40 đến 60 tấn/xe, đi qua các trục đường và cầu cống không đảm bảo đã phá nát công trình mà dân Vĩnh Phúc đang lên tiếng trong nhiều cuộc họp, các đợt tiếp xúc cử tri.

Bụi đất cát do đào bới, do xe chạy tung lên theo gió "bủa vây" người đi đường, dân cư sống gần đường giao thông. Sự việc nan giải, phức tạp này diễn ra trên diện rộng như huyện Sông Lô, Lập Thạch, Tam Dương, thành phố Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên...

Huyện Sông Lô có khoảng 28 km đường sông đi qua, ở đây lượng cát sỏi khá phong phú. Huyện mới chỉ có 4 doanh nghiệp được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép cho khai thác cát sỏi trên lòng sông. Song, do ham lợi mà thời gian gần đây, đoạn chạy qua địa bàn huyện Sông Lô có vài chục tàu cuốc ngang nhiên ngày đêm khai thác cát sỏi dưới lòng sông, bất chấp sự lên tiếng của chính quyền địa phương, người dân có ruộng đất nằm trong tầm ảnh hưởng.

Ở xã Bạch Lưu có tới 20 gia đình bị sạt lở đất canh tác quỹ 1 do tàu cuốc hút trái phép, nhiều lần cử tri trong xã kiến nghị với đại biểu HĐND của huyện, tỉnh về việc này để ngăn chặn, khắc phục hậu quả nhưng chưa có chuyển biến.

Gần đây, Chi cục đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh đã triển khai thi công xây dựng Dự án kè đê nắn dòng tại khu vực lải Soi Đình thuộc 2 thôn Xóm Làng, Hồng Sen với tổng chiều dài khoảng 300m. Mặc dù đang thi công kè đê nhưng trên dưới chục tàu cuốc vẫn ngang nhiên ngày đêm khai thác cát sỏi trái phép dưới lòng sông, dẫn đến Dự án kè đê nắn dòng kia sẽ bất ổn, có thể trôi sông.

Mới đây, Vĩnh Phúc đã vào cuộc xử lý nhiều vụ việc liên quan đến khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng Vĩnh Phúc cần làm quyết liệt hơn, xử lý nghiêm hơn mới đủ sức răn đe.


Nguyễn Trọng Lịch