04:10 07/04/2011

Vịnh Nha Trang trước nguy cơ ô nhiềm nguồn nước

Đã từ lâu, vịnh Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) không chỉ nổi tiếng là một cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, mà còn có nhiều giá trị về đa dạng sinh học, kinh tế, văn hoá, môi trường...

Đã từ lâu, vịnh Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) không chỉ nổi tiếng là một cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, mà còn có nhiều giá trị về đa dạng sinh học, kinh tế, văn hoá, môi trường...

Những năm gần đây, vịnh Nha Trang được nhà nước công nhận là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, đồng thời được gia nhập vào Câu lạc bộ Các vịnh đẹp nhất thế giới.

Ảnh internet


 Theo các nhà khoa học đánh giá, mỗi km2 vùng nước và đáy của vịnh, mỗi năm tạo ra một giá trị 110.000 USD và được xếp vào bậc nhất về đa dạng sinh học của Việt Nam.


Nhờ các giá trị này mà vịnh Nha Trang có sức hút mạnh mẽ đối với du khách trong và ngoài nước, trở thành điểm đến lý tưởng để tham quan, nghỉ dưỡng, nghiên cứu... cho du khách trong nước và quốc tế. Hàng năm, vịnh Nha Trang đón tiếp hơn 90% lượng du khách khi đặt chân đến tỉnh Khánh Hòa.

Vịnh Nha Trang có diện tích khoảng 507 km2, bao gồm 19 hòn đảo, có khí hậu ôn hoà và nhiều hệ sinh thái điển hình, quý hiếm của vùng biển nhiệt đới: Đất ngập mặn, rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển...

Tuy nhiên, thành phố Nha Trang nằm bên bờ vịnh với số dân gần 400 nghìn người, cùng với lượng du khách mỗi năm trên dưới 1,6 triệu lượt người có mặt tại đây, nên vịnh đang chịu nhiều tác động tiêu cực ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan.

 Các hoạt động du lịch, nuôi trồng thuỷ sản, rác thải sinh hoạt từ các khu dân cư trên bờ, ở các đảo... đã và đang tạo nhiều áp lực gay gắt về ô nhiễm môi trường trong vịnh. Chỉ riêng 4.600 chiếc lồng nuôi hải sản thuộc các khu vực: Vũng Ngán, Hòn Một, Bích Đầm, Đầm Bấy... của hơn 360 hộ dân đã “vứt” thẳng xuống nước vịnh các loại rác thải, chất thải sinh hoạt, chất thải từ nguồn thức ăn thừa của tôm, cá... khoảng 9 tấn rác/ ngày.

 Bên cạnh đó, với khoảng 5.600 dân sinh sống biệt lập trên các đảo, tính ra mỗi ngày vịnh phải “nạp” thêm một vài tấn rác. Đồng thời, với hàng trăm chiếc tàu, thuyền chở du khách rong ruổi trên vịnh mỗi ngày, do hầu hết đều không trang bị hệ thống xử lý vệ sinh, nên lượng rác thải từ hoạt động này cũng không nhỏ.

 Ngoài ra, vịnh Nha Trang là nơi phải tiếp nhận nước từ hai con sông: sông Cái và sông Tắc, nhất là vào mùa mưa, vô số rác theo sông đổ vào vịnh, trôi nổi khắp nơi... Chính vì vậy, nguồn nước trong vịnh đã bị ô nhiễm thấy rõ, rác trôi nổi khắp nơi. Qua khảo sát thường xuyên trong vịnh, Ban quản lý Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang đã nhiều lần cảnh báo: các loại chất thải đã khiến vịnh Nha Trang luôn đối mặt nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến các hệ sinh thái, đe dọa đến đa dạng sinh học.


Những năm qua, Khánh Hòa đã có một số động thái tích cực để từng bước hạn chế những tác nhân gây nên sự ô nhiễm, suy thoái môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học trong vịnh. Đó là việc vận động ngư dân bắt hơn 80.000 con sao biển gai để bảo vệ các rạn san hô; đưa ra quy định các tàu phục vụ tham quan cho du khách trong vịnh phải lắp đặt nhà vệ sinh tự hoại...


 Cũng từ năm 2008, Ban quản lý Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang đã tổ chức việc thu gom rác tại các khu vực nuôi thuỷ sản và các khu dân cư trên các đảo, qua đó bình quân mỗi ngày “dọn dẹp” khoảng 5 tấn rác, đã giảm áp lực ô nhiễm đáng kể trên vùng biển vịnh Nha Trang.

Thời gian gần đây, tỉnh Khánh Hòa có chủ trương quy hoạch vịnh Nha Trang chỉ dành riêng phục vụ cho du lịch biển và các dịch vụ vui chơi, giải trí, thể thao trên biển. Do đó, cuối tháng 3/2011, UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị nghiêm cấm các hình thức xả thải, đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản tại vùng vịnh Nha Trang.

Theo đó, tỉnh Khánh Hòa giao cho UBND thành phố Nha Trang chỉ đạo chính quyền các xã, phường tuyên truyền, phổ biến cho người dân chỉ thị này, nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển, không xả chất thải xuống biển, tự giác tháo dỡ những lồng, bè và các loại bẫy đánh bắt thuỷ sản lắp đặt trái phép trong vịnh, không khai thác thuỷ sản gần bờ.


 Chậm nhất đến cuối tháng 5/ 2011, thành phố Nha Trang còn phải phối hợp với các cơ quan liên quan giải toả ngay các vật nổi trên mặt nước, các bẫy đánh bắt thuỷ sản tại bãi biển Trần Phú, Phạm Văn Đồng và xung quanh các đảo; đồng thời tiến hành triển khai quy hoạch một số điểm nuôi trồng thuỷ sản kết hợp với du lịch sinh thái và bảo vệ môi trường biển tại một số đảo.


Bên cạnh đó, Ban quản lý Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang phối hợp với các cơ quan hữu trách, nghiên cứu xây dựng kế hoạch bảo tồn và bảo vệ toàn bộ khu vực vịnh Nha Trang. Việc này phải hoàn thành chậm nhất là cuối tháng 6 năm nay để trình UBND tỉnh xem xét.


Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là khi người dân đang nuôi các loại thuỷ sản trong vịnh với nhiều chu kỳ nuôi khác nhau, việc tháo dỡ, di chuyển số lồng, bè nuôi đi nơi khác sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình chăn nuôi của họ, thậm chí có thể gây nên tổn thất lớn.


 Hơn nữa, từ năm 2004, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quyết định 149/2004/QĐ-UB, quy định về tiêu chuẩn hoạt động đối với tàu du lịch trên địa bàn tỉnh. Theo đó các tàu này phải lắp đặt nhà vệ sinh tự hoại, nhưng trong thực tế do chi phí khá cao, nên không mấy chủ tàu ở vịnh Nha Trang thực hiện chỉ đạo này, còn cơ quan chức năng cũng không nghiêm túc kiểm tra, xử phạt những trường hợp vi phạm.


Theo ông Trương Kỉnh- Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang, vì vịnh có mức độ đa dạng sinh học cao, là di sản văn hoá, nên nó phải được xem là một khu vực đặc biệt.


Tất cả các hoạt động kinh tế, xã hội diễn ra trong vịnh Nha Trang đều phải được đặt trong tầm kiểm soát. Riêng việc nuôi trồng thuỷ sản cần được nhanh chóng triển khai theo quy hoạch và quản lý chặt chẽ, để vừa đảm bảo đời sống của ngư dân, vừa không gây ô nhiễm môi trường. Về lâu dài chỉ nên tổ chức nuôi trồng thuỷ sản kết hợp du lịch và nuôi các đối tượng thân thiện với môi trường.


Các chủ trương nói trên của tỉnh Khánh Hòa trong việc bảo vệ, tôn tạo và gìn giữ vịnh Nha Trang- một danh thắng cấp quốc gia là điều cần thiết và cấp bách.


Phần còn lại là phải “hành động” như thế nào để đời sống ngư dân vốn gắn bó bao đời với vịnh Nha Trang không biến động. Đồng thời cần phải xử nghiêm khắc mọi trường hợp vi phạm những quy định chung, làm tổn hại đến vịnh, như trường hợp những chiếc tàu không có toilet tự hoại.

Tiên Minh