10:09 29/10/2011

Vĩnh Long: Phòng, chống triều cường vùng rốn lũ

Vĩnh Long tuy không phải là tỉnh đầu nguồn nhưng những đợt triều cường, nước trên các sông và trong nội đồng lên cao và rút chậm, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của dân, nhất là ở những vùng cù lao ven sông.

Vĩnh Long tuy không phải là tỉnh đầu nguồn nhưng những đợt triều cường, nước trên các sông và trong nội đồng lên cao và rút chậm, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của dân, nhất là ở những vùng cù lao ven sông, vùng phía Bắc quốc lộ 1A thuộc các huyện Bình Tân, Bình Minh - nơi được coi là vùng rốn lũ.

Nước lũ tràn qua quốc lộ 1A, đoạn qua Vĩnh Long hồi cuối tháng 9.


Tại huyện Bình Tân, triều cường lên cao và đang diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng trực tiếp sản xuất và đời sống người dân. Từ ngày 26/10, các cán bộ lãnh đạo của Huyện ủy, UBND và các ngành chức năng huyện Bình Tân đã về cơ sở cùng địa phương chỉ đạo các biện pháp phòng chống ngập tràn bảo vệ sản xuất. Bí thư huyện ủy Nguyễn Minh Tho đã đến thăm, động viên các hộ dân ở xã Tân Hưng bị ảnh hưởng do lốc xoáy; đồng thời hỗ trợ khẩn cấp cho 3 hộ bị thiệt hại nặng, mỗi hộ 4,5 triệu đồng. C ác địa phương đều đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động, tích cực gia cố, tôn cao bờ bao, mặt đập, cống… nhằm hạn chế ngập tràn; không ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ, chi viện của cấp trên.

Thực tế ở huyện Bình Tân, biện pháp sử dụng bao cát để ngăn lũ và chống tràn rất có hiệu quả trong mấy đợt triều cường vừa qua. Thực hiện sự chỉ đạo của Ban chỉ huy PCLB & TKCN huyện, mỗi hộ dân chuẩn bị sẵn vài chục cây trụ, dây và ít nhất 50 bao tải cát, máy bơm để khi cần có ngay phương tiện gia cố, kè, đắp khu vực sạt lở và bơm tát. Tại xã Thành Trung huyện Bình Tân, nước lên cao đã làm ngập 355 căn nhà, gần ½ chiều dài các tuyến đường và 2,5 km bờ vùng, gần 40 cống đập bị ngập tràn và sạt lở (các công trình này chỉ có cao trình 1,8 m). Nhiều diện tích đất sản xuất của xã (gồm 70 ha vườn, 71 ha khoai lang, 36 ha lúa) bị ngập tràn và rút chậm. Để chủ động đối phó, xã đã vận động các hộ dân kê kích đồ dùng lên cao, đắp đất hoặc dùng vải cao su trải trên các tuyến đường đal ngăn lũ tràn, chủ động tôn cao bờ vùng, mặt đập, đường đal liên quan đến từng gia đình; sử dụng máy bơm tích cực tiêu nước cho vườn cây ăn trái, rau màu, khoai lang giống và lúa đông xuân sớm. Phương châm “4 tại chỗ” được phát huy tối đa. Trong đó, xã điều động trung đội cơ động trực sẵn sàng ứng cứu hỗ trợ dân khắc phục tạm thời 300m bờ vùng, gia cố 100 m đường đan, 37 đập bị vỡ và sạt lở. Huyện điều động 10 máy bơm tát chi viện cho xã hỗ trợ vùng ngập sâu trồng khoai lang giống và lúa đông xuân sạ sớm.

Ở huyện Bình Minh ven sông Hậu, theo báo cáo của Phòng NN&PTNT huyện, trong những ngày qua, triều cường đã làm ngập 3.633 căn nhà, 17 trường học, 54 đoạn đường đal, 59 bờ bao, đập bị tràn và sạt lở với tổng chiều dài hơn 2.700 mét. Ngoài ra, lũ còn ngập hơn 286 ha vườn cây ăn trái, hơn 2.100 mét vuông ao nuôi thủy sản và gần 160 ha diện tích rau màu. Vùng chuyên canh bưởi Năm Roi xã Mỹ Hòa huyện Bình Minh, đê bao cồn Sừng đe dọa bị vỡ, có 1 số đoạn đã bị sạt lở nghiêm trọng, người dân địa phương đã chủ động bơm, tát, gia cố bờ bao, mặt đập. Trong những ngày qua, triều cường dâng cao, đã làm vỡ đập dài 2m tại cồn Sừng. Ban chỉ huy PCLB- TKCN huyện đã điều động lực lượng dân quân phối hợp cùng với nhân dân khắc phục ngay nhằm bảo vệ 40ha trồng bưởi, chôm chôm và tính mạng 147 hộ dân đang sinh sống tại đây. Các hộ dân trong khu vực đã chủ động bơm tát để cứu vườn cây khỏi bị ngập sâu. Tại xã Thuận An huyện Bình Minh- vùng chuyên canh rau xà lách xoong lớn nhất tỉnh Vĩnh Long - triều cường đã làm ngập ngập 4,6km đường QL1A và các tuyến tỉnh lộ; 19,3km đường đan nông thôn;135ha hoa màu bị ngập. Xã Thuận An là địa phương chịu thiệt hại nhất với hơn 50 ha cải xà lách xoong bị ngập, nguy cơ mất trắng trên 50% diện tích ở các ấp Thuận Thới, Thuận Thành, Thuận Phú A và Thuận Phú B. Hiện nay các hộ dân đã bám trụ, theo dõi sát tình hình triều lên, chủ động gia cố tôn cao bờ bao, bơm tát. Ban chỉ huy PCLB huyện và xã đã điều động hàng chục máy cơ giới Kobe, 100 dân quân cùng với nhân dân địa phương chủ động gia cố tuyến đê bao Rạch Múc từ xã Thuận An đến Miễu Bà dài 3.000m và hỗ trợ 1.500m vải cao su trắng cho các hộ dân chống rỉ nước trên 15ha xà lách soong ở ấp Thuận Thới...

Cùng với việc huy động lực lượng tại chỗ, phát huy sức dân trong bảo vệ sản xuất, bảo vệ tài sản, tại các xã vùng chuyên canh rau màu của 2 huyện vùng rốn lũ của tỉnh, trong đợt triều cường, mỗi ngày luôn có trên 100 dân quân tự vệ, lao động tại chỗ và 3 đến 4 máy kobe, máy bơm tát công suất lớn túc trực tại các điểm nóng để kịp thời ứng phó, hỗ trợ vùng ngập sâu nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do triều cường gây ra./.


Phạm Thị Bình