09:15 27/09/2011

Vĩnh Long hỗ trợ xã điểm nông thôn mới chuyển đổi cơ cấu sản xuất

Trong quý 3/2011, các chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM)tỉnh Vĩnh Long đã cho vay 241 tỷ đồng đối với các xã nông thôn mới nhằm đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế xã hội, phát triển ngành nghề nông thôn.

Năm 2011, tỉnh Vĩnh Long đã chỉ đạo chi nhánh Ngân hàng Thương mại (NHTM) tập trung vốn cho lĩnh vực phát triển nông nghiệp – nông thôn (NN-NT), ưu tiên cho vay 22 xã điểm để đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế xã hội, phát triển ngành nghề nông thôn.

Với lợi thế 55/89 điểm giao dịch ở huyện, thị trấn, cụm liên xã, các chi nhánh NHTM đã đưa các dự án, chương trình tín dụng, dịch vụ ngân hàng tiếp cận hộ nông dân và doanh nghiệp ở nông thôn. Do vậy, trong quý 3/2011, các chi nhánh NHTM trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long cho vay 241 tỷ đồng đối với các xã nông thôn mới.

Dựa vào định hướng chuyển dịch cơ cấu sản xuất, các ngân hàng thực hiện khảo sát kinh tế hộ, phân loại khách hàng để có phương thức đầu tư thích hợp. Đặc biệt, ngân hàng chú trọng xây dựng hạn mức tín dụng cho vay hộ với quy trình khép kín, các mô hình chuyển đổi ngành nghề... Đồng thời các mô hình sản xuất chuyên màu cũng được ưu tiên về nguồn vốn: trồng khoai lang ở xã Thành Đông, trồng hành lá ở xã Tân Thành (huyện Bình Tân)...

Đến cuối tháng 9, dư nợ tín dụng cho vay 22 xã điểm nông thôn mới đạt 912 tỷ đồng trong đó dư nợ cho vay ngắn hạn 567 tỷ đồng hỗ trợ phát triển các dự án phát triển sản xuất và dư nợ cho vay trung và dài hạn 345 tỷ đồng đầu tư các dự chiều sâu phát triển sản xuất và xây dựng hạ tầng xã nông thôn mới.

Từ nay đến cuối năm 2011, các chi nhánh NHTM chú trọng đầu tư chiều sâu cho các xã thay đổi giống cây trồng, vật nuôi; ưu tiên cho vay các hộ phát triển sản xuất theo hướng trang trại và nuôi trồng thủy sản theo vùng quy hoạch, tăng mức cho vay đối với các dự án kinh tế hộ có hiệu quả. Toàn tỉnh phấn đấu cuối năm 2011 đưa tỷ trọng dư nợ cho vay NN-NT chiếm 46% trên tổng dư nợ qua đó, tạo thêm việc làm, hoàn thành các tiêu chí về hạ tầng nông thôn, cơ cấu lao động, đảm bảo mục tiêu thoát nghèo bền vững.

Huỳnh Kim Phượng