08:23 02/08/2012

Vĩnh Long giảm nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc

Huyện Bình Minh (Vĩnh Long) là 1 trong 4 huyện có đông đồng bào Khmer sinh sống. Đời sống của nhiều hộ trong huyện còn khó khăn do thiếu đất sản xuất, thiếu vốn để làm ăn, buôn bán.

Huyện Bình Minh (Vĩnh Long) là 1 trong 4 huyện có đông đồng bào Khmer sinh sống. Đời sống của nhiều hộ trong huyện còn khó khăn do thiếu đất sản xuất, thiếu vốn để làm ăn, buôn bán. Hiện tại, huyện đang tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhằm nâng cao đời sống, giúp các hộ đồng bào Khmer giảm nghèo bền vững.


Nhờ mô hình chăn nuôi đã giúp cho bà con Khmer có thu nhập ổn định.

 

Thực hiện Quyết định 74 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Bình Minh tổ chức nhiều lớp dạy các nghề may công nghiệp, hồ, mộc, thủ công nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt... cho người lao động, trong đó có hơn 300 lao động là người Khmer, giúp bà con có việc làm tại nhà hoặc có thể làm việc ở các khu công nghiệp. Sau khi học nghề, hộ nào có nhu cầu vốn để phát triển sản xuất, đều được chính quyền và các ngành chức năng xem xét cho vay.


Hiện nay, huyện Bình Minh có gần 200 nữ lao động người dân tộc Khmer đang làm việc trong khu công nghiệp Trà Nóc (Cần Thơ); gần 70 lao động ở khu công nghiệp Hòa Phú, huyện Long Hồ, Vĩnh Long; gần 70 lao động khác tại các công trình xây dựng... Năm 2011 và 2012, huyện còn tổ chức những tổ chuyên nhận thu hoạch khoai lang, trong đó đa số là người Khmer. Nhờ đó, đã tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều bà con, khắc phục dần tình trạng cả gia đình đi làm thuê, làm mướn xa, ảnh hưởng đến việc học hành của con em. Đến nay tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer ở Bình Minh chỉ còn 29,77%, giảm hơn 17% so với năm 2008.


Không chỉ giúp đồng bào Khmer phát triển về kinh tế, huyện còn chú trọng nâng cao trình độ trong đồng bào dân tộc. Huyện đã hoàn thành phổ cập tiểu học và sắp hoàn thành phổ cập trung học trong đồng bào dân tộc; tỷ lệ trẻ đến tuổi vào trường được duy trì ở mức độ cao. Để tạo nguồn cán bộ là con em đồng bào Khmer có trình độ cao, hàng năm huyện đều thực hiện tốt các chế độ cử tuyển. Chỉ tính riêng năm 2011, huyện đã cử tuyển 21 em, nâng tổng số toàn huyện có hơn 70 học sinh người Khmer đang học các trường đại học, trung học chuyên nghiệp trong, ngoài tỉnh.


Bài và ảnh: Phạm Thị Bình