12:08 25/12/2012

Việt Nam 'về đích' 2012 với kỳ tích xuất siêu

Với “kỳ tích” lần đầu tiên xuất siêu 284 triệu USD sau 20 năm và lạm phát cả năm được kiểm soát thấp hơn chỉ tiêu của Quốc hội đề ra, kinh tế Việt Nam đã vượt qua rất nhiều gian khó để “về đích” 2012.

Với “kỳ tích” lần đầu tiên xuất siêu 284 triệu USD sau 20 năm và lạm phát cả năm được kiểm soát thấp hơn chỉ tiêu của Quốc hội đề ra, kinh tế Việt Nam đã vượt qua rất nhiều gian khó để “về đích” 2012. Đó là hoàn thành mục tiêu cao nhất: ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đồng thời vẫn có mức tăng trưởng đáng ghi nhận. Tuy nhiên, những “kỳ tích” này cũng đặt ra thách thức lớn cho công tác điều hành vĩ mô của năm 2013!

 

*“Về đích” trên cả kỳ vọng

 

Tại buổi họp báo công bố số liệu kinh tế-xã hội năm 2012, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK) Đỗ Thức khẳng định: Mặc dù trong 3 quý đầu năm khó khăn thách thức là rất lớn khi tồn kho tăng cao, lãi suất vay vốn ngân hàng tăng chóng mặt khiến sản xuất trong nước bị đình trệ nhưng với sự “chung tay” của Chính phủ và các bộ ngành quyết liệt triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời và khá hiệu quả, “con thuyền” kinh tế 2012 đã “neo được bến” an toàn khi lạm phát cả năm chỉ ở mức 6,81%, thấp hơn cả chỉ tiêu của Quốc hội giao, góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu cao nhất là ổn định kinh tế vĩ mô.

 

Bốc xếp gạo xuất khẩu tại Công ty cổ phần lương thực Hậu Giang. Ảnh: Duy Khương – TTXVN

 

Đặc biệt, vượt lên sự cạnh tranh khốc liệt của các nước trong khu vực, sản phẩm hàng hóa của Việt Nam vẫn giành được chỗ đứng đáng nể trên thị trường quốc tế khi kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt mức 114,6 tỷ USD, tăng 18,3% so với năm 2011 và đóng góp tới 30% vào tăng trưởng GDP chung của cả nước.

 

Cùng chung quan điểm này, Vụ trưởng Vụ Thương mại và dịch vụ TCTK, bà Lê Thị Minh Thủy nhấn mạnh: Thành tích xuất khẩu đúng là “điểm sáng” nhất trong bức tranh kinh tế năm 2012. Theo bà Thủy, quý I/2009, Việt Nam cũng xuất siêu gần 1,4 tỷ USD nhưng đó là xuất siêu vàng. Còn năm nay, xuất siêu ở 3 quý là nhờ xuất siêu hàng hóa; trong đó, đóng góp lớn nhất vào kim ngạch chung là nhờ xuất khẩu được gần 13 tỷ USD sản phẩm điện thoại-linh kiện các loại (tăng gần gấp đôi) và 8 tỷ USD sản phẩm máy tính-linh kiện điện tử (tăng gần 70%).

 

Với nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là nông sản, mặc dù yếu tố giá xuất khẩu bị sụt giảm; trong đó gạo giảm 11%, cao su giảm 29%... nhưng sự tăng về lượng xuất khẩu, nhất là xuất khẩu gạo lần đầu tiên lập kỷ lục 8 triệu tấn đã góp phần bù đắp rất lớn vào kim ngạch xuất khẩu. Việt Nam chỉ nhập siêu 160 triệu USD trong quý 2, còn lại các quý đều xuất siêu. Đây là tín hiệu tốt, đóng góp tốt cho tăng trưởng GDP, ổn định tỷ giá, đồng thời tăng thanh khoản đáng kể về ngoại tệ cho ngân hàng, bà Thủy khẳng định.

 

Năm 2012, mặc dù chỉ tiêu về tăng trưởng GDP cả năm chỉ đạt 5,03%, thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng nếu xét trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều diễn biến bất thường, đầu tư công sụt giảm mạnh thì kết quả này đã là nỗ lực rất lớn của Chính phủ, các bộ ngành và cộng đồng doanh nghiệp, ông Thức khẳng định.

 

*Nhưng chưa thể “vội mừng”

 

Với đặc thù là nước đang phát triển và ngành sản xuất công nghiệp hiện vẫn chủ yếu là gia công lắp ráp nên nhập khẩu của Việt Nam thời gian qua chủ yếu là nguyên nhiên liệu đầu vào để đáp ứng tới 80% nhu cầu phục vụ sản xuất. Vì vậy, việc kim ngạch nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào của khối doanh nghiệp trong nước năm 2012 giảm tới 6,7% trong khi nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI lại tăng tới 23,5% cho thấy sản xuất trong nước vẫn hết sức khó khăn, ông Đỗ Thức nhắc lại những cảnh báo đã đưa ra vào cuối năm 2011 khi cán cân xuất khẩu “đuổi sát nút” nhập khẩu.

 

Theo ông Thức, xét về cơ cấu hàng xuất khẩu, khối doanh nghiệp FDI chủ yếu nhập khẩu máy móc linh kiện về gia công lắp ráp nên hiệu quả mang lại cho nền kinh tế chủ yếu ở góc độ giải quyết công ăn việc làm cho lao động, còn đóng góp thực chất về giá trị là không lớn. Vì vậy, điểm sáng xuất khẩu năm 2012 cũng đặt ra những vấn đề cần khắc phục cho năm 2013, nhất là trong việc tiếp tục cần tăng cường đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo để hạn chế dần sự lệ thuộc vào nhập khẩu nguyên vật liệu cho sản xuất cũng như xuất thô sản phẩm.

 

Cùng chung quan điểm này, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, ông Lương Văn Tự cho biết kim ngạch xuất khẩu cà phê năm 2012 của Việt Nam đã lên tới 3 tỷ USD, cao hơn nhiều so với năm 2011 nhưng kim ngạch này hoàn toàn có thể tăng lên 6 tỷ USD trong những năm tới nếu Việt Nam tập trung đầu tư vào chế biến sâu, thay vì chỉ chủ yếu xuất thô như hiện nay.

 

*Cẩn trọng “bẫy hai tăng, một giảm”

 

Lạm phát 2012 thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội giao nhưng lại diễn biến khác thường so với các năm cả về tốc độ tăng theo thời gian, cơ cấu nhóm hàng. Điều đáng nói là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng cao bất thường vào tháng 9 khi cả hai nhóm y tế và giáo dục được cho phép điều chỉnh đồng thời. Việc điều chỉnh giá điện, giá xăng hay giá dịch vụ y tế, giáo dục theo tín hiệu thị trường là cần thiết để nền kinh tế phát triển lành mạnh, thực chất, nhất là khi Việt Nam đã hội nhập rất sâu vào kinh tế thế giới. Tuy nhiên, việc điều hành phải linh hoạt, nhịp nhàng, tránh sự “giật cục” để không mắc lại những sơ suất như hồi tháng 9, ông Thức cảnh báo.

 

Theo TCTK, năm 2012, nếu loại trừ yếu tố tăng giá của nhóm giáo dục và y tế thì bản chất CPI cả năm chỉ tăng trên 3%.

 

Cũng chỉ ra những thách thức cho điều hành vĩ mô năm 2013, Vụ phó Vụ giá TCTK Ngô Ánh Dương cho rằng năm 2013, khoảng trên 30 tỉnh, thành sẽ điều chỉnh giá giường bệnh nên đây sẽ là nhân tố đóng góp lớn vào tăng CPI. Ngoài ra, theo lộ trình điều chỉnh giá một số mặt hàng thiết yếu như điện, gas, xăng dầu, than theo giá thị trường để giảm bớt gánh nặng ngân sách, công tác điều hành vĩ mô càng cần phải linh hoạt, cẩn trọng hơn bao giờ hết để tránh bẫy “hai tăng, một giảm” như những gì nền kinh tế đã trải qua từ năm 2009 chuyển sang năm 2010.

 

Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia TCTK Hà Quang Tuyến cũng cảnh báo: Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ bơm tiền ra “cứu” doanh nghiệp nhưng để việc “bơm tiền” này không tác động bất lợi lên mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2013, công tác giám sát, hậu kiểm cần phải được tăng cường cao độ để đảm bảo tiền nhà nước “chảy” vào đúng nơi cần đến và vào đúng thời điểm cần thiết.

 

Đồng tình với quan điểm này, ông Thức cũng cho rằng: Việc tái cơ cấu doanh nghiệp cần đẩy mạnh và quyết liệt hơn theo nghĩa tiền nhà nước chỉ nên tập trung đầu tư cho các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, mang lại đóng góp thực sự cho nền kinh tế, còn doanh nghiệp làm ăn yếu kém thì cũng không cần thiết phải cố níu giữ.

 

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, năm 2013, lạm phát sẽ có thể kiểm soát ở mức 8% nếu như công tác điều hành và dự báo linh hoạt, sát thực hơn. Ngoài ra, với tình hình kinh tế thế giới vẫn được dự báo kém lạc quan, đầu tư công của Việt Nam lại không thể tăng “một sớm một chiều” trong khi tăng trưởng GDP năm 2011 chỉ là 5,89% và năm 2012 này là 5,03% thì việc đạt mục tiêu tăng trưởng quanh mức 7% cho cả giai đoạn 5 năm (2011-2015) sẽ rất “chông gai” nếu như không có những giải pháp đột phá thực sự, ông Thức nhấn mạnh.

 

 

Nguyễn Kim Anh