TPP sẽ tác động nhiều chiều đến kinh tế Việt Nam

Việc tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ tạo cơ hội mới cho Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội, nhất là xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Ông Trần Quốc Khánh (ảnh), Thứ trưởng Bộ Công Thương - Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam đã trả lời PV báo Tin Tức về tác động của TPP đến kinh tế Việt Nam.


Thưa ông, có ý kiến cho rằng, Việt Nam có thể là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 nước tham gia TPP. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Về mặt kinh tế, theo tính toán của các chuyên gia kinh tế độc lập, trong điều kiện các yếu tố khác đều thuận lợi, TPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025.

Đối với xuất khẩu, việc các nước, trong đó có các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Canađa giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa của Việt Nam sẽ tạo ra “cú hích” lớn. 

Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam

Bên cạnh đó, tham gia TPP sẽ giúp Việt Nam và các nước có được các cơ hội mới từ chuỗi cung ứng mới, được hình thành sau khi TPP có hiệu lực. Các nước TPP chiếm tới 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu, lại bao gồm các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, chắc chắn sẽ mở ra rất nhiều cơ hội khi chuỗi cung ứng mới hình thành. Một số tập đoàn, công ty lớn trên thế giới đã cân nhắc đầu tư vào Việt Nam với mục tiêu biến Việt Nam trở thành một trong những cứ điểm quan trọng trong chuỗi sản xuất của họ. Tham gia TPP sẽ giúp xu hướng này phát triển mạnh hơn, là điều kiện quan trọng để nước ta bước sang giai đoạn phát triển các ngành mới, có hàm lượng công nghệ cao hơn. 

Cam kết trong TPP về dịch vụ và đầu tư dự kiến sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Nhiều nghiên cứu khẳng định rằng đầu tư nước ngoài sẽ gia tăng khi Hiệp định TPP có hiệu lực.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, với hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có tham gia sân chơi TPP, đi cùng với cơ hội sẽ có cả các các rủi ro và thách thức. Lợi ích từ TPP sẽ chỉ có được khi chúng ta tận dụng tốt các cơ hội.


Hiện nay, có nhiều ý kiến lo ngại về việc TPP sẽ gây sức ép đối với sản xuất nông nghiệp, nhất là về chăn nuôi. Ông có thể làm rõ thêm về vấn đề này?

Về thương mại hàng hóa, với một số chủng loại nông sản mà Hoa Kỳ và một số nước khác trong TPP (Australia, New Zealand, Chile) có thế mạnh, sức ép cạnh tranh là khá lớn khi thuế được đưa về 0%, trong đó nổi bật là thịt lợn, thịt gà. Đây là những mặt hàng ta đã sản xuất được nhưng sức cạnh tranh còn yếu. Một số nông sản khác cũng sẽ gặp khó khăn nhưng ở mức độ nhẹ hơn vì những sản phẩm này ta vẫn phải nhập khẩu với số lượng lớn, trong nước dù sao cũng đã quen với cạnh tranh, đó là sản phẩm sữa, đậu tương, ngô và nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc.

“TPP mang đến cơ hội song cơ hội không tự biến thành lợi ích, không tự biến thành sức mạnh của thị trường thông qua chủ sở hữu là doanh nghiệp, người dân và Nhà nước. Tôi rất lo cho doanh nghiệp, nhưng tôi lo cho Nhà nước nhiều hơn bởi doanh nghiệp chịu sức ép của cạnh tranh thì phải vươn lên, có anh sẽ chết có anh trưởng thành, song bộ máy Nhà nước trì trệ rất nguy hiểm. Nếu phản ứng chính sách tốt, mức tăng còn có thể nhiều hơn điều chúng ta nói”.

Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển

Như vậy, trong lĩnh vực nông nghiệp - chăn nuôi, cần đặc biệt coi trọng cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất, thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ... để sản phẩm nông nghiệp của ta đủ sức đứng vững trên sân nhà. Với những chương trình cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp như việc triển khai cánh đồng mẫu lớn, ta cần sớm rút kinh nghiệm để nhân rộng và phát triển hợp lý trong tương lai. Theo kết quả đàm phán, việc mở cửa thị trường trong một số lĩnh vực nông nghiệp cũng sẽ được thực hiện theo lộ trình phù hợp để hỗ trợ cho tiến trình cơ cấu lại.

Một số sản phẩm công nghiệp mà bạn hàng TPP có thế mạnh cũng có thể gây khó khăn cho sản xuất của ta, thí dụ như giấy, thép, ô tô. Tuy nhiên, có cơ sở để cho rằng sức ép cạnh tranh sẽ không lớn vì sản phẩm của ta hướng đến phân khúc thị trường trung bình trong khi sản phẩm của các nước TPP thường hướng đến phân khúc thị trường cao cấp.
Với các sản phẩm khác, giải pháp chủ yếu cũng là kéo dãn lộ trình giảm thuế để có thời gian tái cơ cấu sản xuất trong nước, thúc đẩy đầu tư quy mô lớn và áp dụng công nghệ cao để nâng dần sức cạnh tranh. Theo hướng đó, lộ trình cần được sử dụng một cách chủ động, hiệu quả, tránh tình trạng ỷ lại vào lộ trình dẫn đến chậm đổi mới và từ đó bị động, lúng túng khi thách thức đến.


Ông có lo ngại việc giảm thuế theo cam kết TPP có thể tác động đến thu ngân sách nước ta?

Do tỷ trọng thu ngân sách từ thuế nhập khẩu đang giảm dần qua các năm, việc xóa bỏ thuế nhập khẩu lại được thực hiện theo lộ trình, nên về cơ bản sẽ không gây tác động lớn và đột ngột. Bên cạnh đó, khi xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình, thu từ thuế nhập khẩu có thể giảm nhưng bù lại, số thu từ các sắc thuế khác sẽ tăng lên do sản xuất, kinh doanh phát triển, không những đủ để bù đắp số thu mất đi từ thuế nhập khẩu mà còn bổ sung thêm cho ngân sách nhà nước. Việc tính toán tác động của Hiệp định TPP lên nguồn thu từ hàng nhập khẩu, vì vậy, cần được nhìn theo cả 2 hướng. Thực tiễn cho thấy việc giảm thuế nhập khẩu theo cam kết WTO và theo 8 FTA đã có hiệu lực không ảnh hưởng tiêu cực tới thu ngân sách. Tổng thu từ hàng nhập khẩu vẫn tăng đều hàng năm kể từ năm 2006.


Không giống các hiệp định thương mại thông thường, tham gia TPP còn đòi hỏi Việt Nam phải hoàn thiện khung pháp luật, thể chế. Theo ông, điều này đặt ra thách thức gì đối với quá trình tham gia TPP của Việt Nam?

Khi tham gia TPP, việc thực thi các tiêu chuẩn cao về quản trị minh bạch và hành xử khách quan của bộ máy Nhà nước sẽ đặt ra những thách thức lớn cho bộ máy quản lý. Tuy nhiên, đây cũng là những tiêu chuẩn mà chúng ta đang hướng đến. Do đó, theo tôi, Chính phủ sẽ chủ động xây dựng chương trình để thực hiện các tiêu chuẩn cao này của TPP.

Hiệp định TPP với các tiêu chuẩn rất cao về quản trị minh bạch và hành xử khách quan của bộ máy Nhà nước sẽ giúp ta tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền; thúc đẩy hoàn thiện bộ máy theo hướng tinh gọn, trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương và phòng chống tham nhũng. Bên cạnh đó, để thực thi cam kết trong TPP, Việt Nam cũng sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi một số quy định pháp luật về thương mại, đầu tư, đấu thầu, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường…

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thu Hường (thực hiện)
Ưu và nhược điểm của TPP
Ưu và nhược điểm của TPP

Với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Mỹ nhắm đến hai mục tiêu công khai: thứ nhất là thiết lập một chế độ thương mại và điều tiết thị trường chung, mang nhiều đặc điểm của chính hệ thống Mỹ, và thứ hai là đưa sản phẩm và dịch vụ Mỹ tiếp cận một thị trường rộng lớn với hơn 800 triệu dân và chiếm gần 40% GDP thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN