Bảo hộ sở hữu trí tuệ theo TPP có gì khác?

So với WTO, các cam kết về sở hữu trí tuệ theo TPP được đánh giá là có phạm vi điều chỉnh rộng hơn, chi tiết hơn với mức bảo hộ cao hơn ở nhiều vấn đề.

May hàng xuất khẩu tại Xí nghiệp 2, Garco 10 Long Biên, Hà Nội. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

So sánh với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các cam kết về sở hữu trí tuệ theo Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được đánh giá là có phạm vi điều chỉnh rộng hơn, chi tiết hơn với mức bảo hộ cao hơn ở nhiều vấn đề.

Theo nhiều chuyên gia nghiên cứu về luật kinh tế, những cam kết về sở hữu trí tuệ trong TPP sẽ làm thay đổi cơ bản và đáng kể hệ thống pháp luật nội địa về sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, điều mà từ trước tới nay, vốn chưa được hiểu cặn kẽ và quan tâm đúng mức

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc, Trung tâm WTO và hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng hoặc bị tác động từ các cam kết về sở hữu trí tuệ theo TPP sẽ không chỉ bao gồm các doanh nghiệp sở hữu các quyền về sở hữu trí tuệ, mà còn là tất cả các doanh nghiệp đang hoặc sẽ sử dụng các sản phẩm sở hữu trí tuệ như công nghệ, máy móc thiết bị, chương trình máy tính… trong sản xuất kinh doanh. Vì thế, đây là điều thực sự cần thiết và hữu ích đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Chương về sở hữu trí tuệ là một trong những chương gây nhiều tranh cãi và khó khăn nhất trong quá trình đàm phán. Theo phân tích của một trong các thành viên đoàn đàm phán TPP, cam kết về sở hữu trí tuệ được phân loại thành 4 nhóm gồm: Nhóm những cam kết chung; nhóm các cam kết về tiêu chuẩn bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ; nhóm các cam kết về một số sản phẩm sở hữu trí tuệ đặc thù và nhóm các cam kết liên quan tới việc thực thi các quyền về sở hữu trí tuệ.
Nhóm các cam kết chung bao gồm những cam kết về việc gia nhập các Công ước quốc tế về sở hữu trí tuệ được liệt kê như nguyên tắc đối xử quốc gia, nguyên tắc minh bạch và các vấn đề về hợp tác giữa các nước TPP trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Nhóm các cam kết về tiêu chuẩn bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ gồm các cam kết về tiêu chuẩn bảo hộ đối với phần lớn các loại tài sản sở hữu trí tuệ như nhãn hiệu thương mại, sáng chế, quyền tác giả, kiểu dáng công nghiệp, bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý. Các tiêu chuẩn của TPP dựa trên và trong nhiều trường hợp là cao hơn so với các tiêu chuẩn tương ứng theo quy định của WTO.


Nhóm các cam kết về một số sản phẩm sở hữu trí tuệ đặc thù. Đây là những cam kết riêng đối với một số loại sản phẩm như dược phẩm, nông hóa phẩm, giống cây trồng, các vấn đề sở hữu trí tuệ thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin như tín hiệu vệ tinh, các công cụ bảo mật và trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ mạng…

Cuối cùng là nhóm các cam kết liên quan tới việc thực thi các quyền sở hữu trí tuệ. Theo đó, gồm các cam kết tăng cường mức độ hiệu quả thực thi và bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ, cũng như xử lý nghiêm khắc hơn các vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ…

Thạch Huê (TTXVN)
 Vượt thử thách để đón cơ hội từ TPP
Vượt thử thách để đón cơ hội từ TPP

Đó là nội dung mà Hội nghị “Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP): Cơ hội và thách thức trong kinh doanh tại Việt Nam” được Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) và Công ty cổ phần Truyền thông Nhân sự (HR Media) phối hợp tổ chức sáng ngày 8/4.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN