05:09 04/05/2011

Việt Nam là tấm gương cho các nước đang phát triển

Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng trong xóa đói, giảm nghèo cho người dân, gia nhập vào những nước có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức như: Lạm phát cao, bẫy thu nhập trung bình, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực còn nhiều bất cập…

Trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 44 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ngày 3/5/2011, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), diễn ra Hội nghị Cấp cao về kinh doanh tại Việt Nam. Ảnh: TTXVN


Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng trong xóa đói, giảm nghèo cho người dân, gia nhập vào những nước có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức như: Lạm phát cao, bẫy thu nhập trung bình, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực còn nhiều bất cập…



Đó là nhận xét chung của đa số đại biểu trong Hội nghị cấp cao về “Đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam” trong khuôn khổ Hội nghị Thường niên của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chính thức bắt đầu hôm qua (3/5) tại Hà Nội.

Xóa đói giảm nghèo ấn tượng

Theo báo cáo tại hội nghị, trong 10 năm qua, kinh tế Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 7,26%/năm, quy mô của nền kinh tế tăng gấp 3,3 lần so với năm 2000. Năm 2010, trong bối cảnh kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn đạt 6,78%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 157 tỷ USD, tăng 23,6% so với năm 2009 và tăng gấp 5 lần so với năm 2000.

Các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị. Ảnh: TTXVN


Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đã có 92 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với hơn 12.463 dự án đang có hiệu lực, tổng vốn đăng ký 194,6 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện đạt gần 80 tỷ USD. Cộng đồng quốc tế tiếp tục đánh giá cao tiềm năng phát triển của Việt Nam trong trung và dài hạn khi dành cho Việt Nam nguồn vốn ODA kỷ lục 8 tỷ USD trong năm 2010.

Cũng trong ngày 3/5, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) đã diễn ra các hội thảo chuyên đề: Hội nhập thị trường vốn và tài chính, hài hòa các quy định quản lý ở châu Á trong môi trường hậu khủng hoảng; rủi ro biến đổi khí hậu và khả năng ứng phó: Đảm bảo tương lai của khu vực; xóa bỏ khoảng cách: Thúc đẩy việc sử dụng nguồn vốn tư nhân cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; đảm bảo an sinh xã hội tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhìn từ góc độ người lao động, thanh niên và người cao tuổi. Những vấn đề được tập trung thảo luận tại các hội thảo cũng là những vấn đề mà Việt Nam đang phải đối mặt trong quá trình phát triển, hội nhập khu vực và thế giới. Vì vậy, những kinh nghiệm và khuyến nghị đưa ra tại các hội thảo này sẽ rất hữu ích đối với Việt Nam trong quá trình hoạch định chính sách và đề ra những giải pháp hữu hiệu cho những vấn đề này.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, để có được những thành tựu to lớn như ngày hôm nay, trong những năm qua, bên cạnh nỗ lực của Chính phủ và nhân dân Việt Nam, có sự đóng góp và hỗ trợ rất quan trọng của cộng đồng quốc tế, trong đó có ADB.

“Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn ghi nhận và trân trọng những ủng hộ quý báu đó và cam kết làm hết sức mình để sử dụng có hiệu quả các nguồn hỗ trợ của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói.

Đa số các đại biểu quốc tế cũng đánh giá cao những thành quả mà Việt Nam đã đạt được như: Thành tựu ấn tượng trong xóa đói, giảm nghèo cho người dân, gia nhập những nước có thu nhập trung bình.

“Việt Nam tiêu biểu cho một bài học thành công trong phát triển và là tấm gương cho các nước phát triển khác trên toàn thế giới”, Chủ tịch ADB Haruhiko Kuroda nhấn mạnh.

Lạm phát và nhiều bất cập

Tuy nhiên, hầu hết các đại biểu tham dự hội nghị đều cho rằng, không chỉ riêng Việt Nam, nhiều nền kinh tế khác cũng đang phải đối mặt với các khó khăn do tình hình kinh tế, chính trị, thiên tai trên toàn thế giới gây ra như: Lạm phát cao, bẫy thu nhập trung bình...

Riêng đối với Việt Nam, những bất cập chính vẫn là chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; các cân đối vĩ mô chưa vững chắc; thể chế kinh tế thị trường, chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng… là những điểm nghẽn, cản trở sự phát triển.

Bên cạnh đó, Việt Nam là nước dễ bị tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lụt…; vì vậy “ADB đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng các kế hoạch hành động ứng phó với những biến động xấu có thể xảy ra. Ngoài ra, các chương trình hạ tầng nông thôn của ADB đang hỗ trợ Việt Nam tăng cường khả năng chống chọi với thiên tai của người dân ở những vùng nông thôn và vùng sâu, vùng xa”, Chủ tịch ADB Haruhiko Kuroda nói.

Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, dự báo riêng giai đoạn 2011 - 2015, Việt Nam cần khoảng 300 tỷ USD cho đầu tư phát triển. Do đó, để thu hút thêm các nguồn lực, Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo lập đồng bộ và phát triển các loại thị trường như tài chính, hàng hóa, dịch vụ, lao động, khoa học và công nghệ theo hướng tự do hóa thương mại và đầu tư; giải phóng tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước vẫn là những ưu tiên hàng đầu.

Kể từ năm 1993 đến tháng 3/2011, ADB đã phê duyệt 105 khoản vay cho Chính phủ Việt Nam, trị giá 9,39 tỷ USD, một khoản bảo lãnh trị giá 325 triệu USD, 246 dự án hỗ trợ kỹ thuật, trị giá 201,9 triệu USD và 26 dự án tài trợ khác trị giá 150,1 triệu USD. Việt Nam cũng tham gia vào các dự án hỗ trợ kỹ thuật của ADB dành cho tiểu vùng sông Mê Công. Hiện nay, Việt Nam là một trong những thành viên tiếp nhận nhiều nguồn tài trợ nhất từ Quỹ Phát triển châu Á (AFD) và cũng là nước được ADB cung cấp đáng kể các khoản vay thông thường (OCR).

Trong bối cảnh dư chấn của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu vẫn còn tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, quan điểm của Việt Nam vẫn là kiên trì thực hiện đổi mới toàn diện và hiệu quả nền kinh tế.

Trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 - 2020, mục tiêu của Việt Nam là đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo nền tảng để đến năm 2020 đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Hôm nay (4/5), Hội nghị sẽ tập trung thảo luận các vấn đề: Theo đuổi tăng trưởng bền vững và thịnh vượng, những thay đổi về xu hướng tăng trưởng toàn cầu và luồng vốn vào châu Á, Thảo luận nhóm cấp cao giữa ADB- IMF- Bộ Tài chính Nhật Bản, ASEAN+3 và Pháp… Hội nghị sẽ diễn ra trong ba ngày (3-6/5/2011).

Ý KIẾN:

Giáo sư Kenichi Ohno, Đại học Nghiên cứu Chính sách (Nhật Bản): Thay đổi tư duy điều hành chính sách

Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong tự do hóa và hội nhập và đạt một số bước tiến nhất định trong cổ phần hóa. Tuy nhiên, tăng trưởng trước đây chủ yếu dựa vào mở cửa thương mại và luồng tiền ngoại tệ đổ vào thông qua các nguồn ODA, FDI, kiều hối, đầu tư vào chứng khoán và bất động sản thay vì dựa trên năng suất và đổi mới.

Vì vậy, để tăng trưởng bền vững, Việt Nam phải đưa ra các chính sách thúc đẩy, thậm chí bắt buộc như: Tích lũy tri thức, kỹ năng và công nghệ. Việt Nam có thể học hỏi nhiều từ những thực tiễn chính sách tốt nhất của các nước láng giềng trong Đông Nam Á.

Việt Nam đã đạt mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2008,  GDP bình quân đầu người đạt 1.200 USD/năm nhưng những chính sách cải thiện nguồn lực con người vẫn chưa được xây dựng. Việt Nam không thể tiếp tục thu hút đầu tư dựa vào lắp ráp đơn giản với lao động không có kỹ năng. Các ngành công nghiệp này sẽ rút khỏi Việt Nam khi mức lương tăng lên và hội nhập ngày càng sâu rộng. Khi không tạo ra được giá trị trong nước, Việt Nam có nguy cơ gặp phải bẫy thu nhập trung bình.
 
Ưu tiên kiềm chế lạm phát ở mức 11,75%

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc: Mục tiêu trong năm 2011 là kiềm chế lạm phát, tính chung 4 tháng đầu năm nay, CPI đã tăng 9,64%. Do vậy, năm nay, Chính phủ phấn đấu chỉ số  CPI xấp xỉ như năm 2010, khoảng 11,75%. Năm nay sẽ không ưu tiên tăng trưởng, nhưng vẫn dự tính mức tăng trưởng hợp lý, khoảng 6,5%, thấp hơn năm 2010.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu: Quốc hội khóa XII thông qua chỉ tiêu lạm phát 7% cho năm 2011,  khi đó chưa có nhân tố: Giá cả tăng cao, diễn biến chính trị phức tạp ở Trung Đông, Bắc Phi, động đất Nhật Bản… Chỉ tiêu này đến nay chưa được điều chỉnh.. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã chủ động đề ra những giải pháp mạnh mẽ nhằm kiểm soát đà tăng giá cả và ổn định vĩ mô.


Hữu Vinh