04:22 06/04/2015

Việt Nam là niềm tự hào của cách mạng Cuba (Tiếp theo và hết)

Niềm tin vào sức mạnh ý chí và thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến tưởng chừng như không cân sức ấy lớn dần theo những năm tháng ông Julio García Oliveiras công tác, sinh hoạt, sẻ chia với những người đồng chí cách quê hương mình nửa vòng trái đất.

Niềm tin vào sức mạnh ý chí và thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến tưởng chừng như không cân sức ấy lớn dần theo những năm tháng ông Julio García Oliveiras công tác, sinh hoạt, sẻ chia với những người đồng chí cách quê hương mình nửa vòng trái đất. Như chính ông thổ lộ, điều gây ấn tượng nhất với ông trong những năm tháng tại Việt Nam là chủ nghĩa anh hùng, không phải theo nghĩa đao to búa lớn, mà là trong từng con người, từng hành động giản dị nhất.

Đồng chí Julio García Oliveiras (trái) cùng Lãnh tụ Fidel Castro (giữa) và Chủ tịch Raúl Castro (phải).


Ngay đêm đặt chân tới Việt Nam, những tưởng thủ đô của một đất nước thường xuyên bị không kích phải chìm đắm trong đêm tối và luôn trong tình trạng căng thẳng; nhưng không, ông vẫn thấy một Hà Nội sáng đèn và mọi sinh hoạt vẫn diễn ra với nhịp độ bình thường. Trên đường đi Thanh Hóa, trong chuyến đi công tác ngoại tỉnh đầu tiên, đoàn xe của ông đã phải dừng chân gần Nam Định để tránh máy bay Mỹ oanh tạc, và ông đã kinh ngạc chứng kiến hai người nông dân Việt Nam vẫn bình thản tát nước bên đồng “như thể bom đạn chỉ là mưa rơi”. Cũng trong chuyến đi ấy, khi qua cầu Hàm Rồng, tới cầu Đò Lèn, ông García đã chứng kiến hàng trăm thanh niên vác đá sửa cầu sửa đường bị bom địch phá hoại, “nhưng điều không thể tin nổi là trong lao động vất vả và giữa hoàn cảnh ác liệt ấy, họ vẫn hát, hăng say và vui vẻ”. Trong con mắt của Đại sứ Cuba khi ấy, đó là điều phi thường của một dân tộc phi thường.

Cứ như vậy, những trải nghiệm, ấn tượng về chủ nghĩa anh hùng trong sự bình dị của nhân dân Việt Nam cứ tích lũy dần trong suốt 3 năm công tác của ông García tại Việt Nam. Nhà cựu ngoại giao Cuba kể lại, sau này ông có dịp đi nhiều nơi, từng đứng cùng chiến hào với một số dân tộc trên thế giới, nhưng chưa ở đâu ông lại thấy ý chí cách mạng kiên cường như thế. Ông đã đi tới kết luận: “với ý chí ấy, tinh thần ấy, khi mà “Quyết chiến quyết thắng” không phải là một khẩu hiệu hô hào mà đã trở thành hành động của từng chiến sĩ, người dân, Việt Nam sẽ không thể bị đánh bại”. Theo quan điểm của một người từng nhiều năm nghiên cứu về Việt Nam cả trong sách vở lẫn trên thực địa ấy, sự kiện 30/4/1975 không chỉ hoàn toàn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đánh dấu thắng lợi tuyệt đối của Cách mạng Việt Nam trong cuộc kháng chiến giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, mà còn là một sự kiện làm thay đổi tiến trình lịch sử thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp (thứ 2 từ trái sang) đón tiếp đồng chí Raúl Castro (giữa) - khi đó là Bộ trưởng Quốc phòng Cuba - vào tháng 9/1966. Ông Julio García đi ngoài cùng bên phải.


Ông Garcia cho rằng, thế kỷ XX, theo một nghĩa tương đối, là “thế kỷ của Mỹ”: họ bắt đầu thâu tóm quyền lực toàn cầu qua cuộc chiến tranh với Tây Ban Nha hồi đầu thế kỷ và tước từ tay thế lực thực dân cũ này quyền kiểm soát Philippines, Guam, Puerto Rico…; và tới sau Chiến tranh thế giới thứ II, sức mạnh đế quốc của họ lên tới đỉnh cao, khi các cường quốc khác bị chiến tranh tàn phá và hầu hết trở thành “con nợ” của Washington. Nhưng có hai sự kiện, đều đến từ những quốc gia đang phát triển có tiềm lực khiêm tốn, đã thay đổi đà tiến lịch sử đó.

Ở tầm khu vực, đó là Chiến thắng Girón (4/1961) của nhân dân Cuba là thất bại quân sự đầu tiên và cho tới nay là duy nhất của Mỹ tại Mỹ Latinh. Chiến thắng của quân dân Cuba chống lại cuộc đổ bộ xâm lược của gần 1.500 lính Mỹ xóa tan hình ảnh bất bại và là niềm cổ vũ tinh thần lớn lao cho các lực lượng tiến bộ tại Mỹ Latinh - khu vực mà Washington trước đó thường có thói quen can thiệp thô bạo và trắng trợn, từ Nicaragua, Haiti tới Cộng hòa Dominicana v.v…

Còn trên phạm vi thế giới, theo nhận xét của ông García, bản anh hùng ca của quân và dân Việt Nam, với đỉnh cao là chiến thắng 30/4/1975 - bất chấp việc đế quốc Mỹ đã đổ ra vô vàn tiền của, áp dụng các loại vũ khí, công nghệ chiến tranh tối tân, sử dụng mọi loại chiến lược, chiến thuật và mưu đồ thâm độc - chính là sự khích lệ với toàn thể những dân tộc bị áp bức và các phòng trào tiến bộ. Nhiều thế hệ người Mỹ đã bị dày vò vì cuộc chiến tàn bạo và phi nghĩa mà họ đã gây ra ở Việt Nam, còn chính quyền Mỹ, với ám ảnh thất bại tại Việt Nam, đã không còn tiến hành hình thức chiến tranh hủy diệt ồ ạt để đạt được mục đích thống trị của mình nữa, dù họ cũng không bao giờ từ bỏ tham vọng và chính sách can thiệp vào nước khác.

Với cuộc kháng chiến thần kỳ của mình, nhân dân Việt Nam đã chứng minh được sức mạnh của con người luôn lớn hơn sức mạnh của vật chất và rằng không thế lực nào có thể khuất phục được một dân tộc đoàn kết với ý chí kiên định. Đó chính là điều đã làm thay đổi lịch sử thế giới.


Lê Hà (P/v TTXVN tại Cuba)