04:19 05/04/2015

Việt Nam là niềm tự hào của cách mạng Cuba

Trong một ngôi nhà đầy ánh sáng và gió biển tại thủ đô La Habana, chúng tôi đã gặp ông Julio García Oliveira, cựu Trưởng đoàn chuyên gia quân sự và Đại sứ Cuba tại Việt Nam giai đoạn 1966 – 1969, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta ở vào thời kỳ ác liệt nhất.

Trong một ngôi nhà đầy ánh sáng và gió biển tại thủ đô La Habana, chúng tôi đã gặp ông Julio García Oliveira, cựu Trưởng đoàn chuyên gia quân sự và Đại sứ Cuba tại Việt Nam giai đoạn 1966 – 1969, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta ở vào thời kỳ ác liệt nhất.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trao đổi với đ/c Julio García. Ảnh: Tư liệu cá nhân của đồng chí García


Ở tuổi 84, gánh nặng năm tháng đã phần nào tác động tới sức khỏe của ông, nhưng vẫn chưa hề ảnh hưởng tới sự minh mẫn hay ký ức phong phú của một con người đã từng đi qua hơn 40 quốc gia và tận mắt chứng kiến nhiều thay đổi lịch sử tại khắp các châu lục. Đối với ông, không có đất nước nào để lại nhiều kỷ niệm như Việt Nam và những lời kể gọn gàng, mạch lạc của ông đã dễ dàng tái hiện cho chúng tôi câu chuyện hơn bốn thập kỷ trước của mình, vẫn rõ ràng và tươi mới như vừa diễn ra hôm qua.

Vào một ngày hè cuối tháng 7/1966, ông García, khi đó vừa kết thúc khóa học quân sự cao cấp và đang đảm nhiệm chức vụ đứng đầu bộ phận kỹ thuật của Bộ Các Lực lượng Vũ trang cách mạng Cuba (MINFAR), được Trung ương Đảng Cộng sản triệu tập và thông báo ông đã được Bộ Chính trị lựa chọn làm Trưởng phái đoàn quân sự Cuba tại Việt Nam.

Chỉ tới lúc đó, ông mới biết Cuba đang chuẩn bị một phái đoàn quân sự sang Việt Nam, chủ yếu bao gồm các chuyên gia phòng không, từ các đơn vị pháo binh, tên lửa, radar, và tất cả đều tham gia một cách tự nguyện. Đối với cá nhân ông “lên đường sang Việt Nam vừa là một vinh dự lớn trong đời, vừa phù hợp với mong ước, nguyện vọng bấy lâu là được chiến đấu chống lại đế quốc Mỹ”.

Ông García thừa nhận trước khi sang Việt Nam, ông và các đồng chí của mình hiểu biết rất hạn chế về đất nước, con người ở đây, dù khi đó dân chúng Cuba theo dõi khá sát tình hình chiến sự Việt Nam và ông cũng từng tìm hiểu về chiến tranh nhân dân qua tác phẩm “Chiến tranh nhân dân, Quân đội nhân dân” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (do Che Guevara lựa chọn giới thiệu và viết lời tựa) trong khóa học quân sự cao cấp. Nhưng với ông, chỉ khi được đến và sống tại Việt Nam trong thời kỳ lịch sử đó, ông mới có thể khám phá và thực sự biết tới chiến tranh nhân dân, đặc biệt là qua những lần tiếp xúc khá thường xuyên với Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nhiều nhà lãnh đạo chủ chốt khác của nước ta. Đối với ông: “Việt Nam luôn là một trường học đặc biệt”.

Sau nửa tháng di chuyển qua một lộ trình khá vòng vèo, chuyên gia quân sự García Oliveira tới Việt Nam ngày 15/9/1966. Ngay trong những ngày đầu ở Hà Nội, ông đã có một nhiệm vụ quan trọng, chuẩn bị và tham gia chuyến thăm Việt Nam của đồng chí Raúl Castro, khi đó là Bộ trưởng MINFAR. Đây là chuyến thăm lịch sử, đặt nền móng và định hướng cho quan hệ giữa hai nước.

Đ/c Julio García trò chuyện với phóng viên TTXVN. Ảnh: Nguyễn Hoài Nam. 


Theo lời kể của ông García, phái đoàn Cuba đã làm việc liên tục 3 ngày 3 đêm, với nhiều cuộc họp với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng như nhiều nhà lãnh đạo khác. Trong những cuộc trao đổi thẳng thắn giữa những người đồng chí ấy, phía bạn Cuba muốn tìm hiểu lập trường và khả năng của lực lượng cách mạng Việt Nam; vì từ năm 1965 Mỹ đã ồ ạt đưa quân vào Việt Nam, leo thang chiến tranh, và – theo thông tin từ phía bạn có được – ngay trong hàng ngũ các nước xã hội chủ nghĩa, cũng có nhiều nước cho rằng Việt Nam khó lòng đương đầu với sức mạnh của Mỹ và nên chấp nhận một giải pháp thỏa hiệp.

Theo ông García, phía bạn khẳng định sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam trong mọi mặt, kể cả cử các chiến sĩ tình nguyện sang chiến đấu, các lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta xúc động và cảm ơn tinh thần hào hiệp ấy, nhưng cũng rất hiểu những khó khăn của bạn khi xây dựng chủ nghĩa xã hội ngay sát đế quốc Mỹ.

Sau các cuộc tiếp xúc, phái đoàn Cuba đã có đầy đủ tin tưởng vào ý chí và sức mạnh của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, và hai bên thỏa thuận Cuba sẽ cử các chuyên gia quân sự sang trao đổi, học tập kinh nghiệm chiến đấu tại Việt Nam. Trong 3 năm ông García Oliveira đảm nhiệm cương vị Trưởng phái đoàn quân sự và Đại sứ Cuba tại Hà Nội, hàng trăm chuyên gia pháo binh, cơ giới, thiết giáp, tên lửa của Cuba  đã sang Việt Nam trao đổi kinh nghiệm về khí tài và chiến thuật, thậm chí ngay trên trận địa, và 6 người con của mảnh đất quê hương của người anh hùng José Martí đã mãi mãi ra đi trên đất nước của Bác Hồ. Câu nói nổi tiếng của lãnh tụ Fidel Castro: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình” không chỉ là khẩu hiệu, mà đã trở thành hiện thực.

Sinh năm 1931 tại La Habana, Julio A. García Oliveira là kiến trúc sư, tiến sĩ kinh tế, từng tốt nghiệp Khóa học cao cấp quân sự của Lực lượng vũ trang Cách mạng Cuba. Ông tham gia Cách mạng Cuba từ sớm, được phong hàm Tư lệnh năm 1959, và là Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Cuba từ năm 1969 tới năm 1986. Ông từng là Trưởng phải đoàn quân sự Cuba tại Việt Nam, Lào và Campuchia (1966-1969) kiêm nhiệm Đại sứ Cuba tại Việt Nam và từng kinh qua các vị trí lãnh đạo trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Ông đã xuất bản nhiều đầu sách, chủ yếu là về đề tài lịch sử, trong đó có tác phẩm “Hồ Chí Minh, người yêu nước, 60 năm đấu tranh cách mạng”.


(Còn tiếp)


Lê Hà (P/v TTXVN tại Cuba)